Theo BS Nguyễn Văn Tiến – BV Ung bướu TP.HCM cho biết nhiều người khi bị ung thư họ cảm giác như mọi thứ đã hết và dễ dẫn đến những sai lầm trong điều trị.
- Thực hư uống nước đun sôi để nguội quá 24h gây nguy hiểm cho sức khỏe, nguy cơ ung thư
- Ung thư gan VN xếp thứ 4 thế giới, những cách chữa mới nhất bệnh nhân cần biết
Sai lầm 1: Ung thư là bản án tử hình
Sự thật: Khoảng 1/3 bệnh ung thư có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Chính vì thế, bác sĩ khuyến cáo việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tầm soát phát hiện sớm ung thư rất quan trọng.
Ngày nay, khoảng 9/10 người khi được chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư ở giai đoạn đầu như: ung thư vú, tuyến tiền liệt và tuyến giáp, có thể sống khỏe mạnh ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán ung thư.
Ngoài ra, có nhiều phương pháp điều trị ung thư mới được nghiên cứu và ứng dụng, giúp nhiều người mắc bệnh ung thư giai đoạn trễ có thể sống lâu hơn.
Sai lầm 2: Ung thư là bệnh truyền nhiễm
Sự thật: Bạn không thể bị lây bệnh ung thư từ người mắc bệnh ung thư. Mặc dù bản thân ung thư không lây từ người sang người, một số loại vi rút có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư như:
• Viêm gan B hoặc C lây lan qua đường quan hệ tình dục hoặc đường máu (dùng chung kim tiêm bị nhiễm bệnh) và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan.
• Virus gây u nhú ở người (HPV) là một bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Sai lầm 3: Ăn đường sẽ làm ung thư phát triển nhanh hơn
Sự thật: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tế bào ung thư hấp thụ nhiều đường hơn các tế bào bình thường. Nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn đường hoặc thực phẩm ngọt sẽ làm trầm trọng thêm bệnh ung thư.
Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường có thể khiến bạn tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Những người béo phì hoặc mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu về sự an toàn của chất ngọt nhân tạo. Tất cả các chất ngọt nhân tạo trừ cyclamate đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt để lưu hành trên thị trường.
Sai lầm 4: Ung thư không được đụng dao, kéo
Quan điểm nếu "đụng dao kéo" sẽ làm bướu phát triển nhanh hơn không phải là hoàn toàn sai. Để giải thích vấn đề nay bằng 2 hướng:
Giải thích cho cộng đồng hiểu: ung thư như một ổ kiến trên cành cây, muốn lấy và tiêu diệt ổ kiến an toàn không bị "cắn" chúng ta phải đốn nguyên cành cây có chứa ổ kiến mà tiêu diệt chúng.Không nên chọt vào kiến sẽ túa ra khắp nơi.
Ung thư cũng vậy, nếu cắt ngang, hay cắt lằn giới không an toàn tế bào ung thư sẽ bùng phát dữ dội, từ giai đoạn đầu có thể trị khỏi bệnh nó sẽ lan nhanh đến giai đoạn cuối.
Còn về chuyên môn: Nguyên nhân là khi phẫu thuật nếu không lấy được toàn bộ bướu sẽ kích thích phản ứng viêm làm tăng sinh mạch máu và thúc đẩy các tế bào ung thư ở trạng thái "ngủ yên" chuyển sang trạng thái hoạt động, tăng sinh.
Chính vì vậy điều trị ung thư phải là bác sĩ chuyên ngành ung thư, phải có cái nhìn về ung thư như vậy mới hạn chế thấp nhất tái phát và di căn của ung thư .
Tuy nhiên, ngày nay phẫu trị vẫn được xem là một trong những phương pháp điều trị cơ bản và khoa học nhất trong điều trị ung thư. Thậm chí trong một số loại ung thư thì phẫu trị còn được xem là phương pháp điều trị khỏi "duy nhất", ví dụ trong bệnh lý melanôm hoặc sarcôm sau phúc mạc.
Do đó, phẫu thuật ung thư đúng chỉ định, đúng loại bướu, đúng giai đoạn và phải được thực hiện bởi các phẫu thuật viên chuyên khoa ung bướu để bảo đảm lấy được toàn bộ bướu với diện cắt an toàn và tránh rơi vãi mô bướu trong lúc phẫu thuật.
Phẫu thuật chia làm 2 loại: phẫu thuật giảm nhẹ triệu chứng và phẫu thuật triệt căn. Phẫu thuật triệt căn thực hiện ở giai đoạn bệnh phát hiện sớm, cắt bỏ khối u và nạo vét hạch.
Phẫu thuật giảm nhẹ thường diễn ra khi bệnh nhân ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn. Khi đó, người bệnh không còn khả năng phẫu thuật triệt căn mà mục đích chính là giảm chèn ép và tránh sùi loét nhiễm trùng. Do đó, phẫu thuật lúc này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, giảm đau đớn hoặc kéo dài sự sống cho người bệnh.
Sai lầm 5: Suy nghĩ xấu hoặc thái độ tiêu cực sẽ khiến bạn bị mắc ung thư hoặc chết vì ung thư
Sự thật: Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hoặc chết vì nó vì có thái độ tiêu cực, hoặc ngược lại. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bạn sẽ phải chịu đựng nhiều cảm xúc rất khác nhau. Bạn có thể cảm thấy buồn, tức giận, sợ hãi hoặc nản lòng.
Khi gặp khó khăn, một thái độ tích cực có thể giúp bạn đối phó tốt hơn với căn bệnh ung thư khi được chẩn đoán hoặc đương đầu với các tác dụng phụ của điều trị.