Bệnh nhân trẻ tuổi nhất (13 tuổi) mắc bệnh giang mai đã đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị. Điều đáng nói là những nam thanh niên 13-16 tuổi mắc bệnh giang mai do quan hệ tình dục không an toàn không hiếm gặp.
- Bé trai 13 tuổi ở Hà Nội mắc giang mai do bị lạm dụng tình dục đồng tính
- Cảnh báo: Kiểu hôn lãng mạn cặp đôi nào cũng đã thử qua có thể là nguyên nhân khiến bạn lây bệnh lậu ở cổ họng
Số người mắc bệnh giang mai đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị ngày càng tăng. Có ngày Bệnh viện Da liễu tiếp nhận 20-30 người mắc bệnh giang mai đến điều trị.
Bác sĩ Lê Quốc Trung, trưởng khoa lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết số người mắc bệnh giang mai có xu hướng tăng, đặc biệt là ở bệnh nhân nam, trong đó ở đồng giới nam tăng nhiều.
Tăng ào ạt
Bệnh giang mai có từ lâu, nhưng nhiều năm về trước bệnh giảm. Chỉ từ năm 2000, bệnh bắt đầu có xu hướng nhích lên, đặc biệt từ năm 2010 đến nay bệnh có xu hướng tăng hơn.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, năm 2015 chỉ có 1.678 bệnh nhân giang mai đến Bệnh viện Da liễu điều trị thì đến năm 2016 có 2.460 bệnh nhân, năm 2017 có 3.366 bệnh nhân và năm 2018 lên đến 5.340 bệnh nhân.
Năm 2019, chưa có số liệu thống kê nhưng các bác sĩ nhận xét bệnh vẫn có xu hướng tiếp tục tăng. Trước đó, năm 2010, Bệnh viện Da liễu chỉ điều trị 882 bệnh nhân giang mai.
Cũng theo bác sĩ Lê Quốc Trung, từ năm 2005 trở về trước, bệnh giang mai ít có những biểu hiện lâm sàng. Trong những năm đó, những người được phát hiện mắc bệnh giang mai là do "tình cờ" được thử máu làm xét nghiệm.
Bệnh nhân có thể đến khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu, được bệnh viện tầm soát bệnh tình dục hoặc bệnh nhân đến một cơ sở y tế để khám sức khỏe thì được kiểm tra và phát hiện bệnh, hoặc bệnh nhân được làm xét nghiệm trước khi mổ cũng tình cờ phát hiện ra bệnh giang mai.
Còn những năm gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh giang mai có những biểu hiện trên triệu chứng lâm sàng ngày càng tăng. Với những bệnh nhân này bác sĩ chỉ cần khám, nhìn là phát hiện được bệnh nhân mắc bệnh giang mai.
Hiện Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã điều trị cho bệnh nhi nhỏ nhất ở lứa tuổi 13 và lớn tuổi nhất là trên 80 tuổi.
Có khoảng 30% bệnh nhân mắc bệnh giang mai không gây ra biểu hiện gì mà cũng không nguy hại gì và tình cờ được làm kết quả xét nghiệm mới phát hiện ra. Đa phần bệnh nhân mắc bệnh đều phải chữa vì cho dù bệnh có hay không có biểu hiện lâm sàng vẫn có thể gây biến chứng ở thần kinh, tim mạch...
Nhưng cũng có những trường hợp, tùy vào tình trạng cụ thể, các bác sĩ da liễu sẽ quyết định có điều trị cho bệnh nhân đó hay không.
Ví dụ có cụ ông hơn 80 tuổi, trước cuộc mổ tim được phát hiện mắc bệnh giang mai. Lúc đó, bác sĩ da liễu sẽ xác định đây là tình trạng giang mai ở giai đoạn nào (1,2,3), có gây nguy hại gì hay không? Nếu chích thuốc điều trị giang mai cho bệnh nhân này có ảnh hưởng đến bệnh tim hay không?
Ngoài ra, các bác sĩ cũng còn phải xem xét, cân nhắc đến tâm lý của bệnh nhân già. Lúc này bệnh nhân đã có con, có cháu, nếu nói bệnh nhân mắc bệnh giang mai, phải điều trị thì tâm lý bệnh nhân và cả gia đình bệnh nhân đều rất nặng nề, khó chịu. Ở tuổi cao như vậy cũng khó lây bệnh giang mai cho người khác... nên các bác sĩ sẽ phải cân nhắc.
Trẻ em cũng mắc bệnh
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết trước đây Bệnh viện Nhi Đồng 1 rất hiếm khi có trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh đến điều trị, thì nay số trẻ mắc bệnh này cũng đang có xu hướng tăng lên.
Kết quả dương tính vẫn có thể hết bệnh!
Bác sĩ Lê Quốc Trung khẳng định, không phải bệnh nhân cứ có kết quả xét nghiệm giang mai dương tính là đều phải điều trị. Bác sĩ Trung kể lại trường hợp một nam thanh niên đến một bệnh viện quận xét nghiệm kiểm tra sức khỏe để đi sang nước ngoài làm việc. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ ở bệnh viện quận này nói bệnh nhân mắc bệnh giang mai, không đủ điều kiện sức khỏe để đi nước ngoài làm việc.
Trong khi trước đó, nam bệnh nhân này đã điều trị bệnh giang mai ở Bệnh viện Da liễu và được bác sĩ thông báo là đã hết bệnh.
Nam bệnh nhân này đã gửi đơn lên Sở Y tế TP.HCM thắc mắc về vụ việc. Sau đó, Sở Y tế đã mời các bác sĩ của hai bệnh viện lên làm việc. Lúc đó, bác sĩ Bệnh viện Da liễu giải thích dù bệnh giang mai đã được chữa hết, có thể khi làm xét nghiệm vẫn ra kết quả dương tính.
Với những trường hợp này phải tùy theo mức độ kháng thể mà bác sĩ sẽ xác định xem bệnh giang mai đã hết hay chưa, chứ không phải cứ kết quả dương tính là còn bệnh vì đa số những kháng thể sẽ còn lưu mãi mãi.
Bệnh giang mai nếu được phát hiện sớm sẽ điều trị được, chi phí thấp. Những bệnh nhân này chỉ cần đến bệnh viện da liễu để chích một mũi thuốc. Còn những trường hợp nặng hơn (nhưng chưa bị biến chứng), có thể phải chích thuốc tới 3 lần trong 3 tuần.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều bệnh nhân trẻ mắc bệnh giang mai có tâm lý ngại ngần đến bệnh viện điều trị mà lại tìm đến một số phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Tại những cơ sở này, bệnh nhân đã bị lừa để chịu điều trị với giá vài chục triệu đồng.
Bác sĩ Trung khuyến cáo, để phòng tránh bệnh giang mai cũng như nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục, cần phải tránh quan hệ với nhiều người. Còn khi quan hệ tình dục với người lạ, bắt buộc sử dụng bao cao su.
Một số trẻ em hiện có quan hệ tình dục sớm nhưng chưa có ý thức về phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các bậc cha mẹ nên trang bị kiến thức về giới tính cho trẻ.
Bệnh lây dễ mắc
Bệnh giang mai lây qua đường quan hệ tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Phần lớn nam bệnh nhân mắc bệnh giang mai là quan hệ với nam, vì khi quan hệ dễ bị trầy xước nên dễ mắc bệnh. Trong số này có những bệnh nhân vẫn có vợ hoặc bạn tình nữ nên vẫn có thể lây bệnh cho vợ, bạn tình.
Những phụ nữ này mắc bệnh khi có thai mà không được tầm soát, điều trị trước khi thai được 5 tháng tuổi thì khi sinh con sẽ lây bệnh cho con.