Bé gái 6 tuổi ở Đắk Lắk tử vong nghi do mắc bạch hầu, 11 người đến dự đám tang cũng xuất hiện sốt phải nhập viện điều trị.
- Bác sĩ nhận định nguyên nhân khiến nữ y tá tử vong khi 'dao kéo'
- Trẻ sơ sinh tử vong tại trung tâm y tế do sặc sữa
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk hôm nay cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp bé gái tử vong nghi mắc bệnh bạch hầu.
Trưa ngày 29/8, BV Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân H’Si Yan (6 tuổi, trú buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu.
Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Bệnh nhân sau đó lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Rạng sáng ngày hôm sau, bệnh nhân tử vong và kết luận nghi do bạch hầu.
Theo lãnh đạo UBND xã Ea H’Đinh, trong quá trình làm tang lễ cho bệnh nhân, có 11 người sau khi đến đám tang đã xuất hiện triệu chứng sốt.
Những người này sau đó được đưa vào BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để theo dõi và điều trị.
Chính quyền địa phương đã tổ chức đặt biển báo cách ly, hạn chế người dân qua lại khu vực gần nhà bệnh nhân; tuyên truyền vận động cho người dân hạn chế đến thăm, viếng tại nhà bệnh nhân tránh lây bệnh.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo những trường hợp người dân trong xã xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và cách ly, điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác và/hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.