Bé gái 14 tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Sống khỏe 01/05/2019 13:06

Thông tin bé gái 14 tuổi mới có kinh nguyệt, chưa từng quan hệ tình dục bị mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối đã khiến nhiều người lo lắng.

Mới đây, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), bé gái T.T.B.T (14 tuổi, ở Bình Dương) được phát hiện mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết đây là trường hợp bệnh nhân trẻ nhất mà ông gặp sau gần 30 năm làm chuyên khoa ngoại ung bướu.

Bé gái 14 tuổi bị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối - Ảnh 1

Bé gái đang được điều trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: HL.

Tại sao chưa quan hệ vẫn mắc ung thư vùng kín

Tại Bệnh viện K (Hà Nội), Nguyễn Kiều Linh (28 tuổi, ở Phú Thọ) cũng rất bất ngờ khi bị ung thư cổ tử cung. Linh vốn là người kín đáo, cổ điển và chưa quan hệ với ai nên mỗi khi kiểm tra sức khỏe, cô không khám phụ khoa. Hay bị ngứa vùng kín nhưng tâm lý e ngại và muốn giữ “cái ngàn vàng” khiến cô không đến gặp bác sĩ.

Linh chọn cách chữa trị dân gian như nấu nước muối, dùng lá trầu không để rửa. Gần đây, khi tình trạng ngứa không dứt, cộng thêm biểu hiện chảy máu phần phụ khiến Linh hốt hoảng đi khám. Kết quả cho thấy cô đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn nặng.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Diệu Hà, Phó khoa Ung thư phụ khoa, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết đây là một trong những bệnh nhân mắc ung thư phụ khoa ở tuổi còn rất trẻ. Thực tế, việc một bộ phận giới trẻ hiện nay “vào đời” quá sớm, quan hệ bừa bãi khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp như hai bệnh nhân trên không có mối liên hệ với việc quan hệ tình dục. Vì vậy, theo chuyên gia, chị em cần cẩn trọng khi bị viêm nhiễm vùng kín.

Trong nhiều năm công tác, bác sĩ Hà thường gặp các bệnh nhân đến khám và được kết luận bị bệnh lý lộ tuyến với các biểu hiện như ra nhiều khí hư, chảy máu phần phụ, đau rát… Lộ tuyến là tổn thương lành tính và chữa khỏi nhờ đốt điện nhưng trong nhiều trường hợp, đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra, theo nữ bác sĩ, việc chủ quan không khám phụ khoa đã khiến những dấu hiệu bất thường bị bỏ qua. Người bệnh không được chữa trị ở giai đoạn sớm.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Đại học Y Hà Nội, ung thư phụ khoa hay các bệnh phụ khoa khác có thể gặp ở bất kỳ phụ nữ nào, bất kể việc đã kết hôn hoặc có quan hệ tình dục hay chưa.

Ngoài nguyên nhân quan hệ nhiều, có nhiều bạn tình, ung thư cổ tử cung còn có thể gặp ở những người sinh đẻ nhiều lần, phụ nữ hút thuốc lá, dùng thuốc ức chế, giảm miễn dịch...

Bệnh thường không có triệu chứng cụ thể và rõ ràng ban đầu nên rất khó phát hiện hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm khác. Do đó, khi phát hiện chính xác, bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và việc điều trị gặp khó khăn hơn, xác suất khỏi bệnh không cao.

PGS Luật nhấn mạnh ung thư cổ tử cung là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở phái nữ. Nếu được phát hiện sớm, 92% người mắc bệnh này có thể được chữa khỏi.

Cách phòng ung thư cổ tử cung sớm

Theo các chuyên gia, nhiễm một hoặc nhiều type Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao đã được khẳng định là nguyên nhân tiên phát của ung thư cổ tử cung. HPV là tác nhân truyền qua đường tình dục. Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời của người phụ nữ là khoảng 80%, với tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra trong độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25% trong quần thể. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam liên quan chặt chẽ với tỷ lệ nhiễm HPV.

Để phòng và giảm nguy cơ mắc bệnh, phụ nữ cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin ngừa HPV trong vòng 6 tháng. Nữ giới trong độ tuổi 9-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm ngừa.

Ngoài việc tiêm ngừa, chị em cũng cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm, để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp.

Mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt Nam tử vong do ung thư cổ tử cung

Năm 2018 Việt Nam ghi nhận có 4.177 phụ nữ được phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, 2.420 người tử vong do bệnh này.

TIN MỚI NHẤT