Sau khi một bác sĩ là trạm trưởng trạm y tế tử vong đột ngột, ngoài sự tiếc thương, người dân còn lo lắng vì trước đó đã có 2 người tử vong bởi căn bệnh tương tự. Đáng chú ý là lúc đầu, tất cả đều cho rằng bệnh nhân bị sốt virus.
- Phép màu đã không mỉm cười với cậu bé 7 tuổi bị nhiễm trùng máu, suy đa tạng ở Hà Nội
- Nữ bệnh nhân nằm liệt giường, nhiễm trùng máu toàn thân vì tùy tiện làm việc này chữa đau khớp
Nhầm tưởng cúm virus
Từ một tuần trước, BS Đặng Công Duẩn (SN 1976), Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bị sốt nhẹ, người ớn lạnh vào cuối ngày. Cho rằng mình bị nhiễm cúm virus nên BS Duẩn vẫn đi làm bình thường.
Một nhân viên trạm xá cho biết: “Bác sĩ Duẩn đến trạm làm việc nhìn ủ rũ nhưng là người mẫn cán nên không nghỉ việc, cũng không nhờ anh em tiêm truyền. Về nhà, có người em cùng họ là y sỹ nên BS Duẩn nhờ truyền dịch rồi tự mình kê đơn các loại thuốc cảm để uống.
Cho đến sáng 6/5, khi đến trạm không thấy trạm trưởng nên anh em cử người đến nhà thăm. Lúc đến, BS Duẩn đã không làm chủ được tâm thần, vệ sinh vô thức nên chúng tôi gọi xe cấp cứu đưa thẳng vào Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
Đến nơi, BS Duẩn được đưa thẳng lên Khoa Hồi sức tích cực, đến giữa giờ chiều thì BS Duẩn tử vong do suy đa tạng. Theo kết luận sơ bộ, nguyên nhân tử vong chủ yếu là do nhiễm trùng huyết, còn nguyên nhân khởi phát ban đầu thì chưa rõ vì BS Duẩn không có bất kì một vết thương hở nào”.
Trước đó, cũng tại địa bàn xã Quang Lộc có 2 người tử vong vì lý do tương tự BS Duẩn. Để xác minh những biểu hiện ban đầu của bệnh nhiễm trùng huyết của 2 bệnh nhân tử vong trước đó, chúng tôi đã trực tiếp tìm hiểu người thân của các nạn nhân.
Ông Nguyễn Đăng A ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc cho biết, cách đây 3 tuần vợ ông là bà Nguyễn Thị X ban đầu cũng sốt, người ớn lạnh. Cả con trai và con dâu của ông bà đều làm nghề y và cho rằng mẹ bị nhiễm cúm virus nên điều trị theo hướng đó. Nhưng sau 5 ngày thì bà X rối loạn hành vi, nói và đi vệ sinh không tự chủ.
Khi đưa đến bệnh viện thì bà X đã nhiễm trùng huyết nặng, chuyển lên tuyến tỉnh rồi ra Hà Nội liên tục chạy thận để cứu nhưng không thành. Bà cũng bị suy đa tạng rồi mất.
Còn ông Đặng Đình T. ở thôn Trà Dương (xã Quang Lộc) thì nghẹn ngào kể về cậu con trai mất cách đây 6 tháng: “Con tôi đang khỏe mạnh, lái xe tải đường dài từ Hải Phòng qua Lào. Lúc đầu cũng sốt, thấy tiêm, truyền có đỡ nên cháu vẫn lái xe sang Lào 5 ngày. Khi cháu về thấy tình hình bệnh nặng hơn, gia đình đưa ra Hà Nội chữa thì đã bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng rồi mất”.
Cần một sự cảnh báo hiệu quả
Qua mấy trường hợp trên có thể thấy, ngay cả với những bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết có chuyên môn chuyên sâu về nghề y thì vẫn chủ quan nhầm lẫn nguyên nhân ban đầu dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Trong vòng mấy tuần gần đây, trên một địa bàn có đến 3 người đều tử vong vì căn bệnh nhiễm trùng huyết. Họ đều có các biểu hiện lâm sàng ban đầu như bị cảm cúm thông thường hoặc cúm virus siêu vi. Vì thế, khi bệnh trở nặng dẫn tới hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan, sốc nhiễm trùng huyết thì họ đều tử vong.
Trao đổi về nhiệm vụ tuyên truyền, cảnh báo y học dự phòng, ông Nguyễn Viết Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y học dự phòng huyện Can Lộc cho biết: “Cho đến nay, kết luận cuối cùng về y khoa của các trường hợp nhiễm trùng huyết đã tử vong trên địa bàn xã Quang Lộc là đều suy đa tạng do hội chứng nhiễm trùng huyết. Còn căn nguyên để dẫn đến nhiễm trùng huyết thì chưa rõ.
Chúng tôi khuyến cáo cho nhân dân khi có biểu hiện sốt, cảm cúm hay bất kì một triệu chứng bệnh nào thì kịp thời đến các cơ sở y tế để thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, kĩ thuật cận lâm sàng để xác định đúng bệnh nhằm điều trị hiệu quả. Tuyệt đối không được tự mua thuốc trôi nổi không theo đơn của bác sĩ để tự điều trị ở nhà”.