Đừng coi thường những cơn đau bụng, dù chúng chỉ kéo dài ít ngày.
- Những nguyên nhân bất ngờ gây đau đầu chúng ta thường gặp phải nhưng vẫn bỏ qua
- Muốn giảm đau bụng ngày ‘đèn đỏ’ nhanh chóng, hội con gái hãy duy trì những thói quen đơn giản này
Những vấn đề về dạ dày thường có khuynh hướng tự thuyên giảm sau một thời gian ngắn. Nhưng nếu những cơn đau vùng bụng trở nên mãn tính, thì đây chính là dấu hiệu cơ thể bạn đang gặp bất ổn.
Hãy cùng tìm hiểu về 6 loại đau bụng phổ biến nhất và cách điều trị đơn giản cùng với bác sĩ, tiến sĩ Luke Powles.
1. Chướng bụng, đầy hơi
Bác sĩ Luke Powles làm việc tại Phòng khám Y tế Bupa chia sẻ: “Một số loại thực phẩm có thể khiến bụng đau đớn, khó chịu hoặc đầy hơi, căng tức.”
Ông đề nghị nên cắt giảm thức ăn giàu chất béo khỏi chế độ ăn uống, để xem liệu đó có phải nguyên nhân hay không.
Nếu hành động can thiệp trên không mang lại kết quả, thì có lẽ bạn đã mắc phải hội chứng gây kích thích bụng (IBS). Bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám rõ ràng hơn.
2. Đau vùng bụng trên rốn và gần ngực sau khi ăn
Chứng khó tiêu là nguyên nhân thường gặp gây khó chịu sau khi ăn. Tuy nhiên, nó cũng có thể do việc ăn quá nhanh hoặc thực đơn chứa quá nhiều mỡ và thực phẩm chiên rán.
Bác sĩ Powles nói: “Người ta có thể gặp phải hiện tượng đau bụng trên rốn và đau gần ngực sau khi ăn nếu họ ăn quá nhanh hoặc ăn thứ gì đó quá béo, đặc biệt khi họ không quen với thực phẩm đó”.
Powles khuyên rằng mỗi người nên có một nhật ký thực phẩm để xác định xem loại thực phẩm nào gây ra vấn đề khó chịu này, và nếu bạn không tự mình khác phục được, hãy mang cuốn nhật ký này đến gặp bác sĩ đa khoa.
3. Đau ở vùng bụng dưới
Hiện tượng đau bụng dưới phổ biến ở phụ nữ trong chu kì kinh nguyệt. Đi bộ nhẹ nhàng là một trong những cách giúp làm giảm đau bụng kinh. Hoặc Powles cũng khuyên chị em nên sử dụng những túi chườm nóng, đặt lên bụng để làm dịu những cơn đau ngày “đèn đỏ”.
4. Chuột rút cơ bụng dưới
Chuột rút cơ vùng bụng dưới cũng thường xuyên xảy ra với những phụ nữ đang trong giai đoạn kinh nguyệt.
Tuy nhiên, nếu bạn phải đối mặt với hiện tượng chuột rút trong suốt cả tháng thay vì những ngày “đặc biệt”, thì bạn nên đến gặp chuyên gia y tế. Bởi đây có thể là biểu hiện của bệnh u xơ, bệnh viêm khung chậu, lạc nội mạc tử cung và cần điều trị y tế càng sớm càng tốt.
5. Đau ở vùng bụng trên
Nếu bạn đang gặp tình trạng đau ở vùng bụng trên, rất có thể chế độ ăn của bạn đang thừa axit. Bác sĩ Powles đề nghị bạn nên sử dụng thuốc kháng axit, và cơn đau sẽ giảm dần.
Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn, thì vấn đề có thể nghiêm trọng hơn như dạ dày, tim hoặc phổi của bạn đang gặp trục trặc. Bạn nên theo dõi và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận được lời khuyên.
6. Đầy hơi, tiêu chảy và những cơn đau dạ dày
Sự kết hợp của tất cả các vấn đề này kèm theo ngứa và phát ban có thể là dấu hiệu cơ thể bạn không dung nạp thức ăn.
Nhật ký thực phẩm và những triệu chứng bạn đang gặp phải có thể cho bạn cái nhìn rõ ràng hơn về những loại thức ăn mà bạn không tiêu hoá được.
Bác sĩ Powles khuyến cáo: “Hãy cắt giảm các thức uống có chứa caffeine bao gồm trà và cà phê, đồng thời giảm lượng cồn mà bạn nạp vào cơ thể.”
“Cắt giảm thuốc lá, giảm cân nếu bạn đang thừa cân, không bỏ bữa, cố gắng đứng thẳng và nâng cao đầu khi ngủ. Giảm thiểu lượng thức ăn giàu chất béo và không ăn quá nhiều gia vị”, ông nói thêm. Đó là những cách cơ bản để ngăn chặn tình trạng không dung nạp thức ăn.