Đột quỵ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, đặc biệt khả năng tử vong là rất cao. Tuy nhiên, nếu thực hiện tầm soát đột quỵ thường xuyên có thể giúp chúng ta phát hiện sớm, phòng ngừa và điều trị kịp thời căn bệnh này.
- Lá lốt loại rau thuần Việt mang đến giá trị dinh dưỡng cao và nhiều bài thuốc chữa bệnh
- Những lưu ý bạn cần phải biết khi ăn lẩu để tránh rước họa vào thân
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau tim mạch và ung thư. Căn bệnh nguy hiểm này không loại trừ bất cứ ai và có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào. Vì vậy tầm soát chính là phương pháp giúp chúng ta tiếp cận với đột quỵ sớm để có những biện pháp dự phòng phù hợp.
Việc tầm soát đột quỵ sẽ giúp chúng ta biết được bản thân có nguy cơ đột quỵ hay không, giúp tầm soát các nguyên nhân, các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ bằng các phương pháp chẩn đoán và sàng lọc chuyên sâu. Qua đó có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ đột quỵ.
Vậy những đối tượng nào cần tầm soát đột quỵ ?
Bàn về vấn đề này, PGS. TS. BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng Đơn vị đột quỵ, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, BV Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích.
Theo bác sĩ Hải: "Những người thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cần phải tầm soát nhiều hơn người bình thường".
Những người thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ bao gồm:
- Người lớn tuổi (trên 50 tuổi): Người già là đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ, đặc biệt là những người đã có bệnh nền hoặc có lối sống không lành mạnh thì càng cần phải tầm soát đột quỵ càng sớm càng tốt.
- Người đã từng bị đột quỵ: Đây là đối tượng hàng đầu cần nên tầm soát đột quỵ để tìm ra nguyên nhân và điều trị tận gốc. Theo bác sĩ Hải, người có tiền sử từng bị đột quỵ là người đã có những yếu tố nguy cơ, nếu không đi tầm soát thường xuyên, không được điều trị để dự phòng thứ phát thì chắc chắn bị đột quỵ trở lại.
- Người có triệu chứng cơn thiếu máu não thoáng qua: Theo bác sĩ Hải: 50% những trường hợp bệnh nhân có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự trong vòng khoảng 1 tháng sau đó. Vì vậy, bệnh nhân không được chủ quan mà cần đến viện ngay để chẩn đoán, kịp thời điều trị. Đồng thời, cần tái khám thường xuyên để điều chỉnh thuốc nhằm đạt mục tiêu phòng ngừa tối ưu.
- Những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu hay có tiền sử bệnh lý tim mạch, béo phì,.. cũng là những đối tượng cần chủ động tầm soát đột quỵ để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
-Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ: Trường hợp gia đình có người thân từng bị đột quỵ thì nguy cơ mắc đột quỵ ở những thành viên còn lại là rất cao do nếp sống, thói quen, yếu tố di truyền.
Ngoài những người thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao, bác sĩ Hải cũng khuyên những người đang khỏe mạnh và không có yếu tố nguy cơ cũng nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6-12 tháng một lần. Đột quỵ đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. Nếu người trẻ có lối sống không lành mạnh và thiếu khoa học thì cũng có thể là "đối tượng" đột quỵ có thể nhắm đến.