Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh gan mà không hề biết nguyên nhân có thể do chính những điều mình làm mỗi ngày, đặc biệt là vào buổi tối.
- 7 mẹo đơn giản tiêu diệt kiến ba khoang một đi không trở lại
- Sai lầm nhiều người mắc phải khi dùng kính áp tròng và hướng dẫn đến từ chuyên gia
Ngày nay, không chỉ người lớn tuổi mà rất nhiều người trẻ đang phải đối mặt với các vấn đề về gan. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là những thói quen sinh hoạt, ăn uống mà chúng ta thực hiện mỗi ngày.
Gan là cơ quan giải độc lớn nhất cơ thể và có vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ sức khỏe của chúng ta. Theo y học cổ truyền, trong số các lục phủ ngũ tạng thì từ 11h đêm tới 2h sáng là lúc Can (Gan) bài độc và “bảo dưỡng” mạnh mẽ. Bởi vậy, nếu bạn duy trì 4 thói quen xấu dưới đây thì chính là đang tự đầu độc cho gan của mình.
Ăn quá muộn và quá nhiều
Tổ tiên chúng ta thường ăn 3 bữa mỗi ngày và dùng bữa cuối cùng khi xẩm tối. Trong xã hội hiện đại, các nhà khoa học cũng khẳng định, đây là cách ăn uống lành mạnh. Tuy nhiên, rất nhiều người có thể vì bận rộn hoặc do thói quen bấy lâu mà ăn bữa cuối ngày vào quá sát giờ đi ngủ.
Thức khuya, cảm thấy đói, ăn muộn và chọn những đồ ngọt, nhiều gia vị cho bữa này là vòng tròn luẩn quẩn gây hại cho sức khỏe nói chung và gan nói riêng. Ăn quá no khi đi ngủ hay tiêu thụ những thực phẩm nhiều calo, giàu chất béo và đường sẽ ảnh hưởng tới sự chuyển hóa và quá trình thải độc của gan. Việc này khiến chất béo độc hại tích tụ trong gan, gây ra gan nhiễm mỡ, làm cơ thể tăng cân cũng như ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Không những thế, việc ăn muộn, ăn nhiều buổi đêm còn ảnh hưởng sang tận ngày hôm sau khiến bạn dửng dưng cho bữa sáng, bỏ đói cơ thể, khiến sức khỏe của bản thân ngày càng xuống dốc.
Hút thuốc và uống rượu
Do làm việc căng thẳng hoặc khó ngủ, một số người tìm tới thuốc lá hoặc rượu. Hai thứ này cực kỳ độc hại với gan, nhất là khi bạn tiêu thụ vào đêm.
Hút thuốc sẽ tăng gánh nặng giải độc cho gan và làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng của gan. Các hóa chất có trong thuốc lá đi đến gan và gây ra stress oxy hóa, tạo ra các gốc tự do làm tổn thương tế bào gan. Nó cũng sẽ gây ra xơ hóa.
Hút thuốc trước khi đi ngủ sẽ kích thích não bộ và khiến bạn càng khó đi vào giấc ngủ hơn. Ngoài ra, nếu đóng cửa sổ vào ban đêm, khói thuốc luẩn quẩn trong phòng còn khiến bạn và các thành viên trong gia đình khó thở, tích tụ dần sẽ khiến suy giảm sức khỏe của gan, phổi...
Mức hại của rượu bia tăng lên khi bạn uống trước khi đi ngủ
Uống rượu trước khi đi ngủ cũng là một trong những hành vi dễ làm hỏng gan nhất. Rượu cần được gan chuyển hóa. Việc bạn buồn ngủ sau khi uống rượu là bởi quá trình chuyển hóa của cơ thể giảm xuống - gây suy yếu khả năng thải độc của gan, và như vậy gan phải gánh trách nhiệm cho cả việc thanh nhiệt và giải độc. Việc chuyển hóa rượu làm tăng gấp đôi khối lượng công việc và là gánh nặng cho gan, từ đó có thể khiến bộ phận này suy giảm chức năng.
Tức giận trước khi đi ngủ
Hẳn bạn từng nghe nhiều cặp vợ chồng hạnh phúc chia sẻ một điểm chung: “Không giận nhau trước khi lên giường”. Đây thực sự không chỉ là bí quyết cho hôn nhân gắn kết bền lâu mà còn cho sức khỏe nói chung và gan nói riêng.
Khi chúng ta giận dữ, cơ thể sẽ tiết ra “catecholamin”, một chất tác động lên hệ thần kinh trung ương và làm tăng độc tố trong gan và máu, do đó làm tổn thương gan và cơ thể.
Cãi cọ, giận dỗi trước giờ lên giường không chỉ ảnh hưởng tới hôn nhân mà cả sức khỏe của hai vợ chồng
Giận dữ trước khi ngủ và rồi thiếp đi sẽ ảnh hưởng tới khả năng thải độc và sửa chữa của gan, làm mức độ tổn hại tăng gấp đôi.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, tức giận làm tăng hoạt động của tim, khiến người giận dễ bị mất ngủ. Việc thiếu ngủ sẽ khiến sức đề kháng của cơ thể giảm xuống, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng tự sửa chữa phục hồi của gan vào ban đêm.
Thức khuya nghịch điện thoại
Cơ thể chúng ta thường đi vào chế độ sửa chữa và giải độc khi ngủ. Thiếu ngủ có thể gây ra stress oxy hóa cho gan. Trong khi đó, phần lớn người trẻ hiện nay đều có thói quen dùng điện thoại trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại ảnh hưởng đến sự sản sinh melatonin - một hoóc điều hòa chu kỳ ngủ - khiến tâm trí hưng phấn, gây mất ngủ.
Rất nhiều người biết tác hại của việc chìm đắm vào điện thoại ban đêm nhưng lại không từ bỏ được thói quen này.
Vì vậy, tốt nhất không nên mang theo điện thoại khi lên giường và hãy cố gắng ngủ vào giờ nhất định. Thay vì xem điện thoại, bạn có thể thực hành một số thói quen khác để dễ ngủ và bảo vệ sức khỏe như trò chuyện với người thân, thiền định, đi dạo nhẹ nhàng...
Ngoài ra, để nuôi dưỡng gan tốt, nên thực hiện thường xuyên 3 điều này:
- Ăn các thực phẩm lành mạnh, nhất là rau xanh.
- Bớt tức giận, cười nhiều hơn
- Thực hành lối sống điều độ, ăn uống lành mạnh đúng bữa và ngủ đủ.
Theo Eva