Theo bác sĩ Hà Hải Nam, bệnh viện K Tân Triều, phòng ngừa ban đầu đối với bệnh ung thư là một sự lựa chọn hợp lý, kinh tế, mang lại hiệu quả tối ưu cho sức khoẻ bản thân. Trong đó, thay đổi lối sống là yếu tố đặc biệt cần lưu tâm.
- 5 dấu hiệu sau khi ngủ dậy cảnh báo ung thư nhiều người thường bỏ qua
- Khi đi đại tiện, nếu có 3 triệu chứng lạ xuất hiện thì bạn nên cẩn thận vì có khả năng đó là dấu hiệu của ung thư ruột
Cơ quan nghiên cứu và phân tích toàn cầu (EIU) thuộc tạp chí The Economist vừa công bố báo cáo về khả năng kiểm soát ung thư của 10 quốc gia thuộc châu Á Thái Bình Dương, đăng trên Sáng kiến ung thư thế giới. Theo báo cáo của EIU, gần 70% bệnh nhân ung thư ở Việt Nam tử vong. IARC cũng nêu trong báo cáo năm 2018 rằng, có 300 033 người hiện đang sống chung với bệnh ung thư tại Việt Nam. Ung thư đang thực sự là một gánh nặng lớn cho xã hội.
Theo bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, bệnh viện K Tân Triều, mặc dù gần đây có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư cũng như sự hiểu biết về nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, nhưng số mắc và tử vong do ung thư còn rất lớn. Ngay cả khi việc phát hiện sớm có hiệu quả và nhiều bệnh nhân được cứu sống hơn thì chi phí điều trị cho người bệnh còn rất cao.
Do đó, phòng ngừa ban đầu đối với bệnh ung thư là một sự lựa chọn hợp lý, kinh tế, mang lại hiệu quả tối ưu cho sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế còn nhiều khó khăn của nước ta.
Lối sống thiếu lành mạnh khiến bệnh ung thư ngày càng trẻ hóa
Hiện nay, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày... ngày càng cao. Theo bác sĩ Nam, lối sống có tác động không nhỏ thế nào đến nguy cơ phát triển căn bệnh hiểm nghèo này.
Bác sĩ Nam phân tích, theo một nghiên cứu đa trung tâm của khối liên hiệp Anh và 19 nước châu Âu khác cho thấy, tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong nhiều năm gần đây tăng nhanh ở giới trẻ. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho biết thêm, xu hướng trẻ hóa ung thư đại trực tràng cũng đã xuất hiện ở Mỹ, nơi có 50.000 ca mắc mới mỗi năm.
Nguyên nhân của xu thế này chưa thực sự rõ ràng, nhưng có liên quan đến lối sống lười vận động, béo phì và chế độ ăn kém lành mạnh - vốn là nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng. Các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn.
Ngoài vấn nạn thực phẩm ô nhiễm, mất an toàn nêu trên, nhiều người Việt Nam vẫn có thói quen tiêu thụ thuốc lá, rượu bia, khiến nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày… tăng cao ở những người trẻ.
Bác sĩ Nam chỉ ra các bước để giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính của đường tiêu hoá, theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, bao gồm:
- Thay đổi lối sống (sử dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, giảm chất béo, ngọt, ăn nhiều rau xanh, sử dụng thực phẩm có chất chống oxy hóa)
- Tập luyện đều đặn
- Hạn chế thịt màu đỏ
- Chống béo phì
- Không hút thuốc lá
- Giới hạn rượu bia
- Can thiệp y khoa kịp thời (khám và điều trị nhiễm vi khuẩn HP, can thiệp sớm nếu mắc hội chứng Polyp gia đình…).
Thay đổi thói quen sống là bước đầu tiên rất quan trọng để dự phòng bệnh ung thư
Theo bác sĩ Nam, dự phòng ung thư bao gồm 3 bước, trong đo 2 bước dưới đây đặc biệt quan trọng:
- Bước 1 là phòng bệnh ban đầu bằng việc hạn chế hoặc không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây ung thư, quan trọng nhất là tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, bia rượu.
- Bước 2 là sàng lọc và phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh, thậm chí những dấu hiệu của một tình trạng tiền ung thư. Đây là mấu chốt cho việc điều trị có hiệu quả. Bởi, ung thư biết sớm trị lành. Khi sàng lọc ưu tiên các loại ung thư như cổ tử cung, vú, đại trực tràng... vì bệnh có khả năng khám bằng lâm sàng và các biện pháp đơn giản; bệnh có khả năng chữa khỏi.
Trước đây, 2/3 bệnh nhân ung thư đến viện trong giai đoạn đến muộn, không còn khả năng phẫu thuật. Do ý thức chăm sóc sức khỏe nói chung và nhận thức dự phòng bệnh ung thư trong cộng đồng khi đó còn rất nhiều hạn chế. Song gần đây, số bệnh nhân được phát hiện sớm đã tăng hơn trước, mà chủ yếu ở bệnh nhân ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng. Nguyên nhân cũng một phần bởi các chiến lược truyền thông tuyên truyền được chú ý đẩy mạnh hơn.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế xã hội, trình độ hiểu biết, ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một nâng cao cũng góp phần không nhỏ giúp làm tăng tỷ lệ được chẩn đoán và điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh ung thư theo đó cũng tăng lên. Việc khám sức khỏe định kỳ cũng là cách thức tiếp cận rất hiệu quả giúp các bác sĩ có thể tư vấn và thực hiện cho người dân, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý ung thư, những xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán ung thư ở giai đoạn sớm, khi chưa có nhưng biểu hiện trên lâm sàng.
Để dự phòng bệnh ung thư cho bản thân và gia đình, chúng ta nên thực hiện các bước sau:
1. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố được coi là tác nhân gây bệnh như rượu, bia, thuốc lá, đồ ăn giàu dầu mỡ, gia vị, và ăn các loại thức ăn bị mốc, thay đổi lối sống (sử dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng, giảm chất béo, ngọt, ăn nhiều rau xanh, sử dụng thực phẩm có chất chống oxy hóa); tập luyện đều đặn; hạn chế thịt màu đỏ; chống béo phì, tránh phơi nắng quá lâu, che chắn khi tiếp xúc tia phóng xạ
2. Tiêm vaccine phòng chống nhiễm Virus viêm gan B để dự phòng Ung thư gan, virus HPV để dự phòng ung thư cổ tử cung, điều trị triệt để nếu có nhiễm vi khuẩn HP.
3. Thận trọng khi dùng thuốc nội tiết nữ vì có nguy cơ gây ung thư vú.
4. Đối với người có nguy cơ mắc bệnh ung thư có yếu tố di truyền: ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư võng mạc mắt, bệnh khô da nhiễm sắc tố… thì cần làm xét nghiệm gene và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sớm, can thiệp điều trị sớm (cắt polyp,cắt đại tràng dự phòng với người đa polyp gia đình)
5. Sinh đẻ có kế hoạch và vệ sinh sinh dục, quan hệ tình dục an toàn để dự phòng ung thư cổ tử cung.
6. Phòng bệnh nghề nghiệp và môI trường xung quanh: Chống ô nhiễm không khí, nước sinh hoạt, nước thải,…
7. Thăm khám định kì và làm các test sàng lọc, nhất là đối với những người có yếu tố nguy cơ cao.
8. Khi có chẩn đoán bệnh ung thư, cần được điều trị sớm tại các cơ sở chuyên khoa Ung bướu có uy tín để hạn chế bệnh tái phát, di căn.
Bác sĩ Nam nhấn mạnh: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, cách điều trị tốt nhất là hãy chú ý đến những thay đổi nhỏ trong sức khỏe của mình, tập thói quen đi khám định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm để có thể có được kết quả điều trị tốt nhất ở giai đoạn sớm".