Trong bối cảnh nam chính phim Việt trong khoảng thời gian gần đây được cho là “vừa yếu vừa thiếu”, Hiền của “Lật mặt: 48h” xuất hiện đúng “điểm rơi”, mang lại màu sắc mới cho nam chính màn ảnh Việt.
- Nhan sắc 'mẹ 4 con' nhà Lý Hải tuổi 36 'nuột nà' khó tin, dân mạng hỏi khó 'sao chị tuổi 20 hoài?'
- Con trai bị gãy tay phải bó bột, bà xã Lý Hải tiết lộ tình hình sức khỏe hiện tại của quý tử
Trước khi “Lật mặt: 48h” của Lý Hải ra đời, có nhiều ý kiến của giới bình luận điện ảnh cho rằng vai nam giới trên màn ảnh Việt không đủ mạnh mẽ; trong khi màn ảnh ngày càng nhiều vai nữ cá tính, gai góc, đầy số phận và nữ quyền lên ngôi.
Một số đạo diễn nhận định điện ảnh Việt thiếu tài tử, chứ không hẳn là không có đất cho nam giới. Nhiều phim vẫn xây dựng nam giới là trung tâm nhưng đã không đủ sức để ăn khách, chủ yếu là do vấn đề diễn xuất và kịch bản. Màn ảnh Việt cũng không thiếu những võ sĩ nam tính nhưng các nhân vật ấy không đủ cuốn hút khán giả.
Mới đây là Peter Phạm trong vai nam chính của "Đỉnh mù sương", anh là một võ sư chuyên nghiệp, với kinh nghiệm 7 năm làm cascadeur ở Mỹ. Những ngón võ của anh trong phim không thể chê bai. Hay Bình Minh trong “Sám hối” cũng được xây dựng khá nam tính: võ sĩ Hoàng Minh Long cũng là người đặt gia đình lên trên hết, vì gia đình anh cũng sẵn lòng hy sinh giá trị bản thân và hào quang của chính mình. Tuy nhiên, họ chưa thực sự để lại ấn tượng với khán giả, phải đến Hiền của “Lật mặt: 48h”, nam chính mới thật sự khiến người xem tâm phục khẩu phục.
Nhân vật Hiền trong Lật mặt: 48h xuất hiện như một sự bù đắp, mang lại màu sắc mới cho nam chính phim Việt. Lật mặt: 48h cũng là một phim hành động, cũng đưa một võ sĩ làm nhân vật trung tâm nhưng kịch bản và cách xây dựng nam chính của Lý Hải chặt chẽ và cuốn hút hơn nhiều. Sự cuốn hút còn là việc nhân vật Hiền rất gần gũi với cuộc sống Việt, mang tâm lý của người Việt, trong khi những nam chính của "Đỉnh mù sương", "Sám hối" có phần xa lạ, khó tạo sự đồng cảm.
Là một người đàn ông làm shipper bình thường, một võ sĩ đã giải nghệ và chỉ đơn giản là người đàn ông của gia đình, ở Hiền có đủ mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng đủ ấm áp và tình cảm.
Cùng với tình yêu cho gia đình, Hiền cũng là người rất nghĩa hiệp. Nghĩa hiệp của anh không phải là giải cứu thế giới, dẹp băng đảng mà được thể hiện qua những chi tiết nhỏ: góp sức cứu những người trên xe khách bị trượt bánh khi qua phà trong khi đang gấp việc giải cứu vợ con. A Dìn khi đó đã nói với Hiền: “Mày đừng lo chuyện bao đồng”. Nhưng chính sự bao đồng này là một biểu đạt của tính cộng đồng trong nhân vật.
Hiền thắng A Dìn một phần nhờ sự tốt bụng, đùm bọc, cưu mang của bạn bè, của những người miền Tây lam lũ như vợ chồng Lâm, của ông Tư (Lý Hải), người đồng nghiệp “xe lôi” của ông Tư (Tiết Cương) và bà con người Chăm. Hiền trong nghĩa cử cứu người kia cũng là để đáp đền lại ân tình ấy, có trước có sau.
Võ Thành Tâm không được xếp vào nhóm ngôi sao điện ảnh, không được coi là gương mặt bảo chứng phòng vé. Hiền thậm chí là vai diễn đánh dấu sự tái xuất của nam diễn viên sau thời gian sang Mỹ và thậm chí thất nghiệp ở bên đó. Nhưng với năng lực diễn xuất của mình, anh thể hiện tốt nhiều cảnh quay khó, đòi hỏi cao về thể chất. Lý Hải đã đưa Võ Thành Tâm trở lại và sự trở lại này rất thuyết phục.