Các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc đã đưa ra những quy định mới trong việc lồng tiếng của diễn viên.
- Nhan sắc, sự nghiệp dàn 'tiểu hoa 85' sau khi có con: Triệu Lệ Dĩnh nhan sắc sự nghiệp lên hương, Dương Mịch xuống sắc, Lưu Thi Thi lui về hậu phương
- Luôn bị netizen xăm soi chuyện không chăm sóc con chu đáo, sự thật đằng sau đó khiến nhiều người cảm động vì hành động này của Dương Mịch
Ngày 8/5, HK01 đưa tin các cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc đã đưa ra những quy định mới trong việc lồng tiếng của diễn viên nhằm hạn chế tình trạng diễn viên lười học lời thoại và diễn viên phụ thuộc vào khâu lồng tiếng.
Theo Nhật báo Nhân dân, Liên đoàn phát thanh và truyền hình Trung Quốc (thuộc Tổng cục phát thanh truyền hình Trung Quốc), Hiệp hội dịch vụ truyền thông mạng Trung Quốc (tổ chức ngành nghề cấp quốc gia) phối hợp phát hành Văn bản mẫu của hợp đồng tuyển dụng diễn viên, áp dụng thử trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, web drama.
Văn bản nêu rõ: Trong hợp đồng sử dụng lao động, diễn viên dựa theo quy ước về thời gian, địa điểm với nhà sản xuất để hoàn thành công tác hậu kỳ lồng tiếng cho phim.
Nếu các ngôi sao không thể hoàn thành yêu cầu thu âm cho nhân vật họ đảm nhiệm (lồng tiếng kém hoặc thời gian không đúng), nhà sản xuất có quyền thuê diễn viên lồng tiếng thay thế. Chi phí phát sinh như thù lao lồng tiếng, tiền đi lại, ăn ở sẽ do phía diễn viên chi trả hoặc trừ vào tiền thù lao.
Theo Sina, quy định mới của các cơ quan quản lý nghệ thuật nhận được sự đồng thuận của công chúng. Họ cho rằng diễn viên nhận được mức thù lao khổng lồ thì phải có trách nhiệm với nhân vật của mình. Việc trau dồi diễn xuất, khả năng đọc thoại là yêu cầu bắt buộc nếu các ngôi sao muốn tiếp tục hành nghề.
Hiện tại, các giải thưởng phim ảnh của Trung Quốc đưa ra tiêu chí chỉ xét duyệt những phim mà diễn viên dùng giọng thực.
Ngoài ra, khán giả cũng đặt ra câu hỏi, quy định mới áp dụng cho tất cả diễn viên, dự án phim hay chỉ áp dụng cho phim cổ trang thần tượng?
Mặt khác, cũng có những khán giả cho rằng quy định mới khiến nhiều diễn viên lâm vào thế khó. Ví dụ Xa Thi Mạn, Thái Thiếu Phân, Trần Vỹ Đình,... những diễn viên Hong Kong bị hạn chế trong việc nói tiếng phổ thông. Nếu quy định nghiêm khắc bắt họ phải tự lồng tiếng, sẽ khiến khán giả khó theo dõi, giảm chất lượng của phim.
Sina phân tích thêm việc sử dụng diễn viên lồng tiếng bị hạn chế, nhưng nếu đoàn phim cho rằng việc lồng tiếng phù hợp với dự án phim, thì tìm người thay thế thu âm vẫn được chấp nhận.
Tôn Lệ trong phim Hậu cung Chân Hoàn truyện hay Lưu Thi Thi trong Bộ bộ kinh tâm đều nỗ lực sử dụng giọng thật để tự lồng tiếng nhân vật. Nhưng nhà sản xuất đánh giá giọng của họ không phù hợp, do đó đoàn phim phải thuê diễn viên lồng tiếng.
Trường hợp khác như Dương Mịch, giọng thoại của cô không khó nghe nhưng âm sắc trẻ con, không thích hợp khi đóng vai phụ nữ trưởng thành. Khi Dương Mịch tự thu âm trong các phim Bạo phong nhãn hay Hộc Châu phu nhân đều không phù hợp với tính cách, bối cảnh của nhân vật. Do đó, trong trường hợp của Dương Mịch, khán giả cho rằng việc sử dụng diễn viên lồng tiếng thay thế là hợp lý.
Thêm một trường hợp khác như Đường Yên, hơn 15 năm trong nghề, không ít lần cô bị phê bình về diễn xuất cũng như đọc lời thoại. Không chỉ thường xuyên nhờ tới sự giúp đỡ của diễn viên lồng tiếng ở phim truyền hình, Đường Yên còn khiến netizen sốc đến tận óc khi lạm dụng chuyện này trong ba bộ phim điện ảnh liên tiếp. Rõ ràng Đường Yên đã vào nghề rất lâu, được đào tào trường lớp bài bản nhưng các kỹ năng diễn xuất của cô không hề tiến bộ một chút nào. Thậm chí, cô còn có dấu hiệu thụt lùi khi ngày càng hứng nhiều “gạch đá” hơn. Các dự án phim mới của bà xã La Tấn còn thất bại liên tục và một trong những nguyên nhân chính là vì diễn xuất quá kém của cô.
Bên cạnh đó, kỹ thuật lồng tiếng lại bị lớp nghệ sĩ ‘lười’ lạm dụng quá đà để không phải thuộc thoại. Trong thời đại phim công nghiệp, đòi hỏi việc sản xuất nhanh chóng, nghệ sĩ nhận một lúc 2-3 phim, đã hình thành thói ỷ lại và lười học thuộc lời thoại trong thế hệ diễn viên trẻ.
Việc lạm dụng diễn viên lồng tiếng dẫn đến các nhân vật do Địch Lệ Nhiệt Ba, Triệu Lệ Dĩnh, Đường Yên khác nhau, nhưng giọng nói hoàn toàn giống nhau. Biên Giang nhờ chất giọng nam tính, mạnh mẽ đã được Hoắc Kiến Hoa, La Tấn và Trần Vỹ Đình chọn phụ trách giọng cho nhân vật của họ trong nhiều dự án.
Theo Sina, vì lệ thuộc vào khâu lồng tiếng, họ mỗi khi quên lời hoặc bị vấp thoại cũng không đồng ý quay lại phân cảnh. Thậm chí, khi diễn, họ chỉ đọc thoại một cách vô hồn, thiếu cảm xúc.
Cúc Tịnh Y cũng là trường hợp đáng chê trách khi lạm dụng diễn viên lồng tiếng. Theo Sina, nữ thần tượng đã quay hơn 10 tác phẩm phim truyền hình, nhưng chưa có bất kỳ dự án nào cô dùng giọng thật.
"Cúc Tịnh Y là ngôi sao cá biệt. Diễn dở, thoại dở. Gọi cô ấy bằng danh xưng diễn viên thật sự ngượng miệng. Trên phim trường, ai nghe được cô Cúc đọc gì tôi mới hay", nghệ sĩ lồng tiếng giấu tên nói với Sina.
Để triệt để giải quyết vấn nạn nhức nhối này, cuối năm 2020, Hiệp hội Sản xuất phim Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc ban hành văn bản về quy tắc hành xử của diễn viên trên phim trường. Trong đó nêu rõ nhà sản xuất phải kiên quyết chống lại việc không học thuộc kịch bản, dùng chiêu trò như đếm số, lạm dụng kỹ thuật lồng tiếng để "lách cửa" của giới nghệ sĩ.