Anh bị tước giải thưởng diễn xuất, xóa tên khỏi danh sách diễn viên trong những tác phẩm từng tham gia. Đây là bước đầu của việc sao nam bị cấm hoạt động nghệ thuật.
- Lý Dịch Phong bị 13 thương hiệu lớn quay lưng
- Lý Dịch Phong chính thức 'bay màu' trên MXH, hơn 10 năm hoạt động hóa hư không
Là các nền công nghiệp giải trí nổi bật nhất nhì châu Á cùng tiềm năng tấn công thị trường phương Tây như Hàn Quốc hay khả năng chịu chơi với mức chi tiêu khổng lồ cho thần tượng như Trung Quốc, không quá lạ khi công chúng tại đây lại “đáng sợ” trước các bê bối xảy ra. Dù là những gương mặt đình đám được săn đón nhất hay chỉ là tên tuổi ít biết đến, mọi hậu quả phải gánh chịu đều tương xứng với những gì họ đã gây ra, với mức trừng phạt khắc nghiệt nhất là “phong sát”.
Có thể hình phạt này sẽ tạm đóng băng hoạt động trong vài năm hoặc cũng có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp của người nổi tiếng, song như vậy mới có thể khui ra mặt tối sau lớp hào quang, cảnh cáo nghiêm khắc những hành vi sai trái khi họ chính là đại diện cho cả quốc gia, mang tầm ảnh hưởng quan trọng đối với khán giả và đặc biệt là thế hệ trẻ.
Lý Dịch Phong sinh năm 1987, từng được xếp vào nhóm "Tứ đại lưu lượng", tức 4 nghệ sĩ trẻ nổi tiếng và có lượng fan hùng hậu nhất Trung Quốc, cùng Dương Dương, Lộc Hàm và Ngô Diệc Phàm. Các tác phẩm nổi bật của anh có thể kể đến Cổ kiếm kỳ đàm, Hoạt sắc sinh hương, Đạo mộ bút ký, Ma tước, Tru tiên Thanh Vân chí.
Ngày 11/9, Sina đưa tin cảnh sát Bình An (Bắc Kinh) thông báo Lý Dịch Phong bị bắt vì hành vi mua dâm nhiều lần. Sau khi báo cáo được đăng tải, nam diễn viên tiếp tục bị tẩy chay diện rộng. Các cơ quan quản lý văn hóa đang tiến hành xóa sổ sự nghiệp của anh.
Ban tổ chức giải Hoa Đỉnh tuyên bố tước bỏ danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc (2017) và Nam diễn viên cổ trang được yêu thích nhất (2015) của Lý Dịch Phong.
Hiện, đã có 13/14 nhãn hàng chấm dứt hợp tác với tài tử sinh năm 1987. Họ đang tiến hành gỡ bỏ poster quảng cáo của Lý Dịch Phong khỏi các địa điểm công cộng.
Theo iFeng, thù lao quảng cáo của sao nam khoảng 10-15 triệu NDT/2 năm (1,4-2 triệu USD). Ước tính anh phải bồi thường thiệt hại cho các thương hiệu hơn 20 triệu USD.
Về lĩnh vực phim ảnh, Lý Dịch Phong chỉ còn duy nhất phim điện ảnh Thao trường đang chờ công chiếu. Với việc nam chính vướng scandal vi phạm pháp luật, tác phẩm này chắc chắn không thể ra mắt. Nhà sản xuất chưa công bố tổn thất.
Các trang xem phim như MangoTV, Tencent Video đã xóa tên Lý Dịch Phong khỏi các dự án truyền hình mà anh từng đảm nhận vai nam chính như Cổ kiếm kỳ đàm, Tru tiên: Thanh vân chí, Ma tước, Bí ẩn mà vĩ đại...
Đây cũng được coi là động thái chấm dứt sự nghiệp của Lý Dịch Phong. Bởi theo quy định của Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA), nghệ sĩ vướng bê bối về đạo đức, vi phạm pháp luật không được phép xuất hiện trên bất cứ phương tiện truyền thông nào.
Sohu cho biết Lý Dịch Phong mất hơn 150.000 người hâm mộ trong một tiếng, tính từ lúc cảnh sát Bắc Kinh công bố sai phạm của anh.
Các kênh thông tin lớn ở Trung Quốc cũng có bài viết phê bình, lên án hành vi phạm pháp và cố tình che giấu sự việc bằng văn bản thanh minh, phủ nhận nghi vấn của Lý Dịch Phong.
Trang China News viết: "Sau khi bị bắt vì phạm pháp, nam diễn viên không nghiêm túc nhận sai. Anh hy vọng việc lớn hóa nhỏ, việc nhỏ hóa không, xóa dấu vết phạm pháp. Không ăn năn sau khi phạm sai lầm là điều không đáng để tha thứ hơn cả việc chỉ phạm sai lầm. Trong thời đại hệ thống luật pháp công khai và minh bạch, ai có khả năng thoát khỏi hậu quả của vi phạm pháp luật? Câu trả lời là không ai cả".
Trong khi Nhật báo Bắc Kinh bình luận: "Không có sự phân biệt đẳng cấp trước pháp luật. Người nổi tiếng có vị trí cao đến đâu cũng đừng ôm tâm lý coi thường, ăn may trước luật pháp".