Nhân chi sơ, tính bản thiện hay nhân chi sơ, tính bản ngã hiện vẫn đang là một đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, bản thiện hay bản ngã, thì suy cho cùng, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ vẫn là câu nói đúng.
- Cách làm canh bầu nấu tôm khô ngọt mát, thơm ngon và siêu đơn giản tại nhà!
- Cách làm canh bầu nấu trứng thanh mát, thơm ngon dinh dưỡng và siêu đơn giản cho bữa tối!
Nội dung bài viết
Lý do vì sao con cái lại là tấm gương phản chiếu của cha mẹ
Trong cuộc sống, khi tiếp xúc với trẻ con, nhiều người trong chúng ta, thậm chí là các bậc ông bà cha mẹ, vẫn nghĩ rằng: Ôi dào, nó bé tí đã biết cái gì đâu. Những bậc phụ huynh này cho rằng, đối với các bé nhỏ tuổi (từ 1 đến 5 tuổi) thì việc nhận thức một hành động đúng hay là sai của người lớn là chưa có. Chính vì thế, nhiều người đã rất vô tư trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ, họ không cho rằng những hành động, cử chỉ, lời nói hàng ngày của họ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về cả trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống, lối tư duy của trẻ, mà cho rằng việc dạy dỗ những điều như trí tuệ đạo đức là việc của nhà trường.
Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một nhận thức sai lầm. Bởi theo nghiên cứu khoa học, con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.
Các chuyên gia tâm lí học cho rằng, hiện tượng phản ứng giữa người với người là hiện tượng con người có xu hướng thông qua sự phản ứng, nhìn nhận, đánh giá của người xung quanh mình để hình thành lên sự phản ứng, nhìn nhận, đánh giá của bản thân mình cho các trường hợp tương tự. Đặc biệt là đối với trẻ con, mọi thứ xung quanh đối với chúng đều vô cùng mới mẻ. Tự bản năng thôi thúc chúng quan sát môi trường xung quanh, xây dựng hệ thống dữ liệu để đáp ứng nhu cầu sinh tồn, phát triển của mỗi cá thể.
Mà môi trường chúng tiếp xúc nhiều nhất, tiếp xúc hàng ngày, chính là môi trường có sự tương tác của bố mẹ, ông bà, những người chăm sóc. Chính vì thế, dù không nhận thức được những hành động, lời nói hay cách phản ứng của bố mẹ là đúng hay sai, nhưng mặc định trong đầu trẻ nhỏ, nó sẽ tự nhiên được lưu trữ trong trí nhớ non trẻ của bé, và từ đó bắt đầu hình thành nên những phản ứng và cách ứng xử tương tự. Đây chính là quá trình tiếp thu không chọn lọc của trẻ.
Cụ thể, để trẻ "sống chung" với sự bừa bộn, trẻ sẽ dần trở thành người sống không có kỉ luật. Theo tiến sĩ nhi khoa Scott Krugman - Mỹ, một đứa trẻ có thói quen sống luộm thuộm không có khả năng tập trung để dọn nhà cửa sạch sẽ, điều này khiến chúng luôn bị phân tâm, không thể làm được bất kì "công to việc lớn" nào. Vậy cha mẹ cần làm tấm gương tốt cho bé như nào?
Cha mẹ cần làm gì để xây dựng tấm gương tốt cho con?
Đối với trẻ nhỏ, việc tiếp thu và bắt chước thực hiện là điều vô cùng nhanh chóng. Về lâu về dài, sự tương tác đó lặp đi lặp lại, thì dữ liệu trong đầu trẻ nhỏ cũng sẽ tồn tại bền vững hơn, các bước xử lí đối với các tính huống thực tế cũng nhanh hơn, tạo nên tính cách của chúng sau này.
Nếu những tương tác đó là tương tác tốt, tích cực thì tính cách của trẻ nhỏ sẽ thiên về hướng tốt. Nhưng ngược lại, nếu những hành động, lời nói, cách nhìn nhận của trẻ là chưa đúng đắn hay thậm chí là tiêu cực, thì tính cách của trẻ sẽ có nhiều điểm không tốt hơn.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tầm nhìn đánh giá của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận của trẻ nhỏ. Câu nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” thật ra đã phản ánh rất chính xác quan điểm này. Dù sau này khi trưởng thành, mỗi cá thể đều phải dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân mình để thay đổi tư duy nhận thức, hòa nhập với cuộc sống, thế nhưng, những nhận thức có được ngay từ thuở nhỏ, chính là nền tảng vững vàng nhất cho sự phát triển sau này.
Các bậc phụ huynh hãy chú ý hơn đến những thói quen nhỏ, cách ứng xử hàng ngày của mình:
Hạn chế sử dụng những từ ngữ xấu
Ngôn ngữ của trẻ nhỏ là được tích lũy và hình thành dần theo năm tháng và chủ yếu là học được qua phim ảnh và những người xung quanh. Hãy hạn chế sử dụng những từ ngữ “xấu”, đặc biệt là những lúc trước mặt trẻ. Mặc dù đang lúc nóng giận, mất bình tĩnh nhưng hãy tự hỏi chính mình liệu đây có phải là hành vi mà bố mẹ nên làm trước mặt trẻ hay không nhé.
Tạo niềm tin với trẻ
Bảo vệ niềm tin của trẻ là điều mà cha mẹ cần đặc biệt lưu ý: đừng hứa quá nhiều, đừng hứa suông với trẻ. Nếu bố mẹ biết mình không thể giữ lời hứa của mình, thì đừng nói ra. Nói càng nhiều mà không làm chút nào có thể làm tổn thương lòng tin của con bạn đối với bạn.
Và nếu vô tình, bạn không thể giữ lời hứa (điều đó xảy ra) thì hãy chắc chắn rằng bạn phải xin lỗi con và giải thích tình hình với trẻ một cách trung thực. Xây dựng lòng tin sẽ là chìa khóa để bố mẹ có một mối quan hệ vững vàng hơn với con cái.
Hãy ứng xử như phiên bản mà bạn muốn con mình trở thành
Điều này là cả một quá trình để xây dựng và hình thành thói quen cho trẻ. Qủa vậy, thật khó để nuôi dạy những đứa trẻ tử tế và rộng lượng trong khi chúng ta nói chuyện không đàng hoàng với những người xung quanh. Thay vào đó, hãy sống đúng với những giá trị mà bố mẹ muốn con mình áp dụng.
Tóm lại, "trẻ nhỏ như tờ giấy trắng", mọi sắc màu trên trang giấy của trẻ đều được ảnh hưởng rất lớn từ những người thân và môi trường xung quanh, hay nói cách khác con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Chính vì vậy, cha mẹ hãy cẩn trọng hơn ở lời ăn tiếng nói, cách ứng xử hàng ngày để trở thành tấm gương mẫu mực cho con trẻ nhé! Hy vọng với bài viết này, các bậc cha mẹ sẽ phần nào biết cách "thêm những sắc màu đẹp tươi" trên trang giấy trắng của trẻ nhé!