Tiêu chuẩn kép "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" đã khiến phụ nữ phải gồng mình lên thành siêu nhân. Có điều, ngay cả siêu nhân cũng “chóng mặt” khi đảm đương cùng lúc hai việc này.
- Tình yêu xúc động của cô gái trẻ nguyện cả đời chăm sóc cho bạn trai ngồi xe lăn
- Tận sâu đáy lòng đàn ông luôn chứa đựng những điều thầm kín, dây là 7 điều họ khao khát nhất nhưng ngại nói ra
Áp lực trên vai phụ nữ
Không thể phủ nhận phụ nữ Việt Nam hiện đã có nhiều cơ hội phát triển hơn so với trước đây. Người ta xem đó là thắng lợi của cuộc chiến nữ quyền. Nhưng sẽ chỉ là thắng lợi một nửa nếu người phụ nữ “giỏi việc nước” mà không “đảm việc nhà”.
Chị Nguyễn Thu Hương - Trưởng phòng kinh doanh tại một công ty ở Hà Nội cho hay, công việc của chị khá bận rộn, hàng ngày phải xử lý rất nhiều việc nhưng khi về đến nhà, nữ trưởng phòng ấy lập tức thay đồ và trở thành một bà nội trợ “luôn chân, luôn tay”.
“Mọi người hay đặt tiêu chuẩn cho chị em phụ nữ là phải đảm việc nước, giỏi việc nhà. Nhưng dù tôi có cố gắng như thế nào cũng rất khó để được trọn vẹn. Chưa kể những hôm tăng ca, tôi phải làm đến 7 - 8h tối, khi ấy về chỉ muốn được nghỉ ngơi mà không làm bất cứ việc gì.
Có nhiều người nói tôi ham việc, tham danh vọng mà bỏ bê gia đình, con cái, không biết cách cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp khiến tôi rất áp lực và mệt mỏi”, chị Hương giãi bày.
Vô vàn áp lực đè nặng lên vai chị em (Ảnh minh họa)
Khác với chị Hương, chị Hoàng Hiền (Hà Đông, Hà Nội) quyết định lui về phía sau chăm lo gia đình để chồng tập trung phát triển công việc. Những tưởng hy sinh vì gia đình là thế nhưng chị lại bị nhiều người gièm pha khi cho rằng mình thất nghiệp và ăn bám chồng.
“Nhà tôi có 2 đứa nhỏ và một mẹ già, nếu cả tôi và chồng đều đi làm thì không ai chăm lo cho gia đình nên tôi quyết định ở nhà nội trợ để chồng yên tâm công tác, tập trung phát triển sự nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều người thấy tôi chỉ ở nhà mà không đi làm, họ cho rằng tôi ăn bám chồng, không tự chủ về tài chính và không có tiếng nói trong gia đình”, chị Hiền tâm sự.
Có thể thấy, dù ở cấp độ nào, người phụ nữ vẫn luôn cần phải hoàn thành ở cả hai vai: việc nhà và việc xã hội. Tức họ vẫn phải có công ăn việc làm ổn định, tự chủ về tài chính, đồng thời có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Gần như không có chỗ cho những người phụ nữ chỉ làm được hay chỉ muốn làm một trong hai.
Người phụ nữ phải cân bằng để "giỏi việc nước, đảm việc nhà" (Ảnh minh họa)
Tư lâu, "Giỏi việc nước đảm việc nhà" được cho là một lời khen dành cho phụ nữ nhưng trên thực tế là đang đặt một gánh nặng khủng khiếp lên vai họ. Không chỉ thành đạt, học thức cao, kiếm tiền giỏi, lãnh đạo tốt mà người phụ nữ còn phải chiều chồng khéo, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đảm đang bếp núc.
Với những nữ doanh nhân thành đạt, một câu hỏi thường nhận được là làm sao để cân bằng giữa công việc và gia đình. Nhưng ít người hỏi những câu tương tự với người đàn ông thành đạt.
Bởi người ta mặc định đằng sau người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ hy sinh. Còn với phụ nữ, nếu có sự nghiệp riêng thành đạt thì vẫn luôn được gia đình kỳ vọng sẽ chu tất việc nhà. Nếu không họ chỉ được coi là thành công một nửa.
Lời khen vô tình đã trở thành gánh nặng cho phụ nữ (Ảnh minh họa)
Thế nên, người phụ nữ ngày nay phải nỗ lực gấp đôi để giỏi việc nước, đảm việc nhà, chưa kể rất nhiều áp lực khác như xinh đẹp, hiểu biết… để người chồng được "giàu vì bạn, sang vì vợ". Người phụ nữ trong nhà là siêu đầu bếp nhưng ra đường vẫn phải như nữ hoàng.
"Được khen là rất quan trọng, cảm thấy ấm áp, được mọi người ghi nhận và đánh giá những điểm mạnh của mình nhưng trong mức độ nào đó có thể tạo áp lực cho phụ nữ, tạo ra khuôn mẫu rằng đã là phụ nữ thì phải đảm đang, khéo léo, tháo vát, hy sinh, nhường nhịn.
Mong đợi của xã hội hiện nay với người phụ nữ là phải biết nấu ăn, biết làm nhiều thứ, điều gì cũng phải khéo léo, biết ăn mặc hợp thời trang, biết nói lời hay ý đẹp, trong công việc thì giỏi giang, tháo vát.
Áp lực chồng áp lực khiến người phụ nữ phải cố gắng rất nhiều. Những người không đạt được điều đó thì cảm thấy mình là người thất bại, nó có thể để lại tâm lý tiêu cực", bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nói.
Có thể thấy, những lời khen vô tư nhưng vẫn có thể trở thành sợi dây vô hình trói buộc cho “phái đẹp”. Khen giỏi việc nước đảm việc nhà, người phụ nữ lại có động lực hơn. Thế nhưng, những lời khen "có cánh" ấy sẽ ý nghĩa hơn nếu đi kèm với hành động cử chỉ yêu thương, sự chia sẻ.