Những đứa trẻ được gì sau cuộc chiến của những người yêu thương

Phụ nữ yêu 12/08/2018 05:46

Có quá nhiều những cay cú, so đo suy tính thiệt hơn, quá nhiều ghét bỏ, hận hờn, mặc kệ ... đang diễn ra hậu ly hôn bằng những cuộc tranh chấp cãi vã, thậm chí là kiện tụng ra tòa.

Vì yêu mà đến, sao khi đi không dùng lòng vị tha và tình người để đối đãi với nhau? Sao không nghĩ dẫu thế nào, mãi mãi còn đó hình hài của yêu thương, cho dẫu quá vãng, vẫn ăm ắp hiển hiện bằng những đứa con ta nâng niu háo hức cưng nựng một thời?

Bạn tôi gầy sọp, nói nhiều việc quá không ngủ được. Làm ngày làm đêm, con lớn không chăm sóc cực nữa, nhưng cần nhiều chi phí. Ba mẹ con có gói gém cũng cần tầm 20 triệu giữa đất Sài Gòn này, rồi cũng phải dụm chút ít nữa. Tôi nhìn bạn thương cảm, ngập ngừng hỏi về ba mấy đứa nhỏ, anh ấy vốn kinh tế rất khá kia mà. Bạn cười. Nụ cười nhẹ tênh như chiếc lá đã vàng phải rụng trong một cơn gió lớn. “8 năm trước, hồi mình ly hôn, tòa xử anh ấy cấp dưỡng mỗi tháng 700 ngàn một cháu. Lúc đó Khoai Tây có hai tuổi, Cà Rốt 5 tuổi cậu nhớ không? 700 lúc đó mua được hai hộp sữa bột cho Khoai Tây. Bây giờ 1,4 triệu không đủ tiền ăn sáng cho hai đứa. Anh ấy đang rất giàu. Nhưng có lúc đưa tiền, lúc không...”.

Những đứa trẻ được gì sau cuộc chiến của những người yêu thương - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Tôi không dám hỏi bạn thêm rằng anh ấy có hay thăm con không. Tôi sợ bạn buồn nhưng không thể thôi nghĩ về người cha ấy. Tôi tự hỏi liệu có bao giờ anh nghĩ đến nỗi vất của người đàn bà tay yếu chân mềm, anh đã từng yêu mà san sẻ thật tâm? Tôi tự hỏi nếu dư giả lo cho cuộc sống của người vợ mới và những đứa con mới đủ đầy, liệu có bao giờ anh nghĩ cũng còn những đứa con của anh đang thiếu thốn? Chí ít là thiếu thốn vật chất – cái thứ dễ bù đắp nhất mà anh còn dè sẻn, thì tình yêu của trái tim người cha, anh liệu còn có để mà cho chúng?

“Ôi trời, ổng có đâu mà chu cấp cho con hả chị? Lương bổng công chức mấy đồng con vợ mới nó nắm hết. Mà em cũng không thèm đâu chị! Nói nào ngay, được cái là siêng đến thăm thằng bé. Tuần nào cũng đưa về nội chơi. Thằng con em nó cũng thương em bé của ổng lắm. Em buôn bán hay đi lấy hàng bận bịu, ổng không góp gì nhưng như vậy là mừng rồi!”. Cô em họ tíu tít nói khi đang loay hoay trong chằng chịt nào bóng đèn, dây điện, quạt máy... không kịp thở.

Những đứa trẻ được gì sau cuộc chiến của những người yêu thương - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

Chú tôi khá giả, em nổi tiếng lanh lợi giỏi giang. 16 tuổi nghỉ học, em tiếp quản cửa hàng điện máy lớn nhất chợ huyện quê tôi. Đôi lần ghé thăm, tôi ngồi ngẩn ngơ thán phục khi trong hàng lô hàng lốc những thứ ngổn ngang nhỏ xíu mà khách hỏi là em lấy đúng, lấy nhanh, tính toán xoèn xoẹt đến chóng mặt.

Chắc người ta thích cái mình không có và ngỡ đó là yêu! Em yêu và lấy anh chàng làm việc trong phòng địa chính huyện hiền như đất. Tay chân dài ngoằng, tính đâu sai đó, vài lần chàng ràng phụ vợ chỉ tổ vướng chân vướng tay, nên sau 8 giờ hành chánh là ngồi trước cửa uống trà như một ông lão hưu trí. Cuộc sống vợ chồng không đồng hành san sẻ dần sẽ rời nhau thôi.

Em ly hôn cũng hơn 2 năm, có một con trai 7 tuổi. Nghe em nói mà lòng phân vân quá đỗi. Tôi muốn nói với em, yêu thương con là việc phải làm của hai vợ chồng, dù còn ở với nhau hay không, trách nhiệm với con là buộc phải có. Em có tiền và giỏi giang là điều rất tốt. Thế nhưng, con là con chung, trách nhiệm của một người cha là phải cùng góp tâm sức tiền bạc để chăm lo cho con, nhất là khi chúng còn nhỏ. Chưa kể ai biết rằng công việc buôn bán của em thuận lợi mãi? Khướt từ nghĩa vụ của người cha là tập thói vô trách nhiệm và thiệt thòi cho con mình chứ?

Những đứa trẻ được gì sau cuộc chiến của những người yêu thương - Ảnh 3
Ảnh minh họa: Internet

Lỡ một mai có gì bất trắc, em không lo được cho con đầy đủ, lúc ấy trút nỗi oán hận lên đầu đứa trẻ vô tội rằng: “Một mình mẹ nuôi con, ba mày không làm gì cả!”. Tội cho con trẻ! Bởi lẽ có một điều chúng ta nên hiểu sâu sắc rằng: ba và mẹ luôn có vị trí ngang nhau trong tình yêu thương của những đứa con. Thiếu vắng một trong hai nguồn yêu thương ấy con chúng ta bất hạnh.

Vậy nên, thiết nghĩ cho dù có còn yêu nhau sống chung với nhau, hay không còn yêu nhau và đã ly hôn. Tất cả những người cha người mẹ khi hành xử điều gì hãy tự nhắc nhở: chúng ta có đang đối đãi với nhau bằng cách thức của những người đã từng yêu nhau hay không? Chúng ta có đang thật sự vì con chúng ta – những đứa trẻ hoàn toàn vô tội – mà hành động hay không?

Hãy học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, yêu nhau ta “yêu cả đường đi lối về”. Nhưng khi không còn yêu nhau nữa, thì cũng xin đừng chạy theo cảm xúc tiêu cực mà “ghét cả tông ti họ hàng”. Hãy cúi xuống, xem những đứa trẻ, chúng được gì từ cuộc chiến của những người chúng yêu thương sau khi gia đình tan vỡ?

Vay mượn chồng người

Cái gì của mình thì sẽ của mình, ân tình vay mượn rồi cũng phải trả, mà con tim sẽ rất đau. Quan trọng là mình còn hai con gái, nó sẽ ra sao khi một ngày mẹ của chúng bị đòn ghen?.

TIN MỚI NHẤT