Tại sao trước khi về nhà chồng, mẹ lại cứ dặn con câu này: "Một điều nhịn là chín điều lành"?
Trong hầu hết những cuộc thi hoa hậu "truyền thống", luôn có một câu hỏi mà người ta nghe đến thuộc: "Theo bạn, đâu là đức tính đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam?". Và rồi 100 cô thì cũng phải đến 99 cô trả lời rằng đó là "đức hi sinh".
Khán giả vỗ tay, giám khảo gật gù, cô đạt vương miện. Thế là cái "đức hi sinh" cứ như thế biến thành chiếc gông cùm ngàn cân đặt lên vai những người mẹ, người vợ Việt Nam.
Không ai biết từ bao giờ mà "đức hi sinh" được người ta tôn vinh thành vẻ đẹp quý giá nhất của những người phụ nữ Việt Nam. Từ thơ ca cho đến nhạc họa, họ đẹp một vẻ đẹp hi sinh mà chẳng phụ nữ ở một nơi nào khác ngoài cái mảnh đất cần lao này có được. Hi sinh cho cha mẹ, hi sinh cho chồng con, hi sinh vì điều này, điều kia... Phụ nữ có gì "siêu nhiên" hơn đàn ông mà phải hi sinh nhiều đến vậy?
Chị H. lấy anh T. do sự "môn đăng hộ đối" của hai gia đình. Sau khi bị phá sản, anh chồng sinh ra chán nản nên cờ bạc, rượu chè, gái gú như cơm bữa. Chẳng những thế, anh ta còn về nhà giày vò, đánh đập vợ sau những cơn say. Con còn bé, người ta bảo chị bỏ quách chồng rồi đi bước nữa trước khi "hết thời". Nhưng chị nhất quyết không, chị chọn hi sinh.
Chị hi sinh vì chị chẳng muốn bố mẹ phải chịu điều ra tiếng vào của người đời rằng có đứa con gái bỏ chồng, chị hi sinh vì không thể nhìn thấy con lớn lên mà không có bố. Thế nên, cũng vì cái "đức hi sinh" đẹp đẽ và cao quý kia, người chị chẳng mấy khi lành lặn, đòn roi chẳng mấy khi ngưng rơi xuống cơ thể gầy yếu ấy.
Hay đơn giản hơn rất nhiều, tại sao phụ nữ luôn luôn là người phải hi sinh, phải xách vali theo chồng mỗi khi anh ta muốn học lên cao, muốn chuyển công tác, muốn đi lập nghiệp? Tại sao người ta dạy con gái đến tuổi cập kê rằng: "Học ít thôi, con gái học cao mà làm gì, còn phải lo cho chồng con nữa." Và tại sao trước khi về nhà chồng, mẹ lại dặn con câu này: "Một điều nhịn là chín điều lành"?
Một mái ấm gia đình chỉ có thể được tạo nên bởi sự sẻ chia, góp sức và vun vén của cả vợ và chồng. Thế nên, hà cớ gì người phải hi sinh luôn luôn là phụ nữ? Họ chấp nhận hi sinh âu cũng chỉ là vì họ yêu chồng, thương con, yêu và thương đến cái nỗi quên cả việc yêu lấy chính mình. Nhưng mà nhịn một lần, hai lần, ba lần thì được, chứ nhịn đến một đời, là sự tra tấn tinh thần với người phụ nữ đến thế nào liệu có ai hiểu thấu?
Xin đừng đeo cái gông cùm "hi sinh" lên vai một người phụ nữ, cuộc đời đã đủ vất vả và khó nhọc với họ rồi. Và các chị em, cũng xin mọi người đừng "mua dây buộc mình", hãy sống thật hạnh phúc trước khi hi sinh cho hạnh phúc của người khác.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả