Vợ tiêu một đồng cũng phải ghi lại rõ ràng, còn bạn rủ đi nhậu đốt tiền bằng nửa tháng lương cũng không nề hà gì. Tại sao đàn ông Việt Nam lại đối xử thiên vị với người ngoài như thế.
- Đàn ông không tốt thì đàn bà không tiếc
- Đàn ông phản bội sẽ không ở lại, hoặc ở lại theo cách tổn thương bạn nhất
Không phải toàn bộ đàn ông Việt Nam đều keo kiệt với vợ con. Nhưng có rất nhiều người xét nét từng xu, từng hào với người thân bên cạnh. Có thể phân làm hai loại đàn ông bủn xỉn. Loại một là chi li thuộc về bản tính. Loại hai thì chi li vì cảm thấy không đáng. Dù là thuộc loại nào thì đàn ông tiếc tiền với vợ cũng không xứng mặt đàn ông.
Đầu tiên, hãy bàn đến loại đàn ông thứ nhất. Loại này được xem là keo kiệt từ khi sinh ra. Không chỉ với vợ con mà với bất kì ai anh ta cũng không muốn tiêu tiền. Lại nhớ đến câu chuyện rầm rộ trên mạng xã hội những ngày qua về một cặp đôi tìm hiểu nhau trên chương trình hẹn hò. Chương trình này tạo cơ hội cho hai người xa lạ gặp gỡ và trò chuyện với nhau rồi quyết định có tiến tới hay không. Chuyện cũng chẳng có gì cho đến khi cô gái đề cập đến buổi hẹn đầu tiên. Cô nói: "Em ăn khỏe lắm. Em có thể ăn được hai bát phở. Anh có trả tiền cả hai bát cho em không?". Câu trả lời của chàng trai khiến tất cả bất ngờ: "Em ăn hai bát, anh ăn một bát nên anh chỉ trả tiền 2 bát mà thôi".
Chưa dừng lại ở đó, cậu ta tiếp tục giải thích: "Tại sao anh phải trả cho em? Đáng lẽ anh chỉ phải trả một bát rưỡi, trả hai bát là anh ga lăng lắm rồi... Anh và em vừa quen nhau, đã có gì chưa? Nếu không có tình cảm thì em đi ăn phở với anh làm gì?... Hãy cho anh lý do để ga lăng với em và trả toàn bộ chi phí". Khi được cô gái khuyên: "Nếu anh là đàn ông cao thượng, anh cho đi sẽ được nhận lại" thì anh này tỉnh bơ: "Sao em không cho đi trước đi". Dĩ nhiên, cuối cùng thì hai người cũng không bấm nút chọn hẹn hò với nhau và đường ai nấy đi, chỉ có cộng đồng mạng là bàn luận về câu chuyện này mãi.
Có lẽ mẫu đàn ông keo kiệt thuộc về bản tính như vậy không hiếm ở Việt Nam . Đặc biệt, ở họ luôn có suy nghĩ sợ bị phụ nữ đào mỏ, giăng bẫy nên càng cẩn trọng với các nàng. Kiểu đàn ông này kể cả với những mối quan hệ xung quanh cũng không "thoáng" cho được. Họ sẽ đồng ý chia tiền trong những cuộc vui, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có ý nghĩa mời ai một chén rượu hay bữa ăn. Đơn giản vì họ thấy không cần thiết, đó không phải trách nhiệm của mình và tiền mình chỉ mình được phép tiêu.
Đàn ông keo kiệt như thế có thể che đậy lúc mới quen. Khi đang tán tỉnh nhau thì họ mua cái này cái kia, đưa đi ăn đây đó. Nhưng đến khi có được đối phương rồi thì đừng mơ. Và nếu mà lấy nhau về rồi thì không bao giờ những anh chàng đó đưa tiền cho vợ. Trong tư tưởng của anh ta lúc nào cũng chỉ có tiền, sợ vợ con tiêu hoang, sợ thâm hụt tiền trong két. Loại này thì dù có giàu nứt đố đổ vách cũng không sang lên được. Giàu mấy thì giàu, anh ta vẫn giữ nét hèn hèn trong bản chất.
Lại bàn đến loại thứ hai. Đó là những người thẳng tay gọi món đắt tiền khi đi nhậu với bạn. Trên người anh ta là những món đồ hàng hiệu, thuốc lá xịn, đồng hồ đắt tiền, nước hoa thơm phức. Nhưng nào ai biết, ở nhà anh ta đặt ra mức chi tiêu nhất định cho vợ con. Một tháng anh ta sẽ đưa cho khoản tiền nhất định, thích làm gì thì làm nhưng đừng hòng xin thêm chứ đừng bàn đến việc biếu nhà ngoại, nhà nội.
Thực ra cách cư xử của những người đàn ông này phụ thuộc rất nhiều vào người vợ. Nếu cô ấy biết vun vén, lo toan mọi việc trong nhà đâu ra đấy thì dù có chi li thế nào đàn ông cũng không thể đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành với vợ con. Nhưng nếu người vợ đã làm tròn bổn phận rồi mà chồng vẫn vắt cổ chày ra nước thì chứng tỏ anh ta yêu tiền hơn yêu vợ, xem vợ chỉ là một người giúp việc không hơn không kém.
Đàn ông Việt Nam vốn thường sĩ diện, nhất là với người ngoài. Anh ta ở nhà có thể bủn xỉn từng hào nhưng ra đường phải luôn bóng bẩy, chứng tỏ mình giàu có, tiêu tiền không phải nghĩ. Đó là những người đàn ông nông cạn nhất. Họ có thể nhiều bè nhưng ít bạn, nhiều bạn nhậu nhưng ít bạn đời.
Vì sao đàn ông Việt hào phóng được với người ngoài nhưng đối xử với người thân trong nhà lại chẳng ra gì? Vì họ cảm thấy những mối quan hệ kia mới giúp ích được cho mình, còn vợ con ở nhà đã quá quen thuộc rồi thì cần gì câu nệ. Đôi anh còn khinh thường vợ con, xem họ là kẻ ăn bám nên mình cho thế nào thì ăn tiêu thế ấy, không có quyền đòi hỏi. Suy nghĩ đó xuất phát từ tư tưởng cổ hủ từ bấy lâu rằng đàn ông là người làm chủ gia đình, tiếng nói của họ là mệnh lệnh, không được cãi.
Thế mới nói phụ nữ dù độc thân hay lấy chồng cũng phải tự kiếm ra tiền. Tự chủ kinh tế thì mới tự chủ cuộc đời được. Chẳng may vớ phải ông chồng dở hơi thì vẫn có thể thẳng thừng cắt đứt, sống một mình cho thoải mái. Tiền thì quan trọng thật đấy, nhưng tình nghĩa vợ chồng còn quan trọng hơn. Đàn ông ví dày hay ví mỏng cũng không sao, miễn ra anh ta cam tâm tự nguyện tiêu tiền vì mình.