‘Hai Phượng’: Phim hành động liều cao có phá được lời nguyền phòng vé?

Phim hay mỗi ngày 21/02/2019 12:42

Tác phẩm hành động “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nữ diễn viên Ngô Thanh Vân là một bộ phim action đúng chất, đơn giản nhưng hấp dẫn và hiệu quả.

Kể từ Dòng máu anh hùng (Rebel), cột mốc của thể loại phim hành động Việt Nam - do anh em Charlie Nguyễn thực hiện và ra rạp năm 2007, mới chỉ có thêm 2 tác phẩm action - thriller “made in Vietnam” thực sự được trình chiếu. Đó là Bẫy rồng (Clash) năm 2009 và Hai Phượng (Furie) 2019.

Điều thú vị là cả ba phim này đều có mặt “đả nữ” Ngô Thanh Vân với vai trò là nữ diễn viên chính, thậm chí còn “độc diễn” như trong Hai Phượng.

Dù còn rất hiếm hoi, nhưng cả ba phim hành động của điện ảnh Việt Nam đều ít nhiều giúp phá vỡ được cái khung an toàn của thể loại phim rom-com đang thống lĩnh thị trường phim Việt.

12 năm của hành trình “đả nữ” và cú bứt của đạo diễn kém may mắn

Từ Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng đến Hai Phượng, Ngô Thanh Vân đã có một hành trình dài đúng một một con giáp để chứng minh vị thế số 1 với hình ảnh “đả nữ” trong làng điện ảnh Việt.

Cũng trong 12 năm đó, Ngô Thanh Vân ngày càng lột xác để chứng tỏ khả năng của mình, không chỉ với vai trò diễn viên (trong nước lẫn quốc tế) mà còn là đạo diễn và đặc biệt là nhà sản xuất.

Những bộ phim có bàn tay của Ngô Thanh Vân đều khá thành công về thương mại hoặc nghệ thuật, tạo được sự chú ý như Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn, Song Lang và Hai Phượng đã cho thấy sự quyết liệt phá bỏ cái khung an toàn của phim Việt để chọn một lối đi riêng nhiều thách thức, lắm mạo hiểm.

Tất nhiên, không phải sự quyết liệt nào của Ngô Thanh Vân cũng thành công. Như Tấm Cám bị chê bai còn Song Lang dù nhận được nhiều lời khen ngợi lại thất bại về doanh thu phòng vé. Nhưng nó cho thấy phẩm chất và tầm nhìn của một nhà sản xuất điện ảnh mà điện ảnh Việt đang cần.

‘Hai Phượng’: Phim hành động liều cao có phá được lời nguyền phòng vé? - Ảnh 1

Tròn 12 năm kể từ Dòng máu anh hùng, Ngô Thanh Vân đã có một hành trình dài với dòng phim hành động Việt Nam. 

Trong Hai Phượng, Ngô Thanh Vân hợp tác với Lê Văn Kiệt, một đạo diễn Việt kiều có tài nhưng sự nghiệp lận đận hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp khác như Charlie Nguyễn, Victor Vũ hay Hàm Trần.

Lê Văn Kiệt được đánh giá tốt ngay từ bộ phim đầu tay Dust of Life (Bụi đời) - câu chuyện trưởng thành của một thanh niên gốc Việt nhập cư trên đường phố nước Mỹ vào đầu những năm 90. Tuy nhiên sự nghiệp sau đó của anh không thực sự thuận buồm xuôi gió.

Trong số các phim của Lê Văn Kiệt đã thực hiện tại Việt Nam, chỉ có tác phẩm kinh dị Ngôi nhà trong hẻm (2012) với Ngô Thanh Vân đóng chính là khá thành công về doanh thu.

Các tác phẩm khác như Dịu dàng (một phim độc lập đáng khen ngợi) và Nữ đại gia đều thất bại nặng nề về thương mại. Trong khi đó, Rừng xác sống và Bẫy cấp ba thậm chí cấm chiếu, mất trắng kinh phí và công sức sản xuất.

Tuy nhiên, với Hai Phượng, nhiều khả năng tên tuổi của Lê Văn Kiệt sẽ sớm được nhắc như một đạo diễn tài năng và thậm chí ăn khách của dòng phim hành động.

Hành động đúng chất

Hai Phượng là một phim action/thriller/ adventure (hành động/giật gân/phiêu lưu) đúng chất, có kịch bản đơn giản, đơn tuyến nhưng hiệu quả, nhịp phim nhanh, lôi cuốn, hấp dẫn.

Bộ phim kể về hành trình của Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), một nữ giang hồ đã về vườn và làm nghề đòi nợ thuê ở miền Tây để kiếm tiền nuôi cô con gái nhỏ ăn học. Ngay từ đầu phim, biên kịch và đạo diễn đã xây dựng được một bối cảnh độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Hình ảnh của Hai Phượng mặc áo bà ba tím, đội nón lá, tóc tai bù xù, mặt không trang điểm và thường xuyên… cầm cục gạch để đi đòi nợ cộng với bối cảnh sông nước miền Tây tạo ấn tượng về hình ảnh của một nhân vật phim hành động thuần Việt không trộn lẫn.

Và các cảnh hành động liều cao xuyên suốt trong cả bộ phim như cuộc rượt đuổi nghẹt thở bằng một chiếc xe máy cà tàng theo chiếc xuồng máy bắt cóc đứa con của Hai Phượng, cảnh nhảy xe tải lên Sài Gòn, đối đầu tay đôi với Trực (Phạm Anh Khoa) trong nhà kho, một tay buôn người đã giải nghệ làm nghệ sửa xe và đặc biệt là cảnh cận chiến căng thẳng, tàn bạo giữa Hai Phượng và Thanh Sói trong toa tàu ở phần cuối phim đều chứng tỏ Hai Phượng là một bộ phim hành động “made in Vietnam” không trộn lẫn.

‘Hai Phượng’: Phim hành động liều cao có phá được lời nguyền phòng vé? - Ảnh 2

Hai Phượng thực sự là một phim hành động liều cao. 

Các cảnh giao đấu võ thuật cận chiến trong phim tạo cảm giác chân thực với đủ loại vũ khí như gạch đá, dao, búa, mái chèo, ống bô xe máy, súng trường, xích sắt, côn nhị khúc… Tất cả đều có khả gây sát thương cao.

Cả phim có 7 trận giao đấu lớn cộng với nhiều “scene” hành động nhỏ lẻ xuyên suốt. Hầu hết các cảnh hành động đều tạo được hiệu quả thẩm mỹ nhờ góc máy linh hoạt và phản xạ nhạy bén của diễn viên.

Tất nhiên để có được hiệu quả này, phải kể đến công sức của đạo diễn hành động Yannick Ben và biên đạo võ thuật Kefi Abrikh Samuel cùng nhiều diễn viên đóng thế người nước ngoài.

Như đã nói, nhờ kịch bản của Hai Phượng đơn giản và cốt truyện đơn tuyến nên phim trở thành màn độc diễn của Ngô Thanh Vân từ đầu đến cuối. Phim cũng phá bỏ hoàn toàn chất lãng mạn trong hai tác phẩm hành động trước là Dòng máu anh hùng và Bẫy rồng, để nhân vật Hai Phượng không bị phân tán năng lượng, tập trung tuyệt đối vào hành trình sinh tử của mình.

Về điều này, rõ ràng nhóm biên kịch của Hai Phượng đã có sự học hỏi từ những bộ phim hành động hạng B thành công trong vài năm qua của điện ảnh Hollywood như Taken (Liam Neeson đóng chính), John Wick (Keanu Reeves) và Atomic Blonde (Charlize Theron).

Nói như vậy nhưng không có nghĩa là Hai Phượng không có điểm hạn chế. Kịch bản quá dễ đoán, nhân vật phản diện một chiều và khuôn mẫu, hình ảnh nhân vật công an điều tra phá án vẫn thụ động, cũ kỹ cộng một vài phân đoạn hài thiếu duyên…

Do đó, Hai Phượng khó vượt lên hẳn để trở thành một tác phẩm xuất sắc mà chỉ dừng lại ở một bộ phim tốt. Nếu phần hành động của phim hiệu quả thì chất hình sự qua cuộc điều tra phá án một băng nhóm chuyên bắt cóc trẻ em để buôn bán nội tạng vẫn quá đơn giản, thiếu thuyết phục.

‘Hai Phượng’: Phim hành động liều cao có phá được lời nguyền phòng vé? - Ảnh 3

Nữ võ sư Trần Thanh Hoa gây ấn tượng với vai trùm giang hồ Thanh Sói. 

Sau vai diễn Võ Thanh Thúy trong Dòng máu anh hùng, Hai Phượng là vai diễn tốt nhất của Ngô Thanh Vân trong sự nghiệp điện ảnh của cô tính đến nay. Sự quyết liệt, duy ý chí, lì lợm không bao giờ từ bỏ mục tiêu của Hai Phượng được Ngô Thanh Vân thể hiện với độ chân thực cao, như thể vai diễn này được “đo ni đóng giày” cho cô.

Điều này khác hẳn với những vai diễn mà Ngô Thanh Vân phải gồng lên để diễn như trong các bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể hay Cô Ba Sài Gòn.

Từ đầu đến cuối phim chỉ mặc duy nhất một chiếc áo bà ba tím, quần lụa đen, mái tóc rối tung được kẹp phía sau, dáng ngồi co chân lên ghế hút thuốc, Ngô Thanh Vân hoàn toàn thuyết phục khi vào vai một “đả nữ” hành động thuần Việt. Điều này giúp nhân vật của cô khác xa với những hình mẫu nhân vật phim hành động cùng thể loại khác của thế giới.

Thoại của phim ngắn gọn, trực diện và thoát được vẻ giả tạo thường thấy trong phim Việt. Đáp lại lời của Thanh Sói: “Mày lết được tới đây là giỏi lắm, nhưng mày vào nhầm chỗ rồi”; Hai Phượng trả miếng: “Tao có thể tới nhầm chỗ, nhưng mày đã bắt nhầm con tao rồi” thực sự gây ấn tượng mạnh.

Câu đó phần nào đó gợi nhớ tới câu thoại đanh thép nổi tiếng của nhân vật cựu điệp viên Bryan Mills (Liam Neeson) trong Taken: “Nếu mày thả con gái tao ngay bây giờ, thì mọi chuyện kết thúc ở đây. Còn nếu không, tao sẽ truy lùng mày, tao sẽ tìm ra mày và tao sẽ giết mày”.

Ở tuyến nhân vật phụ, ngoài diễn viên nhí Cát Vy (vai Mai) với lối diễn xuất tự nhiên thì nữ võ sư Trần Thanh Hoa gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả trong vai Thanh Sói, một nữ giang hồ có máu mặt chuyên buôn bán nội tạng trẻ em với thể hình cơ bắp, xăm trổ.

Lối đánh quyết liệt, mạnh mẽ; ra tay tàn độc của Thanh Sói giúp nhân vật này trở thành một đối trọng xứng tầm với Hai Phượng trong phân đoạn cuối. Cảnh cận chiến trong toa tàu đang chạy trở thành một trong vài phân đoạn kích thích “adrenaline” của khán giả.

Hai Phượng cũng kế thừa Dòng máu anh hùng ở một vài điểm mạnh như cách sử dụng thế võ thuần Việt Vovinam với cú nhảy lên dùng chân dồn lực quắp cổ của đối phương hay cảnh hành động kết phim diễn ra trên một đoàn tàu đang chạy.

Có vượt qua được lời nguyền phòng chiếu?

Tthách thức lớn nhất của Hai Phượng là liệu bộ phim hành động thuần chất này có chinh phục được khán giả đại chúng khi chiếu chính thức vào ngày 22/2 tới đây hay không.

Nếu Hai Phượng thành công tại phòng vé, tác phẩm của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nữ diễn viên Ngô Thanh Vân sẽ mở ra một cơ hội mới cho dòng phim hành động tại Việt Nam và phá thế độc tôn của dòng phim rom-com, chick-flick tại các rạp chiếu.

‘Hai Phượng’: Phim hành động liều cao có phá được lời nguyền phòng vé? - Ảnh 4

Tại thị trường phim Việt, các phim tình cảm hài vẫn chiếm ưu thế so với phim hành động như Hai Phượng. 

Ngô Thanh Vân nói rằng Hai Phượng là vai diễn “đả nữ” cuối cùng của cô trên màn ảnh. Nhưng nếu bộ phim này thành công trong nước và quốc tế (được phát hành chính thức tại khu vực Bắc Mỹ vào ngày 1/3 và được Netflix mua bản quyền để trình chiếu), biết đâu sẽ có thêm Hai Phượng 2, Hai Phượng 3 ra mắt?

Các bộ phim như Taken, John Wick hay Atomic Blonde cũng đều xuất phát là những phim lẻ, nhưng sau thành công doanh thu và hiệu ứng khán giả của phần đầu, chúng đã có thêm những tập tiếp theo. Taken có 3 phần, John Wick sắp ra mắt phần 3 và Atomic Blonde cũng sắp làm phần 2.

Không chỉ Hai Phượng, cơ hội để Dòng máu anh hùng 2 - một dự án tâm huyết của anh em nhà Charlie Nguyễn - cũng hoàn toàn có thể được thực hiện sau hơn 12 năm gián đoạn.

Ngô Thanh Vân: “Chỉ nhận vai hành động nếu cát-xê 1 triệu đô”

Ngô Thanh Vân hài hước chia sẻ sau vai diễn đã nữ cuối cùng của mình trong sự nghiệp: “Giờ mà có ai mời đóng phim hành động thì cát-xê 1 triệu đô tôi mới nhận lời vì cực quá”.

TIN MỚI NHẤT