Từ vụ cả gia đình leo ban công thoát nạn cháy nhà ở Hà Nội: Hãy bỏ "chuồng cọp" và dạy con biết xử lý thế nào khi có hỏa hoạn

Nuôi dạy con 18/05/2023 07:22

Trong thời gian gần đây, tại Hà Nội và Hải Phòng liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy làm 7 người tử vong. Trước thực trạng này, Bộ Công an đã đưa ra một số biện pháp phòng cháy chữa cháy, cũng như khuyến cáo đối với người dân.

Thoát nạn nhờ có ban công thoáng

Mới sáng nay (17/5) một vụ cháy lớn vừa xảy ra tại căn nhà 4 tầng ở phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Vụ việc xảy ra vào thời điểm sáng sớm, lúc này trong nhà có 2 vợ chồng, 2 bé trai và một cụ già. Đến 5h30 sáng cùng ngày, vụ hỏa hoạn được khống chế, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Tuy nhiên rất may mắn, các thành viên trong gia đình đã kịp thoát thân thông qua lối ban công. 

Từ vụ cả gia đình leo ban công thoát nạn cháy nhà ở Hà Nội: Hãy bỏ 'chuồng cọp' và dạy con biết xử lý thế nào khi có hỏa hoạn - Ảnh 1

Người lớn và trẻ em thoát nạn qua ban công trong vụ cháy xảy ra sáng 17/5 tại nhà dân số 44 ngõ 125 Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội).

Chứng kiến vụ việc, nhiều người cho rằng may mắn khi căn nhà có ban công thoáng. Nếu thay vào đó là "chuồng cọp" như thường thấy, mọi chuyện có thể đã diễn biến theo chiều hướng rất khác. Không đâu xa, xin nhắc lại vụ cháy kinh hoàng xảy ra các đây ít hôm ở Hà Đông. "Chuồng cọp" - một kết cấu bao gồm nhiều thanh sắt được hàn cố định, vốn được các gia đình sử dụng để chống trộm. Nhưng, một khi hỏa hoạn xảy ra, chính nó lại tạo ra một trong những nguy cơ đáng sợ nhất khi ngăn người bên trong thoát ra ngăn cả lực lượng cứu hộ tiếp cận.

"Chuồng cọp": Nguy cơ đáng sợ khi xảy ra cháy

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cho biết, trên thực tế, nhiều gia đình đã hàn kín không gian thoáng của ngôi nhà hoặc gia cố thêm các “chuồng cọp” với mục đích chống trộm hoặc tăng diện tích nhà.

“Chủ nhà trang bị chuồng cọp để bảo vệ nhưng việc làm này gây mất an toàn trong phòng cháy, chữa cháy. Bởi, vật liệu các gia đình sử dụng để gia cố thường bằng sắt thép, bê tông kiên cố, gây cản trở cho công an tiếp cận hiện trường khi hỏa hoạn xảy ra để dập lửa và giải cứu nạn nhân”, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội cho biết.

Từ vụ cả gia đình leo ban công thoát nạn cháy nhà ở Hà Nội: Hãy bỏ 'chuồng cọp' và dạy con biết xử lý thế nào khi có hỏa hoạn - Ảnh 2

Khi xảy ra cháy, chuồng cọp gây khó khăn cho cứu hỏa

Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, những nhà dạng ống gần như chỉ có lối thoát hiểm duy nhất là cầu thang. Khi có cháy, lối này đã bị khói, lửa chặn nên phương thức tối ưu nhất của lực lượng phòng cháy, chữa cháy là phải cắt dỡ những lồng sắt để mở đường cứu nạn.

“Vì thời gian cắt các lồng sắt khá lâu dẫn tới không kịp cứu người. Lồng sắt nào càng được gia công kiên cố thì nguy cơ thiệt hại về người và tài sản càng lớn”, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đánh giá.

Dạy trẻ biết phải làm gì khi có cháy

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, khuyến cáo, mỗi gia đình cần phải có phương án thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn nếu có trẻ nhỏ trong nhà. Bởi trẻ em có thể trở nên rất hoảng loạn, cần được hướng dẫn rõ ràng và giúp ra khỏi nhà.

Từ vụ cả gia đình leo ban công thoát nạn cháy nhà ở Hà Nội: Hãy bỏ 'chuồng cọp' và dạy con biết xử lý thế nào khi có hỏa hoạn - Ảnh 3

Hãy dạy cho trẻ kỹ năng về phòng chống cháy nổ

“Trẻ em có thể không biết cách thoát nạn hoặc phải làm gì trừ khi có người lớn chỉ cho các em” - Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết.

Mỗi gia đình phải có phương án cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không thể tự ra ngoài. Trong đó, hãy nói về những người có thể sẽ giúp các em ra ngoài an toàn.

Hãy dạy trẻ nên biết phải làm gì khi nghe thấy chuông báo động khi không có người lớn xung quanh. Giúp các em tập đi đến điểm an toàn bên ngoài của ngôi nhà.

Dạy trẻ không bao giờ được quay lại bên trong một ngôi nhà đang cháy một khi chúng đã thoát nạn được ra ngoài. Dạy các em đi thấp và bò trên mặt đất, nơi không khí ít bị sự ảnh hưởng của khói hơn.

Chỉ cho trẻ cách dùng mu bàn tay để kiểm tra độ nóng của cửa trước khi mở và sử dụng một lối thoát nạn khác nếu cửa bị nóng.

Nếu trẻ nhỏ cần sử dụng thang thoát hiểm, hãy chỉ nơi để và hướng dẫn thực hành cách sử dụng (lưu ý luôn luôn phải có sự hướng dẫn của người lớn).

Từ vụ cả gia đình leo ban công thoát nạn cháy nhà ở Hà Nội: Hãy bỏ 'chuồng cọp' và dạy con biết xử lý thế nào khi có hỏa hoạn - Ảnh 4

Bộ Công an khuyến cáo người dân không nên trang bị "chuồng cọp", trường hợp cần thiết nên bố trí ô cửa để thoát hiểm

15 khuyến cáo của Bộ Công an

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở, phòng ở, chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp sau đây:

1. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nơi đun nấu. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ dự trữ số lượng ít nhất và để ở khu vực riêng biệt tránh nhầm lẫn và đổ vỡ.

2. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu… phải kín. Không nên để ô tô trong nhà ở phòng ngừa xe tự cháy hoặc khí khói độc khi nổ máy.

3. Hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

4. Phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn, không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon. Không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các tường, sàn, trần, vách là các vật liệu dễ cháy.

5. Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

6. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt đèn, nến, thắp hương khi có người lớn ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

7. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas. Nếu đun nấu bằng bếp dầu phải đủ bấc và thưỡng xuyên được lau chùi sạch sẽ. Trước khi rót thêm dầu vào bếp phải tắt lửa, tuyệt đối không dùng xăng hoặc xăng pha dầu, nhớt để đun bếp dầu. Khi đun phải có người trông coi.

8. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

9. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, khóa, chìa để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.

10. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy, dễ lấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn đảm bảo chống trộm.

11. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

12. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn. Không bố trí đồ vật cản trở đường lối, cửa thoát nạn.

13. Mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra để thoát nạn an toàn khi cháy. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

14. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho cảnh sát PCCC 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

15. Trao đổi trong gia đình để mọi người đều biết các biện pháp PCCC nêu trên.

Có nên “ép” con học thứ không thích?

Bên cạnh việc tôn trọng và khích lệ suy nghĩ, sở thích của con trẻ thì phụ huynh cũng nên định hướng, động viên để con nổ lực trở thành phiên bản giỏi nhất ở lĩnh vực đó.

TIN MỚI NHẤT