Trở thành tài xế công nghệ từ nhiều cơ duyên khác nhau, có người vì mưu sinh, cũng có người vì trải nghiệm, song tất cả bác tài đều có chung “một điểm đến” - đó là thay đổi để cuộc sống ý nghĩa hơn.
- Trăn trở vì quê nhà chỉ còn lại người già, chàng phóng viên quyết định bỏ việc, về quê gắn bó với căn bếp bên sườn đồi
- Vì sao giới trẻ muốn rời khỏi thành phố nhưng về quê cũng đối mặt không ít áp lực?
"Vì tương lai cháu nội, cực cỡ nào tôi cũng chịu được"
Sau một đêm dài ngược xuôi đưa đón khách, chú Phan Minh Hoàng – bác tài công nghệ vội vàng trở về lúc 6 giờ sáng để đưa cháu nội đi học và chăm sóc người vợ đang ốm đau. Hình ảnh người đàn ông ngoài 60 tất bật ấy đã không còn xa lạ với những người sống tại một con hẻm trên đường Võ Duy Ninh (Bình Thạnh, TP.HCM).
Cách đây 8 năm, con dâu chú Hoàng không may qua đời vì bệnh tim, con trai chú cũng bỏ đi biệt tích từ đó, để lại cháu nội chỉ mới 14 tháng tuổi. Hai vợ chồng chú bươn chải khắp nơi để nuôi cháu. Không lâu sau, vợ chú mắc bệnh tiểu đường và loãng xương, một mình chú Hoàng gồng gánh cả gia đình bằng nghề chạy xe ôm.
Thu nhập bấp bênh lại thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đến tháng 7/2022, chú Hoàng quyết định "bén duyên" với Grab. "Thu nhập của tôi ổn định hơn kể từ ngày chuyển sang chạy Grab. Đặc biệt, tôi có thể chủ động thời gian nên ban ngày tôi mới có thể chăm vợ, đưa đón cháu đi học, ban đêm bật app chạy kiếm tiền. Vì mưu sinh, vì tương lai của cháu nội, cực cỡ nào tôi cũng chịu được", chú Hoàng chia sẻ.
Sâu trong ánh mắt đượm buồn sau nhiều biến cố, người ta vẫn bắt gặp những tia hy vọng khi người đàn ông ấy nhắc về cháu nội của mình: "Con bé 9 tuổi rồi, học giỏi lắm. Năm nào bé cũng cầm giấy khen xuất sắc về, vợ tôi tự hào khoe hết người này đến người kia. Mà hình như nó sợ mình buồn nên cũng không bao giờ hỏi cha, hỏi mẹ đâu, chỉ nói muốn sống với ông bà nội suốt đời".
Nhắc đến đây, chú Hoàng khẽ thở dài: "Cháu hiểu chuyện như vậy nghĩ gần thì vui, nhưng nghĩ xa thì thấy đau lòng. Tuổi này là tuổi vô tư vô lo chứ đâu phải tuổi để hiểu những chuyện như thế. Tôi với vợ cũng đã có tuổi, sức khỏe lại yếu, không lo được cho cháu đầy đủ, sợ nó thiệt thòi nên chỉ biết cố gắng, lo được đến đâu hay đến đấy".
Nói về mong ước của mình, chú Hoàng cho biết: "Tôi mong mình có sức khỏe để tiếp tục chạy Grab, có thu nhập trang trải cho gia đình. Đời tôi giờ đã quá nửa rồi nên cũng chẳng cần gì, chỉ ước nuôi được cháu nội ăn học nên người là đã mãn nguyện lắm rồi".
Chạy Grab để thư giãn đầu óc và biết quý trọng đồng tiền
Khác với chú Phan Minh Hoàng, anh Trần Trung Thành (sinh năm 1978, TP.HCM) đến với Grab hoàn toàn là vì đam mê trải nghiệm lẫn chiêm nghiệm cuộc sống. Từng có thời gian du học và làm việc tại Úc trong ngành Hospitality (Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn), nhưng vì một số lý do riêng nên anh đã quyết định về Việt Nam vào năm 2010.
"Nhiều người phản đối quyết định của mình lắm chứ, đặc biệt là gia đình. Ba mẹ, anh chị đều định cư ở Úc hết nên họ sợ mình về Việt Nam sẽ buồn, lỡ gặp khó khăn cũng không ai hỗ trợ. Tuy nhiên đến giờ phút này mình vẫn chưa bao giờ hối hận", anh Thành chia sẻ.
Sau khi về nước, anh Thành vẫn tiếp tục làm việc từ xa cho một số dự án tại Úc, đồng thời kinh doanh, cho thuê nhà ở tại Việt Nam. Đến tháng 12/2021, khoác lên mình chiếc áo xanh, anh Thành "nên duyên" với Grab với vô vàn những lý do mà theo anh là "rất lạ đời".
"Mình vẫn duy trì công việc chính trong mảng du lịch và cho thuê nhà ở. Thời gian rảnh mỗi ngày, thay vì chơi bời, mình dành ra 2 đến 3 tiếng chạy Grab để đi đó đi đây thư giãn đầu óc, lại được vận động chân tay. Nhiều khi có những thứ ngồi hoài trước máy tính không nghĩ ra, vậy mà trên đường đưa đón khách, khi mà tâm trí được thả lỏng lại tự nhiên tìm được giải pháp", anh Thành hồ hởi.
Không chỉ dừng lại ở đó, anh Thành cho biết chạy Grab khiến anh thêm quý trọng những gì mình đang có: "Những hôm chạy xe ngoài nắng ngoài mưa mới biết quý cái đồng tiền mình làm ra, ăn đĩa cơm 30 nghìn cũng thấy nó ngon, nó đáng giá hơn bao giờ hết. Bình thường đi chơi, đi ăn một bữa tới mấy trăm nghìn, thấy đồng tiền sao mà nó dễ dàng quá mình lại không biết trân trọng".
Suốt hơn 1 năm gắn bó với nghề, không ít lần anh Thành gặp bạn bè, đồng nghiệp trên chính những chuyến xe do anh cầm lái. Có người tỏ ra khó hiểu, nhưng cũng có người bày tỏ sự ngưỡng mộ khi anh vẫn chọn lao động theo nhiều cách thay vì hưởng thụ.
Đặc biệt, anh Thành thích nhất khi gặp những khách hàng còn là sinh viên. "Nhiều bạn nói rằng họ học không tốt tiếng Anh, thấy vậy mình chia sẻ các phương pháp học của mình kèm theo những nguồn tài liệu bổ ích. Các bạn bất ngờ, hào hứng lắm, còn mình thì thấy hạnh phúc vì có thể giúp được mọi người", anh Thành bộc bạch.
Quyết định gắn bó với Grab vì nhiều lý do khác nhau, có người vì mưu sinh như chú Phan Minh Hoàng, cũng có người vì trải nghiệm như anh Trần Trung Thành, song hai bác tài đều hài lòng với những thay đổi tích cực mà ứng dụng này mang lại. Dù hoàn cảnh có thế nào, họ vẫn luôn tâm huyết với công việc hiện tại và không ngừng vun đắp những giá trị sống tốt đẹp.