'Tất tần tật' những điều cần biết về Lễ cúng ông Công, ông Táo cho một năm mới may mắn, gặp dữ hóa lành

Nhà đẹp 14/01/2023 05:00

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm theo phong tục của người Việt là ngày cúng ông Công, công Táo hay còn gọi là Tết Táo quân. Tục lệ này bày tỏ sự tri ân đối với các vị thần đã quanh năm lo toan cai quản duy trì nếp sinh hoạt gia đình, đồng thời nhắc nhở mỗi người có trách nhiệm hơn trong việc quan tâm, thu vén gia đình.

Sự tích ông Công ông Táo

Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng được Việt hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Có nhiều truyền thuyết được dân gian truyền lại về sự tích Táo quân. Trong đó phổ biến nhất là “Sự tích vua Bếp” được lưu truyền rộng rãi, tuy nhiên câu chuyện này cũng có khá nhiều dị bản. Một trong những tích của người Việt kể rằng, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Trọng Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Thị Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Về phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ vợ quay quắt, Trọng Cao lên đường tìm kiếm.

'Tất tần tật' những điều cần biết về Lễ cúng ông Công, ông Táo cho một năm mới may mắn, gặp dữ hóa lành - Ảnh 1
Hình tượng ông Táo dựa trên sự tích 3 ông 1 bà - Ảnh: Internet

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Trọng Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Trọng Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Thị Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Thị Nhi sớm nhận ra người hành khất đúng là người chồng cũ. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Trọng Cao. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Thị Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Trọng Cao dưới đống rơm sau vườn.

Chẳng may, Phạm Lang về nhà lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Thị Nhi lao mình vào cứu Trọng Cao ra. Thấy Thị Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Ngọc Hoàng thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo Quân và giao cho người chồng mới là Thổ Công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Ý nghĩa phong tục cúng ông Công ông Táo

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện - Ác của con người.

Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Do đó, trong quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị Thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Tất nhiên, phước đức này đến từ việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà.

Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người ta lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời.

'Tất tần tật' những điều cần biết về Lễ cúng ông Công, ông Táo cho một năm mới may mắn, gặp dữ hóa lành - Ảnh 2
Lễ cúng Táo Quân có thể diễn ra từ trưa ngày 22 tháng Chạp - Ảnh: Internet

Những thứ cần chuẩn bị cho lễ cúng ông Công ông Táo

Mâm cúng ông Công ông Táo thường rất đủ đầy; có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng cỗ xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... và không thể thiếu một bộ mã ông Công và ba bộ mã ông Táo. Bộ mã này tùy từng năm theo ngũ hành mà khác nhau; có năm áo - mũ - hia dùng màu vàng, có năm lại màu xanh... Những đồ "vàng mã" này sẽ được đốt đi sau lễ cúng.

Ngoài ra, ở miền Bắc các gia đình cũng mua thêm 3 con cá chép (hoặc cá vàng) thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Sau khi làm lễ thì đem ra sông thả, chúng được coi như là phương tiện đưa các Ông lên trời. Ngoài ra hình tượng cá chép cũng truyền tải khát vọng "cá chép hóa rồng" ngụ ý thăng hoa, tinh thần bền lòng chinh phục tri thức và sự thành công.

Ở miền Trung thì thường cúng một con ngựa giấy đầy đủ yên cương; riêng miền Nam chỉ cúng áo, mũ giấy là đủ.

'Tất tần tật' những điều cần biết về Lễ cúng ông Công, ông Táo cho một năm mới may mắn, gặp dữ hóa lành - Ảnh 3
Mâm cúng ông Công ông Táo thường rất đủ đầy; có hương, hoa, oản, quả, cau, trầu; cùng cỗ xôi, gà, giò, nem, canh măng miến... - Ảnh: Internet

Cúng tiễn Táo Quân vào giờ nào?

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, như vậy có thể làm từ trưa ngày 22 tháng Chạp cho tới trưa hôm sau. Bởi theo dân gian thì sau 12 giờ trưa ông Táo đã lên chầu trời sẽ không nhận được đồ cúng nữa. 

Khi khấn người ta thường không cầu xin phú quý hay no đủ mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt cho gia đình, tránh các điều không hay.

Tết ông Công ông Táo xưa và nay

Tết Táo quân từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay những phong tục trong ngày này cũng ít nhiều có sự thay đổi tùy thuộc vào đời sống, nhu cầu của người dân.

Tục cúng cá chép

Mua cá chép giấy thay vì mua cá sống. Trước kia, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo, người Việt lại làm lễ cúng cá chép sống, thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem thả ở sông, ao, hồ, nghĩa là “phóng sinh” để đưa ông Táo về trời. Ngày nay, tục phóng sinh cá chép vẫn còn một số gia đình ưa chuộng.

Tuy nhiên thời gian gần đây, để giản tiện hơn, một số gia đình mua cá giấy thay cho cá sống. Sau khi cúng xong sẽ đem đốt cùng các đồ cúng khác. Việc làm này vừa giản tiện, đỡ tốn thời gian, đồng thời cũng tiết kiện chi phí cho gia chủ. Hơn nữa, đốt cá chép giấy, ông Công ông Táo vẫn có thể sử dụng để lên chầu trời thay vì phóng sinh cá sống.

Nếu như trước kia, người dân có thể thả cá chép ở sông, hồ, ao ở gần nhà thì ngày nay, họ phải đi rất xa mới dám thả cá xuống. Bởi những năm gần đây, một số người vì lợi ích kinh tế mà đã làm nghề vớt cá ở những nơi người dân hay thả để về bán tiếp, hoặc sử dụng với mục đích của mình. Vì thế dẫn đến tình trạng cá chầu trời vừa được thả đã bị vớt, bị giết… mất đi ý nghĩa nhân văn của phong tục thả cá chép.

Vì thế, thay vì thả cá ra sông hay hồ ở gần nhà thì họ lại phải đi rất xa để thả với mong muốn cá chép sẽ đến được chỗ ông Táo để chở ông về chầu trời.

'Tất tần tật' những điều cần biết về Lễ cúng ông Công, ông Táo cho một năm mới may mắn, gặp dữ hóa lành - Ảnh 4
Cá chép, cá vàng được thả sau khi làm lễ cúng - Ảnh: Internet

Mâm cỗ cúng đa dạng hơn

Theo phong tục trước kia, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường phải có đủ: 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc; 1 bát canh mọc; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống); 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 3 chén rượu; 1 quả bưởi; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa đào nhỏ; 1 lọ hoa cúc; 1 tập giấy tiền, vàng mã.

Dần dần, trải qua các thời kỳ phát triển, các món cúng ông Táo có nhiều thay đổi. Bên cạnh một số món ăn chính là xôi, thịt lợn, xào thập cẩm…, mâm cúng sẽ giản tiện một số món như gạo, muối, chè kho, bưởi, trà sen… Thay vào đó, sẽ bổ sung thêm những món ăn khác phù hợp hơn với thói quen và điều kiện của các gia đình.

Thậm chí, các gia đình còn thay thịt vai luộc bằng một con gà luộc ngậm hoa hồng hoặc chủ động thay đổi các món canh như canh măng, canh mọc, canh bóng…gà luộc ngậm hoa hồng hay ớt đỏ tỉa hoa và chuẩn bị những món hơi khác nhưng cũng vẫn giữ được tính truyền thống và bản sắc như: bánh chưng gấc, xôi vò, xôi chè, thịt đông, nem rán, cá kho riềng, trám hoặc thịt kho tàu, giò xào, giò nạc, món xào, canh măng, hành muối,...

'Tất tần tật' những điều cần biết về Lễ cúng ông Công, ông Táo cho một năm mới may mắn, gặp dữ hóa lành - Ảnh 5
Mâm cúng ông Công ông Táo - Ảnh: Internet

Lễ vật cúng Táo quân “hiện đại” hơn

Ngày xưa, đồ vàng mã cúng Táo quân thường bao gồm có ba bộ mã, hai bộ đàn ông tượng trưng cho hai Táo ông và một bộ đàn bà tượng trưng cho Táo bà. Mỗi bộ sẽ bao gồm mũ áo, hia hài Táo Quân.

Tuy nhiên, khi đời sống con người thay đổi và ngày càng hiện đại hơn. Người ta quan niệm, thời nay khi cuộc sống ngày càng phát triển, ông Công ông Táo cũng vì thế mà sử dụng được những thứ mà người trần vẫn sử dụng để tiện hơn cho việc lên chầu trời và đi lại.

Vì thế, một số gia đình “phú quý sinh lễ nghĩa”, còn chuẩn bị cả những vật dụng bằng vàng mã khác cho ông Công ông Táo như điện thoại, thuốc lá, rượu ngoại, thậm chí còn tậu nhà lầu, xe hơi, máy bay với đủ loại vòng vàng để “cậy nhờ” Táo làm đẹp bản báo cáo dâng lên Ngọc Hoàng, qua đó có thể nhận được nhiều tài lộc.

'Tất tần tật' những điều cần biết về Lễ cúng ông Công, ông Táo cho một năm mới may mắn, gặp dữ hóa lành - Ảnh 6
Các lễ vật cúng ngày 23 tháng Chạp được bày bán - Ảnh: Internet

Cúng ông Công ông Táo năm 2023 vào ngày nào, giờ nào đẹp?

Cúng ông Công ông Táo là phong tục truyền thống của người Việt, nhằm ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ cúng quan trọng dịp trước Tết Nguyên Đán.

TIN MỚI NHẤT