Thị trường Condotel Khánh Hòa lao dốc, nửa năm không có dự án mới

Nhà đất 17/09/2019 06:00

Thị trường condotel ở Khánh Hòa hiện nay đang lâm vào "cơn bĩ cực" sau thời gian dài “bùng nổ”, theo báo cáo của Savills, chỉ gần 200 căn hộ condotel tại Khánh Hoà được giao dịch trong nửa đầu năm nay, giảm mạnh so với con số 850 giao dịch của cùng kì năm ngoái và không có thêm dự án mới nào chào bán.

Báo cáo mới nhất của Savills cho biết, đến tháng 6/2019 tại Khánh Hòa có nguồn cung căn hộ nghỉ dưỡng (Condotel) lớn nhất cả nước với hơn 13.000 căn đã được chào báo trên thị trường, gấp đôi so với Đà Nẵng – vốn là thị trường tiên phong của loại hình bất động sản này.

Tuy nhiên trong một năm qua, thị trường căn hộ nghỉ dưỡng khá trầm lắng, không có dự án mới, trong khi đó nhiều dự án cũ bị chậm tiến độ mở bán. Rất nhiều dự án bị rút ra khỏi thị trường hoặc kéo dài thời gian thực hiện do vướng mắc pháp lý.

Thị trường Condotel Khánh Hòa lao dốc, nửa năm không có dự án mới - Ảnh 1

Thị trường Condotel tại Khánh Hòa đang lao dốc khi chỉ gần 200 căn hộ condotel được giao dịch trong nửa đầu năm na và không có thêm dự án mới nào chào bán. Trong khi 35 dự án đang được Thanh tra Chính phủ thanh tra, phần nhiều là các dự án Condotel trong đó có việc tỉnh Khánh Hòa thời gian qua bị tuýt còi khi tự sáng tác đất ở không hình thành đơn vị ở trái với Luật đất đai.

"Nguyên nhân là do khung pháp lý dành cho các dự án căn hộ nghỉ dưỡng vẫn đang được Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản (thuộc Bộ Xây dựng) nghiên cứu và soạn thảo. Điều này khiến cho nhiều dự án tương lai khó khăn trong việc xúc tiến giấy phép đầu tư. Ngoài ra, tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay, công tác đấu thầu dự án và thanh tra xây dựng đang được siết chặt nhằm kiểm soát tình trạng xây dựng không đúng pháp luật và quy hoạch. Do đó, trong 6 tháng đầu năm nay, không có dự án Condotel mới nào được mở bán trên thị trường và chỉ có giai đoạn tiếp theo của một dự án hiện hữu với hơn 140 căn được bán ra”, bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills thông tin.

Cũng theo bà Trang, nguồn cung hạn chế trong khi tâm lý người mua ngày càng cẩn trọng dẫn tới lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2019 suy yếu, đạt chưa đến 200 căn được bán ra, giảm mạnh so với con số 850 giao dịch của cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói, thị trường Condotel ở Khánh Hòa hiện nay đã lâm vào "cơn bĩ cực" sau thời gian dài “bùng nổ”.

Tuy nhiên, vị đại diện của Savills cho rằng, việc thị trường căn hộ nghỉ dưỡng Khánh Hòa trầm lắng không hẳn là bước lùi mà thậm chí còn được xem là bước tiến về tính minh bạch và chất lượng sản phẩm.

"Sau một thời kì phát triển quá nóng, rõ ràng căn hộ nghỉ dưỡng đã bộc lộ một số thiếu sót trong quản lý và pháp lý. Đối với chủ đầu tư, đây là khoảng dừng để nhìn lại và đánh giá từ đó hoàn thiện sản phẩm. Trong khi đó, người mua cần lưu ý kiểm tra thông tin pháp lý dự án, uy tín chủ đầu tư, nhà điều hành cũng như phương thức thực hiện cam kết cho thuê để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào loại hình bất động sản này", vị này khuyến cáo.

Thị trường Condotel Khánh Hòa lao dốc, nửa năm không có dự án mới - Ảnh 2

Theo Savills, nguyên nhân khiến thị trường Condotel Khánh Hòa trầm lắng do vướng mắc pháp lý.

Trước đó, theo báo cáo thị trường giao dịch Bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm 2019 do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã công bố, nguồn cung mới sản phẩm Condotel trong 6 tháng đầu năm tương đối thấp, sản phẩm chào bán chủ yếu từ các dự án năm 2018 được tiếp tục chào bán. Tính hấp thụ chỉ đạt 25.02%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chậm triển khai các thủ tục dự án, hiện chưa có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển dòng sản phẩm này. Bên cạnh đó, bài toán quản lý, vận hành, khai thác kinh doanh Condotel cùng việc siết chặt các nguồn vốn vào bất động sản đang là các yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.

Xâu xé đất đai tại Khánh Hòa: “Đất vàng” giá bèo

Tại kỳ họp thứ 38, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế… gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách Nhà nước.

TIN MỚI NHẤT