Cơn sốt đất khu Đông Sài Gòn đã đi qua, những người trong cuộc kể về cuộc “mưu sinh” đầy “máu lửa” mà ít ai có được. Một tháng bán đất có thể mang về nửa tỷ đồng, sắm xe hơi, mua nhà đất, kinh doanh riêng… là chuyện thường của nhiều môi giới.
- Cát Tường Group “bật đèn xanh” cho Uniland huy động vốn trái phép tại dự án Cát Tường Phú Hưng?
- TP.HCM tạm dừng chuyển mục đích 7 khu đất đắc địa
Kiếm bạc tỷ nhờ sốt đất
Đất nền khu Đông, đặc biệt khu vực Q.9 được xem là "miền đất hứa" của rất nhiều môi giới bất động sản (BĐS) thời gian qua. Thời điểm cuối năm 2015 đến đầu năm 2018, thị trường nơi đây chứng kiến ít nhất 3 cơn "sốt" đất, nhiều môi giới "nhảy" vào cuộc rồi rút ra khi thị trường hạ nhiệt.
Không ít người từ một sinh viên mới ra trường đã mua được xe hơi, nhà đất, thậm chí mở công ty riêng để kinh doanh. Những câu chuyện được kể ra từ môi giới đã phất lên nhờ nghề "cò" BĐS trong cơn sốt đất bắt đầu như thế.
Anh Vũ Viết H., (ngụ Q.9) hiện vừa kinh doanh riêng, vừa làm môi giới tự do tại khu Đông Tp.HCM chia sẻ: Đỉnh điểm cơn sốt đất nền giai đoạn cuối năm 2016 tại Q.9, Q.2 đã giúp anh kiếm tiền "không hề khó". Một ngày bình quân chốt 1-2 nền, tùy vào nền sơ cấp hay thứ cấp mà số tiền hoa hồng khác nhau, từ 8-20 triệu đồng/nền.
Một tháng thu nhập trung bình của anh từ 500-600 triệu đồng, sau hơn 5 tháng "hành nghề" trong cơn sốt đất, anh có trong tay 3-4 tỉ đồng. Từ số tiền kiếm được, môi giới này sắm xe hơi, mua đất xây nhà và bắt đầu lập công ty riêng về mảng nội thất.
"Thời điểm đó, cảm giác rất khó diễn tả. Tiền vào như nước đúng như cách người ta hay nói. Thậm chí, không có thời gian đi chơi với người yêu, chỉ lo tiếp nhà đầu tư cả ngày lẫn tối, cho nên sau này bị người yêu bỏ luôn", anh H. cười cho hay.
Theo lời kể của anh H., giai đoạn đỉnh điểm cơn sốt kéo dài từ đầu năm 2016 đến giữa năm 2017 tại khu Đông, rất nhiều môi giới "đổi đời". Có những môi giới hàng tháng kiếm được cả tỉ đồng và rút hẳn khỏi thị trường sau khi hạ nhiệt.
Ở giai đoạn đó, theo anh H. nhà đầu tư liên tục mua đi bán lại, có những giao dịch môi giới ăn hoa hồng nhiều lần ở 1 nền đất. Vừa lấy tiền hoa hồng từ công ty, vừa lấy tiền chênh từ người mua và thêm phần "bo" từ nhà đầu tư bán ra. Có những nền đất đi công chứng trong ngày và môi giới được cầm tiền ngay. "Tiền cứ vào, NĐT sang tay liên tục khiến nhiều người chưa bao giờ làm môi giới nhà đất cũng nhảy vào thị trường và kiếm tiền không hề khó", anh H. chia sẻ.
Liên tục lập công ty môi giới
Theo anh H., giai đoạn đất sốt, nhiều môi giới tham gia thị trường vài tháng vì có nhiều tiền và thấy thị trường quá tốt nên thi nhau lập công ty môi giới BĐS.
Ở giai đoạn 2016-2017 hàng loạt công ty môi giới BĐS mọc lên với các ông chủ tuổi đời còn rất trẻ. Có những công ty thành lập xong, "hùa" anh em nhà vào bán đất nền. Các ông chủ trẻ này hàng tháng thu về chục tỉ đồng là chuyện thường.
Sau cơn sốt, các công ty môi giới cũng lần lượt xóa tên và trở lại khi thị trường "tái sốt". Hiện tại, khi thị trường đã hạ nhiệt rõ nét đa số các ông chủ trẻ hoạt động ở lĩnh vực khác hoặc mở công ty ở lĩnh vực khác để kinh doanh.
Theo anh H., hiện bản thân anh cũng tham gia vào lĩnh vực truyền thống của gia đình là nghề nội thất, rồi kiêm môi giới tự do khi có khách. Khi thị trường sốt như thời điểm trước anh sẽ lại tiếp tục nhảy vào nghề môi giới.
"So với các ngành nghề khác, môi giới dễ kiếm tiền khi thị trường BĐS tốt lên. Tuy nhiên, nó không phải là nghề bền vững, lâu dài mà theo giai đoạn thị trường. Do đó, khi đã có tiền từ nghề môi giới tốt nhất nên tìm một lĩnh vực kinh doanh ổn định để theo lâu dài, còn môi giới là nghề tự do, tay trái", anh H. cho hay.
Theo ghi nhận, tỉ lệ môi giới xem ngành nghề của mình để gắn bó lâu dài khá ít, đa số họ chỉ xem đây là nghề dễ kiếm tiền và nhảy vào lúc thị trường đang tốt. Do đó, theo các DN BĐS, sự biến động nhân sự ở lĩnh vực môi giới là lớn nhất ở các doanh nghiệp. Bán xong dự án này là họ rút và nhảy sang các DN nghiệp khác có dự án đang "hot" và tiếp tục nhảy ở các dự án khác đến khi thị trường im ắng thực sự, họ sẽ rút hẳn.