HĐND thành phố Hà Nội mới đây đã ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở thành phố (giai đoạn 2016-2020); việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về kiểm toán chương trình nhà ở xã hội các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (giai đoạn 2015-2017).
Đợt giám sát nhằm đánh giá việc chấp hành trong thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố (giai đoạn 2016-2020); việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về kiểm toán Chương trình nhà ờ xã hội quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm (giai đoạn 2015-2017).
Qua đó, đoàn giám sát này sẽ đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức liên quan.
Trên cơ sở đó, đoàn giám sát sẽ đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả chính sách, pháp luật về nhà ở trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Đoàn giám sát sẽ xem xét báo cáo của các sở, ngành liên quan và giám sát trực tiếp tại Sở Xây dựng, kết hợp khảo sát thực tế tại một số dự án trên địa bàn thành phố. Việc giám sát trực tiếp tại các đơn vị dự kiến được tiến hành trong thời gian từ ngày 23/8 đến 30/8/2019.
Trước đó, theo báo cáo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.Hà Nội, từ năm 2016 đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn thành phố có 147 dự án nhà ở thương mại được quyết định chủ trương đầu tư với diện tích khoảng 14.196.567m2 đất, tổng vốn đầu tư khoảng 390.788tỷ đồng;
13 dự án nhà ở xã hội với diện tích khoảng 526.645m2 đất, tổng vốn đầu tư khoảng 36.041 tỷ đồng; 11 dự án nhà tái định cư với diện tích khoảng 219.169m2 đất, tổng vốn đầu tư khoảng 19.523 tỷ đồng.
Trong khi đó, có nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở chưa được đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng có trong quy hoạch.
Điển hình như Khu đô thị mới Phùng Khoang; Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì; Khu đô thị Xuân Phương – Viglacera; Khu đô thị Thành phố giao lưu; Khu đô thị Đoàn Ngoại giao; Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; Khu nhà ở để bán Quang Minh – Vinaconex2; Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Geleximco; Khu nhà ở Thạch Bàn; Khu đô thị Đặng Xá; Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp; Khu đô thị mới Việt Hưng...
Một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu tư thứ cấp này chậm triển khai nhưng các chủ dự án không đôn đốc kịp thời theo tiến độ. Đơn cử như: Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học, gồm 3 lô đất xây dựng trường mầm non, 1 lô đất trường tiểu học, 1 lô đất trường THCS, 1 lô đất trường THPT; tuy nhiên, lô đất xây dựng trường THPT vướng nghĩa trang thôn Văn Điển.
Còn tại quận Hoàng Mai, Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm được quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Còn 5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Xây dựng (HUD) đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, liên quan đến chủ trương phát triển nhà ở xã hội, báo chí liên tục phản ánh về việc biến tướng ở mô hình này.
Theo Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015 quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết... để xây dựng NƠXH. Tuy nhiên trên thực tế, không phải dự án nào cũng “nhớ” đến vấn đề này.