Những năm qua, mặc dù các kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội liên tục có những phiên giải trình “nóng” về trật tự xây dựng (TTXD), UBND thành phố cũng liên tục có những văn bản xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan, thế nhưng vi phạm TTXD vẫn là vấn đề nhức nhối của Thủ đô.
- Xử lý nhà ‘siêu mỏng, siêu méo’ mọc trên các tuyến đường nghìn tỷ ở Hà Nội
- Giá chung cư tại TP.HCM cao hơn Hà Nội gần 28%
Xuất hiện thêm nhiều công trình vi phạm
Trong khi việc xử lý, cưỡng chế những công trình cao tầng sai phép trên thành phố diễn ra chậm chạp, ở các quận trung tâm Hà Nội lại xuất hiện thêm những tòa cao ốc sai phạm gây bức xúc dư luận.
Chỉ tính riêng trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) đã có hàng loạt nhà xây dựng sai phạm và có dấu hiệu sai phạm. Ví dụ như: công trình 11 Liên Trì, được cấp phép xây 5 tầng, xong đã xây lên tới 7 tầng, toàn bộ tầng tum biến thành tầng nhà. Kế đó, 2 ngôi biệt thự cổ cũng bị phá dỡ để xây nhà gồm: 67 Trần Quốc Toản, 9 Nguyễn Gia Thiều. Trong đó, công trình Nguyễn Gia Thiều sai quy định về chiều cao và mật độ.
Từ những công trình nhỏ đến những công trình “khủng” đều có những vi phạm khiến dư luận bất bình.
Dự án The Eden Rose của chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản Thanh Trì, thuộc chủ đầu tư Vimefulland (thương hiệu bất động sản của Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) bị khách hàng “tố” xây dựng hàng trăm căn liền kề, có dấu hiệu vi phạm quy hoạch, vi phạm TTXD khi quy hoạch được duyệt của dự án chỉ cho phép xây 3 tầng nhưng chủ đầu tư lại xây 3 tầng + tum và ký hợp đồng mua bán với khách hàng.
Báo cáo của UBND huyện Thanh Trì thông tin thêm, trong quá trình triển khai dự án The Eden Rose, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Thanh Trì đã cho xây dựng công trình “Trường mầm non” không phép.
Tại dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều (Housinco Premium) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội số 35 (nay là Công ty CP Tập đoàn Housinco) làm chủ đầu tư được phê duyệt chiều cao 27 tầng, bao gồm: 2 tầng sàn dịch vụ văn phòng; 25 tầng làm căn hộ; 1 tầng tum kỹ thuật thang máy. Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng, chủ công trình đã tự ý thay đổi thiết kế nâng tổng số tầng văn phòng, dịch vụ lên 6 tầng (thiết kế được duyệt là 2 tầng).
Đối với hoạt động quản lý đất nông nghiệp cũng bị buông lỏng, đặc biệt tại các quận, huyện có có tốc độ đô thị hóa cao như: quận Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ, huyện Thanh Trì…
Ì ạch xử lý
Sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) là một điển hình cho sự loay hoay xử lý vi phạm trật tự xây dựng của Hà Nội. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, trả lời về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Sẽ cương quyết cưỡng chế tòa nhà này trong thời gian tới.
Thế nhưng, từ tháng 10/2016 công trình đã hoàn thành việc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) cho đến nay, các đơn vị liên quan vẫn đang nghiên cứu phương án xử lý tiếp theo. Việc xử lý sai phạm kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp quyết liệt để xử lý dứt điểm.
Ở một số công trình nhà ở riêng lẻ, việc tổ chức cưỡng chế cũng bị kéo dài nhiều năm như: 3A, 3B, 3C Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm), hay công trình ngõ 1 phố Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm) đều có lý do là vướng đơn khiếu kiện.
Nói về việc xử các công trình vi phạm trên địa bàn, UBND quận Long Biên thừa nhận thực tế đang có nhiều vi phạm TTXD, việc xử lý các sai phạm còn chưa được thực hiện triệt để. Theo thống kê mới nhất, địa bàn quận Long Biên còn 334 công trình, trường hợp tồn tại đang được phân loại để xử lý. Quận đưa ra cam kết, đến hết năm 2019 sẽ xử lý 200 trường hợp. Trong đó có 151 trường hợp là hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở trên đất công, đất nông nghiệp.
Trước việc buông lỏng quản lý đất đai của một số cán bộ, công chức phòng Tài nguyên, phòng Kinh tế, Thanh tra xây dựng và một số UBND phường, UBND quận Long Biên xác định có 141 cá nhân thuộc 13 tập thể phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, chịu hình thức xử lý theo quy định.
Theo các chuyên gia, xử lý phần gốc bao giờ cũng dễ hơn ngọn, để công trình vi phạm hoàn thiện rồi mới xử lý sẽ rất khó khăn. Để tình trạng chậm trễ phát hiện vi phạm TTXD có trách nhiệm lớn của các cấp chính quyền địa phương.
Xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài là do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp, UBND thành phố và cả Chủ tịch UBND thành phố”.
Theo ông Chung, đến nay, toàn thành phố đã có 98 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý vì để xảy ra vi phạm.
Chỉ tính riêng năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội xử lý kỷ luật 28 công chức Thanh tra xây dựng, UBND thành phố kỷ luật 41 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có 20 chủ tịch, 11 phó chủ tịch bị xử lý từ khiển trách đến cách chức).
Trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất công ích, Sở TN&MT Hà Nội cũng kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số chủ tịch UBND cấp huyện, xã; tạm dừng điều hành với 7 chủ tịch xã; 61 công chức địa chính.
Buông lỏng quản lý xây dựng có thể bị truy cứu hình sự
Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý TTXD trên địa bàn Hà Nội có hiệu lực tháng 4 vừa qua quy định, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về TTXD phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật.