Từ năm 2015 đến năm 2018 trong số 21.274 đơn thư mà Bộ nhận được thì có 8.330 đơn thư đủ điều kiện xử lý.
- Phân khúc bất động sản nào sẽ trỗi dậy trong 6 tháng cuối năm 2019?
- Đà Nẵng khẳng định chưa hề cấp sổ đỏ nào cho loại hình Condotel
Thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Bộ nhận được hàng năm vẫn còn nhiều, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai (chiếm 98%). Từ năm 2015 đến năm 2018 trong số 21.274 đơn thư mà Bộ nhận được thì có 8.330 đơn thư đủ điều kiện xử lý.
Trong đó có 216 vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ, 1.502 vụ việc được địa phương giải quyết hết thẩm quyền nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, 6.612 vụ việc địa phương chưa giải quyết hết thẩm quyền, công dân tiếp tục khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan trung ương.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 167 cuộc thanh tra, kiểm tra về đất đai đối với 738 tổ chức, cá nhân; phát hiện 17% số đối tượng được thanh tra có vi phạm pháp luật đất đai; Xử phạt vi phạm hành chính 36 tổ chức, cá nhân với số tiền 815 triệu đồng; kiến nghị truy thu 2.450 triệu đồng; kiến nghị thu hồi 5 ha đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, những khiếu kiện liên quan tới đất đai chủ yếu do công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện.
Có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng để thu hồi đất thay vì phải thỏa thuận với người sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch, công bằng. Một số dự án thực hiện chậm, có dự án sau khi thu hồi nhưng không sử dụng, để đất đai hoang hoá, lãng phí nên công dân khiếu nại bức xúc.
Một số địa phương quá chú trọng việc thu hút đầu tư để giao đất cho doanh nghiệp mà thiếu quan tâm, thậm chí có nơi xem nhẹ lợi ích của người dân.
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm khắc phục những tồn tại bất cập nêu trên đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn sắp tới.
Từ nay đến cuối năm 2019, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến các tỉnh, thành phố trước khi trình Chính phủ vào tháng 2/2020.