Thời gian quan, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, lập lại trật tự xây dựng, nhưng, thực tế, tình trạng xây dựng sai phép, không phép đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về năng lực cơ quan quản lý, và có hay không việc bao che, tiếp tay cho các công trình vi phạm?
“Con voi chui lọt lỗ kim”
Gần đây, hàng loạt các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được báo chí phản án thời gian qua. Trong đó, có những công trình lớn nhưng chung cư, bệnh viện… cũng ngang nhiên xây dựng sai phép, không phép nhưng được cơ quan chức năng phát hiện chậm trễ, hoặc tới khi có thông tin từ báo chí mới đi kiểm tra, rà soát.
Đơn cử như, dự án Bệnh viện An Sinh Hà Nội có tổng diện tích khoảng 2,5 ha vị trí lô đất ký hiệu CV4.4 (mặt đường Châu Văn Liêm) tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm đã tổ chức xây dựng khi chưa được cấp phép trong nhiều tháng nay. Theo ghi nhận hiện trạng của Dân Việt, tại công trình sai phạm có quy mô xây dựng rộng hàng nghìn m2. Bên cạnh việc tập kết số lượng vật liệu khổng lồ, trong công trường còn có hàng trăm công nhân và máy móc hoạt động rầm rộ… các hạng mục tầng hầm. Công trường được quây kín bởi các tấm tôn, không biển báo thông tin, bảo vệ túc trực…
Đáng nói, trong công trình không phép thi công rầm rộ thì chính quyền địa phương là phường Phú Đô và các cơ quan liên quận quận Nam Từ Liêm lại không thể hiện được vai trò quản lý trật tự xây dựng của mình. Nghi vấn của dư luận về việc có sự tiếp tay, bao che cho công trình vi phạm này cũng hoàn toàn có cơ sở.
Tương tự, tại dự án Tổ hợp văn phòng và nhà ở Housinco Tân Triều (Housinco Premium) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nhà Hà Nội số 35 (nay là Công ty CP Tập đoàn Housinco) làm chủ đầu tư đang tồn tại vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng. Cụ thể, tại Giấy phép xây dựng số 123/GPXD ngày 16/10/2017 do Sở Xây dựng cấp, dự án Housinco Premium tại ô đất CT5 thuộc xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) có chiều cao 27 tầng, bao gồm: 2 tầng sàn dịch vụ văn phòng; 25 tầng làm căn hộ; 1 tầng tum kỹ thuật thang máy). Tuy nhiên, trong quá trình thi công xây dựng, chủ công trình đã tự ý thay đổi thiết kế nâng tổng số tầng văn phòng, dịch vụ lên 6 tầng (thiết kế được duyệt là 2 tầng).
Điều đáng chú ý, sai phạm tại dự án Housinco Premium phát sinh ngay từ các tầng thương mại (tầng 2-6) của công trình nhưng không được xử lý triệt để. Và khi có quyết định xử phạt hành chính, dừng thi công nhưng công trình này vẫn tổ chức thi công và xây cao tới tầng 28.
Tháng 9 này, UBND TP.Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến Trúc cung cấp hồ sơ dự án Housinco Premium sang cơ quan công an và yêu cầu dừng xây dựng và kinh doanh căn hộ dự án này. Trong trường hợp sai phạm của công trình này sẽ được “hợp thức” cho tồn tại sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, ngược lại nếu và buộc phải phá dỡ thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Loay hoay xử lý vi phạm “khủng”
Theo các chuyên gia nhận định, việc “giải quyết từ gốc bao giờ cũng dễ hơn phần ngọn”. Theo đó, các sai phạm trật tự xây dựng cần phải triệt tiêu khi còn trứng nước. Thế nhưng, việc phát hiện và “thổi còi” các công trình vi phạm của các địa phương còn đùn đẩy trách nhiệm, cố tình bao che cho sai phạm. Hậu quả xử lý các công trình sai phạm lớn luôn gặp phải nhiều khó khăn.
Sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực (Đống Đa, Hà Nội) là một điển hình cho sự loay hoay xử lý vi phạm trật tự xây dựng của Hà Nội. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, trả lời về việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ cương quyết cưỡng chế phần sai phạm của tòa nhà này".
Thế nhưng, từ tháng 10/2016, đã hoàn thành việc phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) và đến nay (tháng 9/2019), các đơn vị liên quan vẫn đang nghiên cứu phương án xử lý tiếp theo. Việc xử lý sai phạm kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa có hướng giải phát quyết liệt để xử lý dứt điểm, bảo vệ quyền lợi của người mua nhà tại đây.
Tương tự, sau khi bị cơ quan chức năng “tuýt còi” khi xây dựng tới tầng 18 nhưng không có giấy phép xây dựng, tòa HH1 Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty cổ phần địa ốc Alaska làm chủ đầu tư đã rơi vào trạng thái “đắp chiếu” suốt hơn 2 năm qua.
Liên quan tới việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, phản ánh băn khoăn của người dân, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, khi công trình người dân xin phép thì vô cùng khó khăn, nhưng có những công trình lớn vi phạm lại ngang nhiên tồn tại.
Cùng mối băn khoăn, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga viện dẫn báo cáo khẳng định “tình hình vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm qua các năm”, nhưng 2018 lại không nói giảm bao nhiêu phần trăm, lại nêu con số về các công trình kiểm tra được, vậy không rõ có giảm không?
Uỷ ban Tư pháp nhận định, có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong một thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện. Cho đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp. Vậy có bao nhiêu chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm và có bao nhiêu trường hợp tiếp tay cho sai phạm?
Ngoài ra, theo bà Nga, không phải chỉ ở Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà còn có cả trách nhiệm của các địa phương. Trong lĩnh vực xây dựng thì chỉ đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà dân là có người đến ngay. Thế nhưng với những công trình lớn như các đại biểu nói thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu?
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Quyết định 04/2019/QĐ-UBND về Quy định quản lý TTXD trên địa bàn TP.Hà Nội có hiệu lực tháng 4 vừa qua, quy định, tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về TTXD phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
“Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý TTXD nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”, Quyết định 04 trên nêu rõ.
”