Sở Xây dựng Hà Nội vừa phát đi danh sách các chủ đầu tư "chây ì" bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị năm 2018. Tuy nhiên, trên thực tế, con số chủ đầu tư đang vi phạm việc bàn giao kinh phí bảo trì sẽ còn nhiều hơn so với danh sách vừa phát đi.
- Đại gia bạo gan kiện lãnh đạo huyện đòi xin lỗi
- Nhà cũ nát 'lột xác' sau cải tạo chỉ với 350 triệu đồng
Thực tế còn hơn?
Tại Thông báo số 348/TB-SXD(QLN) ngày 15.11.2018 của Sở Xây dựng, các chủ đầu tư có tên trong danh sách chây ì không bàn giao quỹ bảo trì gồm: Công ty CP Sông Đà - Thăng Long và Công ty CP Đầu tư xây dựng Ba Đình số 1 - Chủ đầu tư nhà chung cư CT5B Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông); Công ty CP Sông Đà 1 - Chủ đầu tư nhà chung cư CT4 Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông); Công ty CP Sông Đà 1.01 - Chủ đầu tư dự án chung cư Hemisco (phường Phúc La, quận Hà Đông); Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng - Chủ đầu tư dự án nhà chung cư CT3 Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm);
Liên doanh Công ty CP đầu tư kinh doanh và phát triển hạ tầng Phúc Hà với Công ty CP Đầu tư và xây dựng Việt Nam (Vinaconi) - Chủ đầu tư dự án chung cư Nam Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông); Công ty CP tập đoàn Bắc Hà - Chủ đầu tư cụm nhà chung cư Bắc Hà C14 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm); Công ty CP Cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) - Chủ đầu tư nhà chung cư Westa (phường Mộ Lao, quận Hà Đông);
Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) - Chủ đầu tư Dự án xây dựng nhà chung cư CT1 Khu nhà ở Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm); Công ty CP Xây dựng số 2 Vinaconex - Chủ đầu tư Tòa tháp C1-VC2 Golden Silk Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai).
Ngoài danh sách trên, theo ghi nhận của Dân Việt, tình trạng chủ đầu tư "chây ì" không bàn giao kinh phí bảo trì cũng xảy ra ở nhiều chung cư khách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tranh chấp chung cư phức tạp giữa chủ đầu tư và cư dân trong thời gian qua.
Đơn cử như, tại chung cư Star City (81 Lê Văn Lương, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư. Dù đã được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014 nhưng tới nay, phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư mới bàn giao cho cư dân Star City chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng, trong tổng số hơn 30 tỷ đồng.
Gần đây, cư dân tòa nhà đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan quản lý, đồng thời tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc bàn giao kinh phí bảo trì nhưng đến nay hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Chủ đầu tư thiếu nghiêm túc thực hiện chỉ đạo
Được biết, năm 2018 Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND Thành phố đề nghị ban hành văn bản yêu cầu các chủ đầu tư trên bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Nhưng đến thời điểm này, các chủ đầu tư vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15.2.2016 của Bộ Xây dựng trong việc bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị.
Về vấn tình trạng “chây ì” bàn giao kinh phí bảo trì, Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, Luật Nhà ở đã quy định rõ việc chủ đầu tư phải bàn giao khoản phí bảo trì 2% cho cư dân ngay khi Ban quản trị tòa nhà đó được thành lập.
“Việc chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt phí bảo trì là dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do vậy Ban quản trị có quyền tố cáo hành vi của chủ đầu tư đến cơ quan công an”, luật sư Trương Anh Tuấn lập luận.
Tuy nhiên, để xử lý tận gốc, luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng, nên có quy định tiền quỹ bảo trì phải được đóng vào tài khoản ủy thác riêng ở ngân hàng, không ai sử dụng, sau khi ban quản trị được thành lập hợp pháp xong sẽ được tự động bàn giao cho ban quản trị.
“Nếu luật còn nhiều kẽ hở, quy định chưa đủ sức răn đe thì thị trường sẽ rất khó trở nên bài bản, người dân sẽ còn phải chịu thiệt bởi những chủ đầu tư chộp giật”, Luật sư Trương Anh Tuấn nhận định.
Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về chung cư. Với những chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng đề xuất các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm.
Đồng quan điểm với Trưởng ban pháp chế Hiệp hội bất động sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, trước hết, về kinh phí bảo trì nhà chung cư, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì nguồn hình thành là do người mua, thuê mua nhà ở đóng với mức là 2% giá trị căn hộ tính trước thuế, do chủ đầu tư thu và tạm quản lý. Sau khi ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư phải quyết toán và bàn giao kinh phí này cho ban quản trị.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy khoản tiền là kinh phí bảo trì này thường bị Chủ đầu tư chiếm dụng, chây ì trong việc bàn giao lại cho Ban Quản trị. Bên cạnh đó, do việc thành lập ban quản trị khó khăn, kéo dài ở một số nơi nên việc bàn giao kinh phí bảo trì cũng bị kéo dài.
Đây là một trong những bất cập trong việc quản lý nhà chung cư hiện nay. Do đó, theo quan điểm của tôi, để khắc phục điều này cần nghiên cứu phương án tách rời việc thu kinh phí bảo trì với việc thu tiền mua bán căn hộ của người mua. Việc thu kinh phí bảo trì này nên do Cơ quan độc lập khác thu và quản lý để đảm bảo tính khách quan./.