Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ tiếp tục đối thoại với người dân trong thời gian sắp tới và yêu cầu Công an điều tra làm rõ những kẻ xấu kích động, lôi kéo dân ngăn chặn xe và cản trở xây dựng lò đốt rác Đại Nghĩa và Khu xử lý rác Tam Xuân 2.
- Bộ Xây dựng bác đề xuất ‘xé rào’ lập ban quản trị chung cư kiểu mới
- Chủ đầu tư xẻ thịt đất công bán ‘tung hỏa mù’ để né sai phạm
Xây dựng lò đốt thay thế các bãi rác quá tải.
Xung quanh vấn đề này, ngày 15/8 trao đổi với Dân Việt, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: “việc thu gom xử lý rác thải là vấn đề rất khó khăn trên cả nước hiện nay, không riêng gì Quảng Nam. Đặc biệt là triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải thường gặp phải sự phản ứng từ phía người dân địa phương, bởi không người dân nào muốn đưa rác về nơi mình sinh sống.
Ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa tích cực trong việc hỗ trợ triển khai xây dựng khu xử lý rác thải ở địa phương mình làm cho tình hình càng trở nên khó khăn hơn”.
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng 2 lò đốt rác thải tại xã Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc) và Tam Xuân 2 (huyện Núi Thành) thay cho 2 khu chôn lấp rác thải tại xã Đại Hiệp (đã đầy, đang làm thủ tục đóng cửa, phục hồi môi trường) và Tam Xuân 2 (đã gần đầy giai đoạn 1). Đây là 2 khu xử lý rác thải tập trung quan trọng của tỉnh để giải quyết việc thu gom xử lý rác thải cho các địa phương trọng điểm ở phía Bắc và phía Nam của tỉnh. Ngoài ra còn một khu xử lý cấp khu vực nữa cũng đã được qui hoạch và nghiên cứu triển khai tại xã Quế Cường huyện Quế Sơn.
Các vị trí này được lựa chọn phù hợp với các qui định của pháp luật, phân vùng hợp lý để chi phí vận chuyển chấp nhận được, trên cơ sở đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương (bằng các các cuộc khảo sát thực tế, họp và ghi biên bản).
“Công nghệ đốt rác hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải nhưng dẫu sao cũng tốt hơn rất nhiều so với chôn lấp. Ngoài ra, do đặc thù rác ở nước ra rất khó phân loại từ đầu nguồn như các nước tiên tiến (hữu cơ, vô cơ, tái chế, chất rắn khó phân huỷ...) và thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao nên sử dụng công nghệ cải tiến của các doanh nghiệp trong nước từ công nghệ tiên tiến của nước ngoài thường phù hợp hơn đối với đặc thù xử lý rác của Việt Nam, tất nhiên các công nghệ này phải được kiểm tra, thẩm định nghiêm ngặt theo các qui chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam, được Bộ KHCN cấp chứng nhận, và khi triển khai tại một địa điểm cụ thể còn phải được một Hội đồng chuyên môn thẩm định về công nghệ và đánh giá tác động môi trường”, ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm, lò đốt rác Đại Nghĩa đã được lãnh đạo tỉnh giải thích cách đây không lâu, ngay sau khi Công ty cấp nước Đà Nẵng có ý kiến lo ngại nguồn nước thải của lò đốt sẽ gây ô nhiễm nguồn nước Đà Nẵng. Tuy nhiên, vì việc này mà người dân địa phương cũng lo ngại theo và gây cản trở thi công. Mặc dù trước đó Sở TNMT tỉnh đã chủ trì tổ chức đoàn đi thực tế lò đốt rác tương tự tại tỉnh Hưng Yên với thành phần là lãnh đạo huyện, lãnh đạo xã, thôn và 5 hộ dân.
“Các thành viên trong đoàn đã đánh giá cao tính an toàn của lò đốt theo công nghệ tại tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên một số người dân địa phương dù đã được giải thích của các cơ quan chức năng và cung cấp thông tin của các thành viên trong đoàn đi thực tế nhưng họ vẫn chưa đồng ý và lên hiện trường để ngăn cản thi công. Đây vừa là hiệu ứng lan toả của hiện tượng người dân địa phương phản ứng với các khu xử lý rác tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhưng cũng vừa là tâm lý lo lắng từ quan ngại của Công ty cấp nước Đà Nẵng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Điều tra kẻ xấu kích động, lôi kéo dân.
Theo ông Thanh, việc Công ty cấp nước Đà Nẵng, Sở TNMT Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với các ngành và địa phương của tỉnh Quảng Nam. Qua đó đã có báo cáo số 484 gửi UBND TP Đà Nẵng nêu rõ lò đốt rác Đại Nghĩa không ảnh hưởng đến nguồn nước Đà Nẵng; không thuộc dự án phải lấy ý kiến cộng đồng về xả nước thải vào nguồn nước công cộng (vì tuần hoàn, không thải ra ngoài môi trường).
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn số 484 ngày 9/7/2019 chỉ đạo các ngành của thành phố và Công ty cấp nước Đà Nẵng tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Nam, đề xuất Bộ TNMT đánh giá sức chịu tải của sông Thu Bồn - Vu Gia để định hướng quản lý phù hợp.
“Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là đề nghị các ngành của tỉnh, các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể huyện Đại Lộc tăng cường tuyên truyền vận động giải thích cho nhân dân; xử lý các hành vi của kẻ xấu lôi kéo, kích động đẩy người dân vào vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự, văn hoá của địa phương. Đồng thời Công ty môi trường đô thị tỉnh phải cam kết bằng văn bản với nhân dân về bảo vệ môi trường trong thi công và không để nước thải tràn ra ngoài khi đi vào hoạt động”, ông Thanh cương quyết.
Ông Lê Trí Thanh nói thêm, đối với Khu chôn lấp rác thải Tam Xuân, việc người dân ngăn cản vừa qua là do thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng nóng kéo dài qua xuất hiện đợt mưa lớn, trong khi việc xử lý hoá chất khử mùi còn chủ quan nên xuất hiện mùi hôi.
“Hiện nay công ty đang khắc phục bằng cách tăng cường bơm khử mùi và căng tấm bạt lớn để che phủ toàn bộ khu vực rác đã chôn lấp sau khi bơm hoá chất khử mùi.
Về cơ bản đã ổn, tuy nhiên người dân còn phản đối cũng là do tâm lý. Mặt khác, có rất nhiều người dân không liên quan nhưng cũng kéo nhau vào để phản đối, với những người này ủy ban tỉnh đang giao Công an điều tra xác minh làm rõ động cơ, mục đích, kẻ nào đứng sau”, ông Thanh cương quyết.