Việc tăng trưởng quá mạnh các loại hình lưu trú, nhất là khách sạn từ 1 đến 3 sao, khiến TP Đà Nẵng rơi vào khủng hoảng thừa.
- Đại gia tỉnh lẻ xin làm quy hoạch siêu dự án nghỉ dưỡng 1.500ha
- Lo ngại rủi ro chuyên gia đề xuất cấm chia lô bán nền
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, TP Đà Nẵng tăng 100 cơ sở kinh doanh lưu trú với số lượng gần 6.000 phòng. Mật độ xây dựng khách sạn từ 1-3 sao ngày càng dày đặc, đặc biệt là tại khu vực ven biển quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, đã dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó đáng báo động là tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Khách sạn 1-3 sao đua nhau mọc lên
Các trục đường ven biển thuộc 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn trong khoảng 3 năm trở lại đây ngày càng mọc lên nhiều cơ sở lưu trú. Dạo quanh các con đường Võ Nguyên Giáp, Hà Bổng, Hồ Nghinh, Nguyễn Văn Thoại… dễ dàng nhận thấy khách sạn mọc san sát nhau. Nhiều khách sạn 1-3 sao đang trong quá trình xây dựng cũng ken đặc tại khu vực này. Nhiều cung đường chỉ khoảng 500 m nhưng có đến 50-70 khách sạn.
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019, TP có 820 cơ sở lưu trú du lịch với 37.432 phòng, tăng 100 cơ sở, tương đương 5.901 phòng, so với cùng kỳ năm 2018; gấp 3 lần so với năm 2011. Bình quân mỗi năm, TP Đà Nẵng tăng gần 100 cơ sở lưu trú với khoảng 6.000 phòng.
Trong số đó, số lượng khách sạn từ 1-3 sao áp đảo. Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến du lịch TP Đà Nẵng, trong tổng số 800 cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng, tính đến đầu tháng 6-2019, có đến gần 650 khách sạn 1-3 sao và tương đương. Trong khi khách sạn 4-5 sao và tương đương chỉ hơn 80 cơ sở, số còn lại là biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự - căn hộ đạt chuẩn, bãi cắm trại - nhà nghỉ có phòng cho thuê đạt chuẩn.
Chính vì khủng hoảng thừa khách sạn nên công suất buồng phòng bình quân trong 6 tháng đầu năm 2019 tại Đà Nẵng chỉ ước đạt 50%, riêng khối khách sạn 4-5 sao ước đạt 60%.
Cần dự báo và khuyến nghị cụ thể
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, việc gia tăng bất động sản nghỉ dưỡng khu vực ven biển ở địa phương này đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, cụ thể là hạ tầng giao thông, gây tắc nghẽn cục bộ. Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thừa nhận số lượng cơ sở lưu trú du lịch tăng mạnh là một thành công của Đà Nẵng trong việc thu hút đầu tư các dự án bất động sản du lịch nhằm tạo tầm vóc và diện mạo mới. Tuy nhiên, việc tăng trưởng quá nhanh đang gây áp lực cho hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường, không khí, cấp nước, rác thải... đến hệ thống điện nước, cứu hỏa, hạ tầng xã hội.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, cho hay hiện TP Đà Nẵng đang rơi vào khủng hoảng thừa khách sạn cấp thấp sao mà thiếu khách sạn cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng. Việc này dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, công suất buồng phòng giảm. Theo ông Vinh, Đà Nẵng cần nghiên cứu hạn chế cấp phép xây dựng khách sạn 1-3 sao, thay vào đó là gia tăng xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp. Bên cạnh đó, chính quyền TP cũng cần đưa ra dự báo trong tương lai về nguồn khách du lịch, số lượng buồng phòng hiện tại và đưa ra khuyến nghị để giúp doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo hơn khi quyết định đầu tư xây dựng bất động sản du lịch.
Theo ông Vinh, việc cấp phép xây dựng khách sạn hiện nay phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Sở Xây dựng.
3 năm chưa có dự án nghỉ dưỡng mới
Theo báo cáo mới đây của Công ty CP DKRA Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, TP Đà Nẵng có khoảng 16 dự án căn hộ mở bán, cung ứng ra thị trường 7.291 căn và tỉ lệ tiêu thụ đạt 99% (7.205 căn). Trong đó, quận Sơn Trà dẫn đầu nguồn cung toàn TP. Với lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng đều qua từng năm, TP Đà Nẵng hiện là điểm đến nghỉ dưỡng hấp dẫn và nổi bật tại khu vực miền Trung. Trong khi nguồn cung biệt thự biển tăng vọt từ trước năm 2015 thì từ năm 2016 đến nay, thị trường Đà Nẵng không ghi nhận dự án mới.
Ở phân khúc condotel (căn hộ khách sạn), chỉ trong vòng 3 năm (từ 2016 đến nay), TP Đà Nẵng có khoảng 9.890 căn condotel từ 12 dự án được đưa ra thị trường, sức tiêu thụ đạt 75% nguồn cung, với 7.418 căn. Nhưng từ giữa năm 2018 đến tháng 6-2019, lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể.