Thị trường nhà đất ảm đạm, các chủ đầu tư, nhà phân phối đang hướng đến những vùng đất mới bỏ lại Đà Nẵng tiêu điều.
Chưa đầy nửa năm mất 600 triệu đồng
Hơn 6 tháng trôi qua, sau khi thị trường đất Đà Nẵng tụt dốc không phanh và đóng băng, tình hình bất động sản tại đây “rối như canh hẹ”.
Khảo sát một vòng thông tin rao bán, PV có ngay giá đất từ một người đàn ông tên B. đang kinh doanh đất tại Đà Nẵng. Theo người này, giá đất hiện có sự chênh lệch rất lớn so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.
Chẳng hạn, tại khu dân cư Nam Cẩm Lệ, diện tích một lô đất 100 m2 với mặt tiền 5,5m có giá dao động từ 2,7 tỷ đến 3,7 tỷ tùy thuộc vào hướng nhà, vị trí và mặt tiền rộng bao nhiêu.
Đi sâu vào xem một lô đất trên đường Đoàn Ngọc Nhạc có diện tích 100m2, đường mặt tiền rộng 7,5m có giá 2,95 tỷ (chưa thương lượng). Anh B. cho hay, trước đây, khi Đà Nẵng vào giai đoạn sốt đất, lô này có giá 3,3 tỷ nhưng nhiều người vẫn giành giật nhau để mua. Nay giá đã giảm nhưng rao mãi vẫn chưa ai hỏi.
Dự án Golden Hill (quận Liên Chiểu) từng khiến nhiều người thức trắng đêm để bán vì “cơn sốt” đất lên đỉnh điểm cũng đang giảm giá sát đáy. Anh B. cho biết, một lô đất khu A của dự án này diện tích 125 m2, hướng Đông Nam, đã có sổ đỏ giá 2,7 tỷ, nhưng khi sốt đất giá lên tới 3,4 tỷ đồng, chênh nhau đến 600 triệu trong vòng vài tháng.
Bỏ chốn cũ, tìm sân chơi mới
Việc giá đất sụt giảm liên tục và chững lại có rất nhiều nguyên nhân, trong đó lý do quan trọng nhất là việc các “cò đất” hợp tác đẩy giá lên cao, làm cho thị trường bung giá. Sau khi thu được khoản lời lớn, chính những người này rút đi để lại cảnh tượng tiêu điều. Nhiều người phải bán tháo chịu lỗ để trả nợ ngân hàng.
Chị Nguyễn Phương T. (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là một trong những người đầu tư vào đất Đà Nẵng trong giai đoạn đỉnh điểm, sau khi đất giảm liên tục chị lao đao tìm mọi cách bán bù lỗ.
Chị T. giãi bày: “Tôi có vay tiền ngân hàng mua 2 lô đất tại dự án Golden Hill vào thời điểm đất đang sốt sau Tết âm lịch, mỗi lô 2,8 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, giá đất đã giảm xuống còn 2,4 tỷ.
Biết là lỗ nhưng tôi phải chấp nhận bán để trả nợ ngân hàng vì lãi ngày càng tăng, số nợ ngày càng lờn mà đỏ mắt vẫn không tìm được người mua.”
Phân tích rõ hơn về lý do bất động sản Đà Nẵng đóng băng, một chuyên gia bất động sản tại Đà Nẵng lý giải: “Thị trường nhà đất Đà Nẵng tăng mạnh cuối năm 2018 và quý 1 năm nay là do cò đẩy giá và thao túng thị trường. Giá tăng quá cao và tăng ảo không phù hợp với cung cầu. Điều này gây bất ổn xã hội nên chính quyền địa phương đã vào cuộc và có biện pháp mạnh để ổn định thị trường.”
Chuyên gia này cho rằng, cần có thời gian để thị trường nhà đất Đà Nẵng điều chỉnh, cũng như nhà đầu tư lấy lại niềm tin qua các vụ lùm xùm về mua bán dự án thời gian vừa qua.
Kết cục của việc giá đất xuống sâu là các nhà đầu tư dịch chuyển dần sang các tỉnh khác. Nhiều dự án ở các địa phương lân cận như Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên,... đang được chú trọng đầu tư để giúp kinh tế các tỉnh này phát triển đột phá đã lôi kéo những người có tiềm lực xuống tiền. Vì thế, bất động sản Đà Nẵng chưa biết bao giờ mới thoát cảnh chợ chiều.