Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm hoặc bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng khiến hàng loạt lãnh đạo, cán bộ trên địa bàn Hà Nội kỷ luật, mất việc, thậm chí bị khởi tố, bắt giam dường như không làm cho tình trạng xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn Hà Nội chùng xuống.
- Cao ốc Bạc Liêu Tower xây thời Trịnh Xuân Thanh được giải cứu sau 8 năm bỏ hoang
- Những tuyến phố Hà Nội 'ngộp thở' với cao ốc ngày nắng nóng
Thực tế thay vì kiên quyết xử lý vi phạm thì các cơ quan chức năng tìm mọi cách để chụm lại cùng chủ đầu tư để hợp thức hóa cho các công trình sai phạm, điển hình 2 công trình 'khủng" ở quận Hoàng Mai và quận Đống Đa.
Từ "xin" phạt để điều chỉnh cho sai phạm
Nằm trong khu vực hạn chế xây dựng cao ốc của khu vực nội đô lịch sử, Dự án đầu tư xây dựng “Tòa nhà thương mại, dịch vụ và khách sạn” tại địa số 2 Ngõ Giếng (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) do Cty TNHH Dịch vụ Đầu tư Ngôi nhà mới làm chủ đầu tư (gọi tắt Cty Ngôi nhà mới) lại được cấp phép xây dựng "kịch trần" cả mật độ lẫn chiều cao.
Theo tài liệu PV, ngày 7/9/2018 Sở Xây dựng Hà Nội cấp GPXD số 77 cho Công ty Ngôi nhà mới xây dựng dự án Tòa nhà thương mại, dịch vụ và khách sạn tại số 2 Ngõ Giếng với quy mô “khủng” gồm 7 tầng nổi + 2 tầng hầm + tum thang kỹ thuật (tổng chiều cao công trình gần 28m), với mật độ xây dựng trùm kín mảnh đất chỉ trên 350m2.
Dù đã được ưu ái cấp phép xây dựng "kịch trần", nhưng quá trình thi công thay vì làm đúng giấy phép chủ đầu là Công ty Ngôi nhà mới ngang nhiên xây dựng sai phép cả về mật độ xây dựng lẫn chiều cao công trình từ các tầng hầm đến các tầng sàn.
Cụ thể, ngay khi công trình xây dựng các tầng hầm ngầm, lực lượng trật tự xây dựng đô thị quận Đống Đa đã có biên bản kiểm tra hiện trạng phát hiện công trình xây sai so với giấy phép.
Đến ngày 18/06/2019, đơn vị này lập biên bản vi phạm hành chính vì hành vi tổ chức thi công sai nội dung giấy phép được cấp.
Đến ngày 21/06/2019, UBND quận Đống Đa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Ngôi nhà mới – chủ đầu tư công trình vi phạm với số tiền 40 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu: “Chủ đầu tư phải đình chỉ việc thi công xây dựng công trình, tuyệt đối không để phát sinh thêm vi phạm; Liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền để được hướng dẫn cấp GPXD điều chỉnh theo quy định. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính nếu chủ đầu tư chưa được cấp GPXD điều chỉnh thì phải tự khắc phục, phá dỡ phần sai phạm”.
Ngay sau đó, chủ đầu tư tức tốc đi nộp phạt số tiền trên, nhưng lại không chấp hành việc đình chỉ thi công xây dựng mà tiếp tục cho công nhân thi công suốt ngày đêm và thời điểm hiện tại đang xây phần thô tầng 7 với nhiều sai phạm so giấy phép.
Theo ghi nhận của PV, công trình “Tòa nhà thương mại, dịch vụ và khách sạn” tại số 2 Ngõ Giếng đến nay vẫn đang tiếp tục thi công hoàn thiện cấp tập mà không có bóng dáng của cơ quan chức năng sau lệnh đình chỉ thi công. Thậm chí, chủ đầu tư đang tìm cách xin điều chỉnh quy hoạch, giấy phép xây dựng theo các phần sai phạm, nhằm hợp thức cho các phần sai phạm.
Đến ra quyết định lùi cưỡng chế cho cao ốc sai phạm
Tại quận Hoàng Mai, Dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm thương mại, siêu thị và trưng bày giới thiệu sản phẩm tại ô đất C11/CCKV3 phường Yên Sở, năm 2010 được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép cho Công ty TNHH CDA có địa chỉ tại Liên Trì-Hoàn Kiếm có quy mô gồm 5 tầng nổi và 1 tầng hầm (diện tích sàn xây dựng mỗi tầng trên 3000 m2), với tổng chiều cao công trình là 22,8m; Giấy phép xây dựng công trình trên có hiệu lực trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp.
Sau khi được cấp phép, công trình cao ốc quy mô "khủng" này của Công ty TNHH CDA thi công với tiến độ ì ạch khi xây dựng được phần thô và bỏ hoang nhiều năm liền. Đùng một cái, khoảng vào cuối năm 2018, công trình này lại cấp tập thi công hoàn thiện. Tuy nhiên, thay vì xây dựng đúng giấy phép được cấp thì chủ đầu tư đã cho cơi nới và xây dựng sai phép thêm hẳn một tầng sàn với hàng nghìn m2 sàn sử dụng.
Theo đó, cuối năm 2018, sau khi phát hiện công trình sai phạm, cơ quan chức năng quận Hoàng Mai tiến hành lập biên bản, có quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đến ngày 21/06/2019, lãnh UBND quận Hoàng Mai có quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ công trình là Công ty TNHH CDA.
Tuy nhiên, không ít lâu Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàng Mai lại có báo cáo đề xuất gia hạn thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế đối công trình sai phạm này. Và tất nhiên đề xuất này được chấp thuận, khi ngày 26/7/2019, ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai-phụ trách xây dựng đô thị đã ra quyết định “Về việc gia hạn thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” đối với chủ công trình sai phạm trên.
“Thời gian thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được gia hạn đến hết ngày 30/9/2019”, quyết định gia hạn lệnh cưỡng chế công trình sai phạm của vị Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nêu rõ. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan có trách nhiệm giao quyết định "ân xá" này cho chủ công trình.
Dư luận đặt câu hỏi, thay vì kiên quyết xử lý vi phạm thì các cơ quan chức năng tìm mọi cách để chụm lại cùng chủ đầu tư để hợp thức hóa cho các công trình sai phạm trên, Trước đó, không lâu, người đứng đầu TP Hà Nội, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung khi trả lời chất vấn cử tri đã khẳng định, không có chuyện Hà Nội điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, điều chỉnh quy hoạch theo ý nhà đầu tư hay vì lợi ích nhóm....
Cán bộ bao che sai phạm xây dựng sẽ bị truy cứu hình sự
Quy định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây chỉ rõ tất cả công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, vi phạm phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. “Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”, Quyết định nêu rõ.