Bố mẹ thường có xu hướng kìm nén cơn giận của con, yêu cầu con nín khóc, bắt ép con phải vui vẻ ngay và không được thể hiện cảm xúc tiêu cực. Điều này thực sự nguy hại với trẻ.
- 7 sai lầm cha mẹ thường mắc khi dạy con mà chính bản thân họ không hay biết!
- 5 bài học về tiền bạc, bất cứ cha mẹ nào cũng cần dạy con trước khi bé trưởng thành
Chúng ta vốn được dạy rằng tức giận là cảm xúc tiêu cực, là trạng thái tâm lý tồi tệ và cần phải kiềm chế cơn giận. Vì vốn luôn được dạy dỗ như vậy, nên khi trở thành những ông bố bà mẹ, hiển nhiên là chúng ta cũng coi đó là chân lý, và yêu cầu con của chúng ta không được tức giận. Nhưng những đứa trẻ đâu có nhiều lý trí đến như vậy. Và thế là dẫn đến cảnh các bố mẹ tìm mọi cách để trấn áp cơn giận của con.
Lấy một ví dụ đơn giản, khi một đứa trẻ khóc, đa phần phụ huynh sẽ yêu cầu con "nín ngay, im lặng, đừng khóc nữa, có thế thôi mà cũng khóc". Tương tự như vậy, khi trẻ nổi cáu, bố mẹ cũng tìm cách kìm nén cơn giận của con bằng cách dọa dẫm hoặc chê bai. Thực tế, việc bố mẹ đòi hỏi con phải chuyển từ trạng thái tức giận sang hòa nhã là khá phi lý. Trước khi yêu cầu con như vậy, bố mẹ tự hỏi bản thân rằng, người trưởng thành như bố mẹ, liệu có làm được điều "thần kỳ" đó không? Chắc chắn là không.
Chuyên trang nuôi dạy con Sina cho biết, trẻ chỉ có thể có kỹ năng kiểm soát cơn giận khi được sống thật với những cảm xúc của mình, bất kể là tiêu cực hay tích cực. Việc bố mẹ kìm nén cơn tức giận của trẻ, vô tình khiến trẻ hình thành những tính cách bất thường sau này. Kiểu trấn áp cơn giận của trẻ có thể có hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng một khi sự tức giận bị kìm nén, nó sẽ gieo những hạt mầm xấu vào tâm trí con trẻ.
Trang Sina cũng cho biết sự tức giận và sợ hãi xảy ra đồng thời ở đứa trẻ. Một đứa trẻ khi giận dữ thường đi kèm cảm giác lo sợ, nhưng ẩn giấu sau đó là khao khát được thấu hiểu, được yêu thương và được lắng nghe.
Trẻ nhỏ không đủ kinh nghiệm, lý trí và chín chắn để suy nghĩ thấu đáo mọi việc. Trong trường hợp chúng không kiểm soát được bản thân, bố mẹ cần cùng con đối mặt với cơn giận dữ, định hướng cho con và cùng vượt qua cơn giận đó, chứ không phải tìm cách "dập tắt" nó đi.
Trang Sina tư vấn những cách xử trí đúng đắn khi con trẻ tức giận như sau.
Cho phép con tức giận
Khi con thể hiện sự giận dữ, bố mẹ nên bỏ thói quen khó chịu hay dùng mọi cách để con hiền hòa trở lại. Cần phải chấp nhận rằng, trẻ được quyền tự do bày tỏ cảm xúc, được quyền thể hiện sự không hài lòng. Việc để cảm xúc "nổ tung" chưa hẳn là điều không tốt. Bởi sau khi cơn giận trôi qua, trẻ sẽ tự nhiên dịu xuống. Nếu trẻ bị đè nén những cảm xúc tiêu cực trong thời gian dài, sau này trẻ dễ hành xử thô bạo, khó kiểm soát cảm xúc.
Cho phép con được tức giận, nghĩa là bố mẹ đang truyền một thông điệp rằng "bố mẹ tôn trọng cảm xúc của con". Điều quan trọng hơn cả là song hành với thái độ này, bố mẹ luôn phải tìm cách hợp lý để con trút cơn giận của mình mà không làm ảnh hưởng đến bản thân con và người khác. Có thể là viết ra giấy, có thể là đấm vào gối, hoặc hét to lên rằng "con đang tức lắm".
Đồng cảm với cơn tức giận của con
Sai lầm lớn nhất mà bố mẹ thường mắc phải khi con thể hiện sự tức giận là luôn nói lý lẽ, giáo điều và những lời răn dạy vô nghĩa. Thời điểm này không thích hợp để nói lý lẽ đúng sai với trẻ, thậm chí càng làm trẻ khó chịu và nổi điên hơn.
Thay vào đó, bố mẹ nên thể hiện rằng mình đồng cảm với con, thấu hiểu con. Có thể nói những câu như: "Bố mẹ biết con muốn..." hoặc "Bố mẹ hiểu rằng bây giờ con đang rất buồn". Khi được trân trọng cảm xúc tiêu cực, trẻ sẽ tự biết thoát ra khỏi tâm trạng tồi tệ. Sự đồng cảm của bố mẹ khiến trẻ bình tĩnh hơn. Và khi cơn tức giận trôi qua, thì cũng là lúc trẻ dễ chấp nhận những lời răn dạy của bố mẹ.
Định hướng cơn tức giận của con
Tất nhiên, trẻ thường xuyên tức giận sẽ dễ trở thành người hung dữ, thô lỗ, dễ có xu hướng làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình. Bố mẹ là người đóng vai trò hướng dẫn trẻ làm chủ cơn tức giận.
Hãy truyền cho con một thông điệp rằng con không có gì sai khi thể hiện sự tức giận, nhưng mọi việc phải trong tầm kiểm soát. Nếu con tức giận khi bị bạn khác giật đồ chơi. Hãy hướng dẫn con tỉ mỉ bằng cách nói: "Hãy nói với bạn rằng đó là đồ chơi của con, con muốn lấy lại. Nếu bạn không nghe, con hãy nói lại việc đó với bố mẹ bạn ấy". Khi được hướng dẫn tỉ mỉ như vậy, trẻ sẽ không đánh bạn để đòi đồ chơi và cũng không bị ấm ức, hay tìm cách trút giận bằng cách ném đồ vật, gào khóc, phản ứng thái quá.
Nói chung, cách hành xử của con trẻ chịu ảnh hưởng lớn từ chính bố mẹ chúng, giống như câu nói "trẻ là tấm gương phản chiếu của bố mẹ". Bố mẹ cũng có quyền tức giận trước mặt con, nhưng tức giận có kiểm soát sẽ là điều mà trẻ học theo. Việc định hướng cơn giận cho trẻ sẽ có tác dụng rất lớn, giúp trẻ hiểu bản thân mình hơn, biết trân trọng cả những cảm xúc tiêu cực và biết rằng bố mẹ vẫn dành tình yêu vô điều kiện ngay cả khi con có hành xử không phù hợp.