Khi trẻ tức giận, bố mẹ thường dùng quyền năng để yêu cầu "Im lặng!" "Không được la hét"..., kiểu kìm nén này dễ tạo nên tính cách bất thường về sau.
- Sử dụng điện thoại như một "vú em", cha mẹ không hay biết tác hại khủng khiếp với con mình
- Cảnh báo thói quen cho trẻ chơi đu quay quá mạnh, một bé trai tụ máu não, vỡ mạch máu trong mắt
Mọi cảm xúc sinh ra đều có lý do riêng và giận dữ có thể dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn người khác.
Trong bộ phim hoạt hình Angry Birds, những chú chim đủ chủng loại, màu sắc với khuôn mặt cau có đặc trưng đã phải cùng nhau tham gia lớp học kiềm chế giận dữ. Mặc dù đá thúng đụng nia bất cứ khi nào không vừa ý, nhưng chúng lại là vị cứu tinh cho hòn đảo nơi chúng sống vì kiểm soát được tình huống tốt hơn khi phát hiện kẻ địch.
Rất nhiều người cho rằng tức giận là một phản ứng tiêu cực, có thể đánh thức phần "con" bên trong mỗi con người và có sức tàn phá khủng khiếp. Tức giận đại diện cho sự không thể kiểm soát bản thân bằng lý trí, dễ làm những việc hồ đồ, hại người hại mình.
Nhưng trên thực tế, tức giận không quá khủng khiếp như nhiều người vẫn nghĩ. Đó chỉ là cảm xúc bình thường của con người. Nếu tức giận được thể hiện một cách hợp lý thì bạn có thể cân bằng được mọi việc và đưa ra được giải pháp nhanh chóng khi phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống - giống như những chú chim trong phim Angry Birds.
Một bác sĩ tâm lý Trung Quốc kể trên diễn đàn sina.com
"Tôi có một người bạn họ Hàn, rất nhiệt tình và tốt tính, đặc biệt với đồng nghiệp. Tuy nhiên người đàn ông này rất chuẩn giờ, đến giờ ăn là phải ăn, chậm một phút cũng không được. Một lần người em gọi điện rủ anh trai đi ăn pizza nhưng cậu ta đến muộn 20 phút. Vừa nhìn thấy em trai ló mặt ở cửa phòng làm việc, Hàn đã mắng té tát. Tôi rất ngạc nhiên vì sao một người tốt tính như Hàn lại có thể tức giận chỉ vì một lý do nhỏ bé như thế.
Trong một cuộc liên hoan, khi ngồi cạnh Hàn, đem câu chuyện hôm trước ra hỏi, Hàn kể rằng hồi nhỏ anh rất nghịch ngợm. Mỗi lần phá phách hay đánh nhau với bạn, anh đều bị bố phạt bằng cách bắt nhịn ăn. Có lần anh đã phải nhịn ăn hơn một ngày. "Bị nhịn đói vô cùng khổ sở. Khi đó tôi đã rất tức giận nhưng không dám thể hiện điều đó ra ngoài vì sợ bố đánh. Vì thế sau này mỗi lần bị đói, tôi lại rất tức tối".
Cảm giác tức giận sẽ không tự động biến mất một khi được tạo ra. Nếu có cơ hội nó vẫn sẽ quay trở lại ngay cả khi ý thức của bạn không muốn.
Người đàn ông họ Hàn tức giận mỗi khi anh bị đói. Mặc dù lúc nhỏ, sự tức giận đó bị đè nén bởi nỗi sợ nhưng nó vẫn luôn ở trong tâm trí anh và không bao giờ biến mất. Khi lớn lên, một khi ai đó khiến anh cảm thấy đói trở lại, sự tức giận lại được "đánh thức" khiến cho Hàn hành động mất kiểm soát.
Với trẻ con, nếu chúng tức giận, bố mẹ thường dùng quyền năng của mình để yêu cầu "Im lặng!" "Không được la hét" hoặc dùng những biện pháp mạnh hơn để trừng phạt. Kiểu trấn áp cơn giận của trẻ có thể có hiệu quả trong thời gian ngắn nhưng một khi sự tức giận bị kìm nén, nó sẽ gieo những hạt mầm xấu vào tâm trí con trẻ.
Một nghiên cứu tâm lý học cho thấy sự tức giận và sợ hãi của trẻ thường xảy ra đồng thời. Một khi giận dữ đạt đến cao trào thường đi kèm với nỗi sợ nhưng ẩn giấu đằng sau đó là khao khát được yêu thương.
Ví dụ một đứa trẻ tức giận quát lên "Đủ rồi! Bố mẹ không bao giờ hiểu được con đã chăm chỉ học hành như thế nào". Đứa trẻ này tức giận bởi bố mẹ đã không ghi nhận sự nỗ lực của mình. Đằng sau sự bất bình đó, lý do sâu xa hơn là đứa trẻ này mong muốn có được tình yêu và sự quan tâm nhiều hơn từ bố mẹ.
"Khi còn nhỏ, trẻ không đủ chín chắn để suy nghĩ thấu đáo mọi việc, vì thế ở nhiều trường hợp chúng không thể xử lý được cảm xúc của mình. Do đó khi trẻ tức giận, cha mẹ cần đối mặt với cảm xúc đó và dạy trẻ cách trút giận hợp lý", vị bác sĩ tâm lý kể câu chuyện trên chia sẻ.
Theo ông, cha mẹ hãy làm điều sau:
1. Cho phép trẻ em tức giận
Dù trẻ ở lứa tuổi nào, cách tốt nhất để giảm hành vi bốc đồng là cho phép trẻ tự do bày tỏ cảm xúc. Điều này bao gồm cả việc trẻ được quyền thể hiện sự không hài lòng mỗi khi chúng tức giận.
Nhiều cha mẹ tỏ ra khó chịu mỗi khi trẻ tức giận. Thế nhưng bộc lộ được cảm xúc còn tốt hơn nhiều việc ép buộc trẻ phải đè nén khiến chúng có những hành vi thô bạo. Sau khi cơn giận trôi qua, cảm xúc của trẻ lại tự nhiên dịu xuống. Nếu như trẻ không muốn thể hiện sự tức giận ra ngoài, bạn có thể gợi ý cho trẻ vẽ ra sự không hài lòng vào một tờ giấy.
Dù áp dụng phương pháp nào, bạn luôn phải tìm cách để trẻ "trút" được sự giận dữ của mình một cách hiệu quả nhất.
2. Đồng cảm với sự tức giận của trẻ
Khi tức giận, điều trẻ cần là có người đồng ý với sự tức giận của chúng. Cha mẹ không nên cố gắng giải thích đúng sai bởi ở thời điểm này những gì mà bạn cho rằng đúng sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu.
Cha mẹ nên dùng những câu như "Bố mẹ biết con muốn..." hoặc "Bố mẹ hiểu rằng bây giờ con đang rất buồn" để dỗ dành trẻ và giúp chúng thoát khỏi tâm trạng tồi tệ. Khi cha mẹ ở bên cạnh trẻ những lúc chúng tức giận sẽ tạo ra sự đồng cảm, giúp chúng bình tĩnh hơn. Sau khi cảm xúc tức giận trôi qua, trẻ dễ chấp nhận sự phân tích đúng sai từ cha mẹ.
3. Hướng dẫn sự tức giận của trẻ
Một đứa trẻ thường xuyên tức giận có thể trở nên hung dữ, hay làm tổn thương người khác hoặc làm tổn thương chính mình. Vì thế cha mẹ phải tích cực hướng dẫn trẻ bớt đi sự giận dữ.
Cha mẹ có thể nói với trẻ rằng không có gì sai khi thể hiện cảm xúc nhưng mọi việc phải trong tầm kiểm soát. Ví dụ như con bạn tức giận mách rằng "Bố mẹ ơi, bạn ý giật đồ chơi của con", bạn có thể nói: "Hãy nói với bạn rằng đó là đồ chơi của con, con muốn lấy lại. Nếu bạn không nghe, con hãy nói lại việc đó với bố mẹ bạn ấy". Sự hướng dẫn tỉ mỉ này sẽ tránh cho trẻ đánh bạn để đòi đồ chơi hoặc trút giận bằng cách ném những đồ vật khác.
Cách trẻ thể hiện sự tức giận bị ảnh hưởng rất nhiều từ bố mẹ. Nếu một đứa trẻ chưa bao giờ thấy cha mẹ mình tức giận có nghĩa cha mẹ đó đang giáo dục con không được giận dữ. Còn nếu như cha mẹ luôn tức giận một cách ồn ào thì biểu hiện của con cái cũng sẽ y nguyên như vậy. Vì vậy nếu muốn hướng dẫn trẻ tức giận một cách hợp lý thì cha mẹ cũng nên có những hành xử đúng đắn để trẻ có thể học theo.