Ngoài việc mua đồng phục, cặp sách, đồ dùng học tập... cha mẹ còn phải chuẩn bị một số tiền để đóng đầu năm học cho nhà trường và hội phụ huynh.
- Nếu con mất tập trung, ngồi học không yên, làm bài thi ẩu đoảng thì cha mẹ hãy thử ngay phương pháp hiệu quả này
- "Hiệu ứng năm thứ 3" và tác hại của việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1
1. Tiền phục vụ bán trú
Là khoản tiền chi bữa ăn chính và bữa ăn phụ (nếu có) theo thỏa thuận, tiền bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú và trang bị cơ sở vật chất cho bán trú như giường, chiếu, chăn, khăn mặt, bát, đĩa, cốc, xoong, nồi, bếp gas...
Cụ thể tại các trường công lập ở Hà Nội, tiền ăn theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh; Chăm sóc bán trú không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng.
Tiền trang thiết bị phục vụ bán trú:
- Học sinh mầm non: Không quá 150.000 đồng/học sinh/năm học.
- Học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở: Không quá 100.000 đồng/học sinh/năm học.
2. Học phí
Chi bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia dạy 2 buổi/ngày, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ và phúc lợi tập thể, mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng dạy học, điện, nước, vệ sinh, tăng cường cơ sở vật chất và các nội dung chi khác phục vụ hoạt động học 2 buổi/ngày.
Học phí mầm non (không gồm 5 tuổi) công lập ở 3 khu vực thành thị, nông thôn và miền núi lần lượt mỗi tháng là 217.000 đồng, nông thôn 95.000 đồng và miền núi 24.000 đồng. Đây là mức học phí TP. Hà Nội bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020.
Học sinh Tiểu học: Không quá 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Học sinh THCS: Không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng.
3. Học phẩm
Trang bị các loại vở, học liệu để giúp trẻ tham gia các hoạt động giáo dục theo chương trình Giáo dục mầm non mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Mức thu: Học sinh mầm non không quá 150.000 đồng/học sinh/năm học.
4. Nước uống học sinh
Nhà trường sẽ mua nước uống tinh khiết đặt tại mỗi lớp để phục vụ học sinh.
Mức thu: Không quá 12.000 đồng/học sinh/tháng.
Tuy nhiên, một số lớp có nhu cầu loại nước uống chất lượng cao hơn nên cha mẹ sẽ đóng thêm tiền hoặc sử dụng tiền quỹ lớp.
5. Bảo hiểm Y tế học sinh
Là khoản thu không bắt buộc, tuy nhiên khuyến khích cha mẹ nên đóng để bảo đảm quyền lợi cho con.
Cha mẹ sẽ đóng Bảo hiểm Y tế cho con mỗi tháng 43.785 đồng. Khoản này được thu đầu năm cho cả năm (12 tháng) với số tiền là 525.420 đồng.
6. Tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường
Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Với cấp THCS: Dao động từ 6.000 đồng - 26.000 đồng/học sinh/tiết, tùy số lượng học sinh.
7. Khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường
Trong trường hợp ngân sách nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được hết các nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị, các trường được huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh.
Khoản tiền này sẽ chi vào mua điều hòa, máy chiếu, mic cài cho cô giáo, rèm, sơn sửa lớp... Các thiết bị này được mua từ năm lớp 1 và những năm sau được dùng lại.
8. Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu
Mỗi học sinh cần phải mua ít nhất 1 bộ đồng phục mùa hè, 1 bộ đồng phục mùa đông, 1 bộ thể dục thể thao, áo khoác mùa đông. Số tiền dao động 700.000 - 1 triệu đồng/học sinh.
9. Sổ liên lạc điện tử
Sổ liên lạc điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin giữa nhà trường tới gia đình một cách chủ động, nhanh chóng, hiệu quả nhất.
Số tiền duy trì sổ liên lạc điện tử tùy theo mỗi trường, có thể đóng hàng tháng hoặc đóng cả năm dao động từ 200.000 - 600.000 đồng/năm.
10. Quỹ phụ huynh trường, lớp
Ngoài số tiền cần mua đồ dùng cho con, đóng cho trường, cha mẹ cũng cần chuẩn bị một khoản để đóng làm Quỹ phụ huynh trường và lớp, dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu mỗi năm, tùy theo nhu cầu sử dụng từng trường, từng lớp. Số tiền này sẽ được thống nhất và đóng vào buổi họp phụ huynh đầu năm.