Yêu là một môn nghệ thuật, chúng ta cần phải học tập thì mới nắm bắt được nó. Mỗi người cha người mẹ phải thông qua quá trình tìm tòi và nỗ lực mới hiểu được thế nào là yêu.
Trái tim nhầm chỗ đặt lên đầu
Không khó để bắt gặp tình trạng đối nghịch tại các gia đình Việt hiện nay: Cha mẹ quá yêu con nhưng lại không biết cách yêu con đúng cách. Biểu hiện điển hình là không ít phụ huynh rơi vào thế bị động trong giáo dục gia đình, dù dành tất cả tình yêu thương cho con nhưng đáp lại, những gì họ nhận được vô cùng khiêm tốn. Tại sao cha mẹ càng hiểu, càng chăm bẵm, càng đáp ứng đòi hỏi của con, con càng không hiểu cha mẹ, thậm chí còn giày vò họ?
Tại sao người trẻ, con cái thời này không hiểu cha mẹ mình? Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc chính các bậc phụ huynh chưa cho con em mình cơ hội hiểu cha mẹ. Với mức sống của người dân cao hơn trước, nên cha mẹ ra sức bảo vệ, che chở cho con, đáp ứng tất cả các yêu cầu của con, không để cho chúng phải khổ như thời của mình. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy, tuy có rất nhiều ưu điểm như, chỉ số IQ cao, tự tôn cao, tự tin cao… nhưng cũng tồn tại không ít nhược điểm.
Các bậc cha mẹ Việt Nam có thể nói là những người kiên trì "đặt mình vào vị trí của trẻ" nhất, thấu hiểu mong muốn của trẻ nhất, họ hoàn toàn chiều theo ý con để thể hiện tình yêu thương vô bờ bến mà mình dành cho chúng. Phương thức biểu hiện là: "Con thích cái gì cha mẹ đều đáp ứng. Muốn tiền cho tiền, muốn đồ cho đồ. Cho càng nhiều càng chứng tỏ tôi yêu con sâu sắc."
Chính điều này làm những đứa trẻ không có cơ hội hiểu sự vất vả, khó nhọc của cha mẹ, không có cơ hội cảm nhận hạnh phúc của cha mẹ không dễ gì có được, không có cơ hội bồi đắp lòng biết ơn đối với cha mẹ và xã hội, thiếu tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ.
"Đặt mình vào vị trí của trẻ" là kết quả của khoa học quan sát trẻ em, nó cho thấy xã hội ngày nay tôn trọng và thấu hiểu cuộc đời của con trẻ. Đây cũng là nội dung được các sách hướng dẫn nuôi dạy con viết khá nhiều. Tuy nhiên quan niệm "đặt mình vào vị trí của trẻ" lại bị hiểu lệch lạc.
Phương pháp này khuyến khích các bậc phụ huynh bước vào thế giới nội tâm của con, phải làm bạn với con và ngồi xuống nói chuyện với con trên cơ sở coi trọng cá tính của con nhưng không xúi giục phụ huynh cho con "đè đầu cưỡi cổ".
Chiều con cũng là một cách xoa dịu bản thân
Một nguyên nhân khác là trong các gia đình đông con trước đây, sự chú ý của cha mẹ bị phân tán vì phải chia đều cho các con. Còn trong các gia đình một hoặ hai con hiện nay, cả nhà đều hướng sự chú ý của mình vào chúng. Nó là đứa con duy nhất, đồng thời cũng là hy vọng duy nhất, tương lai duy nhất của cả nhà
Các bậc cha mẹ ngày nay từng sống trong hai thái cực nghèo khổ và sung túc. Mấy chục năm trước, kinh tế Việt Nam vẫn ở giai đoạn lạc hậu, bao cấp cha mẹ muốn chiều chuộng con cũng không có điều kiện, vật chất, ăn uống vui chơi đều tương đối thiếu thốn. Còn trong xã hội hiện nay, kinh tế phát triển vượt bậc, vì thế chúng ta lại ra sức bù đắp cho con cái.
Nhất là những bậc cha mẹ thuở nhỏ không được hưởng thụ những gì mình mong muốn, nên bây giờ họ có một ý nghĩ mãnh liệt là bù đắp cho đứa con duy nhất của mình. Không riêng gì những gia đình khá giả mới đáp ứng mọi đòi hỏi của con, mà cả gia đình chỉ có điều kiện kinh tế bình thường cũng thắt lưng buộc bụng để cho con có một cuộc sống đầy đủ hơn.
Trong tiềm thức, các bậc cha này coi con cái là hiện thân của mình hồi nhỏ, thỏa mãn quá mức yêu cầu của con cũng là cách họ bù đắp cho những thiếu thốn trước đây của mình. Có thể nói, cha mẹ bù đắp kiểu này, tuy nhận được sự an ủi nhưng lại làm hại con.
Có một cương vị cao cấp mà bạn không cần dựa vào bằng cấp để đạt được, đó là cương vị làm mẹ. Rất nhiều cha mẹ dựa vào "thực chiến" để thay thế các phương pháp nuôi dạy con cái, tự mình mò đá qua sông, nhưng đến khi sang đến bờ bên kia họ thường tiếc bờ bên này. Các bậc phụ huynh không tránh khỏi nuối tiếc, bởi tình yêu là vô tận.
Erich Fromm, nhà tâm lý học Mỹ từng nói một câu như sau: Yêu là một môn nghệ thuật, chúng ta cần phải học tập thì mới nắm bắt được nó. Mỗi người cha người mẹ phải thông qua quá trình tìm tòi và nỗ lực mới hiểu được thế nào là yêu. Như vậy tri thức có khả năng thay đổi số phận, nếu như chúng ta nắm vững tinh hoa chân chính của quan niệm giáo dục gia đình thì có thể thay đổi vận mệnh của cả gia đình, cả đất nước.