Với những người lần đầu làm mẹ thì việc con tự dưng quấy khóc mỗi khi thấy mẹ luôn làm các mẹ bối rối, không rõ lý do tại sao. Dưới đây là những giải đáp cho các mẹ lưu ý.
Rất nhiều mẹ phải thừa nhận rằng, con sơ sinh đang ngoan ngoãn nhưng cứ nhìn thấy mẹ thì lại quấy khóc buộc mẹ phải yêu thương mới chịu.
Chúng ta vẫn thường hay nghe gia đình “mắng” rằng: “Nó chơi ngoan cả ngày đến khi vừa thấy mẹ xuất hiện là hỏng ngay”. Bạn tự nghiệm lại thì quả thật là đúng như vậy. Và bạn không phải là người mẹ duy nhất gặp tình huống này. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Tâm lý Đại học Washington trên 500 gia đình và kết luận trẻ luôn hư hỏng hơn khi có mẹ xuất hiện, và đối với trẻ dưới 10 tuổi, tỉ lệ xảy ra là cao gấp đôi.
Giáo sư Tâm lý học về hôn nhân và gia đình K.P Leibowitz đã chia sẻ về cuộc nghiên cứu: “Chúng ta có thể thấy rằng một đứa trẻ 8 tháng tuổi chơi đùa rất vui vẻ nhưng chỉ cần thấy bóng dáng mẹ, 99.9% trẻ sẽ khóc toáng lên, và cần sự chú ý của mẹ ngay lập tức. 0,1% còn lại là trẻ có tầm nhìn hạn chế nhưng một khi nghe thấy tiếng mẹ là liền ném mọi thứ trên tay đòi mẹ ngay. Đó là sự thật”.
Còn theo blogger, đồng thời cũng là một người mẹ Kate Baltrotsky, chị cũng gặp tình trạng tương tự như thế. Và sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, chị kết luận rằng bởi vì mẹ là nơi an toàn nhất đối với trẻ. “Mẹ là nơi trẻ có thể tìm đến khi gặp bất cứ vấn đề gì. Nếu bạn không giúp trẻ cảm thấy khá hơn thì ai có thể?”, chị Kate chia sẻ.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu hơn, bạn là “nhà máy xử lý cảm xúc”, nơi giải quyết những nỗi khó chịu, bực bội, lo âu của trẻ. Khi trẻ được trông giữ cả ngày, chúng sẽ rơi vào cảm giác khó chịu. Và ngay giây phút nhìn thấy bạn, chúng hiểu rằng giai đoạn khó chịu ấy đã qua đi. Điều đó sẽ dẫn đến việc con khóc lóc, rên rỉ để nhận được sự chú ý của mẹ, để được sà vào lòng mẹ ngay và được mẹ ôm lấy ôm để.
Bé muốn được bế
Trẻ thơ cần âu yếm. Trẻ thích được nhìn ngắm khuôn mặt bố mẹ, nghe giọng nói của bố mẹ, lắng nghe nhịp đập trái tim và thậm chí có thể phát hiện được cả mùi đặc trưng của bố mẹ nữa.
Và khi trẻ khóc, chúng ta cũng có thể hiểu rằng trẻ muốn được bố mẹ bế bồng.
Có thể các bậc bố mẹ sợ con sẽ hư nếu ôm ấp con quá nhiều. Nhưng thực tế là trong một vài tháng đầu sau sinh, điều này là không thể.
Nếu muốn bế con nhưng để đôi tay vẫn được nghỉ ngơi đôi chút, bố mẹ có thể thử sử dụng các loại đai địu em bé.
Bé mệt
Bé rất khó ngủ khi cảm thấy trong người mệt mỏi. Lúc đó bé cần sự giúp đỡ từ mẹ để nhanh chóng đi vào giấc ngủ.
Bé cảm thấy không khỏe
Hãy theo dõi để biết được những thay đổi của bé. Nếu bé cảm thấy không khỏe trong người sẽ khóc nhiều hơn bình thường. Và không ai hiểu được cảm giác này của bé ngoài mẹ. Chính vì thế bé mong nhận được “sự đồng cảm” từ mẹ.
Trẻ muốn được chú ý nhiều hơn
Một đứa trẻ “lắm nhu cầu” luôn hào hứng với việc khám phá thế giới.
Và thường cách duy nhất để bé không khóc lóc và cáu kỉnh là luôn để trẻ hoạt động. Điều này hoàn toàn có thể làm các ông bố bà mẹ kiệt sức!
Bố mẹ có thể địu con, lập kế hoạch trước thật nhiều hoạt động cho con.
Bên cạnh đó, có thể tổ chức đi chơi với các gia đình khác cũng có em bé nhỏ, đến những địa điểm thích hợp cho trẻ như sân chơi gần nhà, bảo tàng cho trẻ em hoặc sở thú.
Dù vậy, bạn cũng nên thừa nhận rằng, giây phút con gào khóc đòi bạn cũng chính là khoảnh khắc bạn cảm thấy thoải mái nhất sau một ngày làm việc mệt mỏi. Vậy bạn sẽ xử lý thế nào khi rơi vào tình huống đó? Quát nạt con, bảo con im ngay à? Đừng đừng, đừng làm như thế. Thay vào đó, bạn nên tạo một không gian an toàn để con có cơ hội thể hiện cảm xúc tự nhiên này.
Đây là cách cực kì quan trọng để trẻ sống theo cảm xúc, lý trí của mình. Rõ ràng rằng khi con trưởng thành, bạn vẫn muốn con tôn trọng cảm xúc của chính mình, phải không? Vì thế, hãy xem đây là một dấu hiệu tốt, rằng con yêu và cần bạn hơn bất kì điều gì.