Biết con không được bình thường như những đứa trẻ khác, chị Lê vẫn luôn kề bên và thậm chí đánh đổi nhiều thứ để sát cánh cùng con theo đuổi ước mơ.
- Nhất quyết không chịu đến trường, bé trai 8 tuổi trèo lên mép tòa nhà 33 tầng và đứng khóc lóc sụt sùi
- Người mẹ chia sẻ về cuộc sống trong mơ của trẻ em ở Nhật Bản: Không có bài tập về nhà, không cảm thấy áp lực khi đi nhà trẻ
Tấn Khuông (13 tuổi) mắc hội chứng tăng động giảm chú ý và hội chứng Asperger, được coi là một dạng tự kỷ "chức năng cao", gặp khó khăn khi hiểu ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể. Chị Lê đã từ bỏ công việc ổn định là nhân viên văn thư lưu trữ để toàn tâm chăm sóc Tấn Khuông, nhưng do áp lực tinh thần quá lớn khiến chị mắc bệnh trầm cảm. Sau khi khắc phục bệnh tình, chị từng bước nuôi dạy con trưởng thành, đồng thời khai phá tiềm năng hướng con theo đuổi ước mơ.
Khi Tấn Khuông tròn 3 tuổi, Chị Lê nhận thấy con là một đứa trẻ hiếu động. Chị Lê cho biết: "Tôi luôn cảm thấy cạn kiệt năng lượng mỗi khi chăm sóc con. Tinh thần và cuộc sống của tôi đều gặp nhiều khó khăn".
Tấn Khuông rất hiếu động và kích động nên em thường kéo theo những rắc rối không mong muốn. Tấn Khuông có những hành vi khiến chị Lê lo lắng như em quấy rầy người xung quanh hoặc gây ra những sự cố như đi lạc tại nhà ga, siêu thị.
Chị Lê nhớ lại: "Có lần Tấn Khuông đột nhiên đâm sầm vào cửa kính khiến các thực khách bên trong nhà hàng sợ hãi. Có thực khách mắng mỏ con bằng những ngôn từ rất khó nghe. Mặc dù tôi cảm thấy bất lực và khó chịu, nhưng tôi không còn cách nào ngoài xin lỗi và nhanh chóng đưa con rời khỏi đó".
Dần dà việc dẫn con ra ngoài chơi khiến chị Lê gặp áp lực về tinh thần. Chị Lê bày tỏ: "Mỗi lần nghĩ đến việc dẫn con ra ngoài chơi, tôi đều cảm thấy khủng hoảng, tâm lý nặng nề như đá tảng, ngay cả thở cũng không nổi".
Khi Tấn Khuông tròn 6 tuổi, em được chẩn đoán mắc hội chứng tăng động giảm chú ý và hội chứng Asperger. Chị Lê cần người tâm sự, nhưng khi đó chồng của chị Lê không thể chấp nhận sự thật là con mắc bệnh. Ngay cả họ hàng cũng chỉ trích chị không biết dạy con. Chị Lê gặp áp lực về tinh thần, chị bắt đầu hoài nghi khả năng làm mẹ của chính mình và sau cùng mắc bệnh trầm cảm.
Chị Lê giãi bày: "Thời điểm đó, tôi không dám dẫn con đi bất cứ đâu. Ngày lễ hoặc kỳ nghỉ, tôi thường tự nhốt mình trong nhà và không tiếp xúc với người ngoài. Cho dù họ hàng mở tiệc tụ họp, tôi cũng không muốn đi".
Chị Lê có lẽ mãi chìm đắm trong cảm xúc vô vọng và tiêu cực, cho đến một hôm, bỗng một suy nghĩ lóe lên khiến chị nhìn nhận lại mọi chuyện. Chị Lê cho biết: "Đột nhiên tôi nghĩ đến con, con sắp vào tiểu học và tương lai của con sẽ đối mặt với nhiều trở ngại. Nếu tôi trốn tránh vấn đề, con cũng sẽ chạy trốn giống như tôi".
Chị Lê bắt đầu thay đổi lối sống và suy nghĩ trở nên tích cực. Chị dẫn con đi xem phim, thư viện, đi du lịch khắp nơi.
Khi Tấn Khuông đi học nhà trẻ và lên cấp tiểu học. Em đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến giao tiếp xã hội và khả năng tập trung. Đôi khi, em không thể bày tỏ suy nghĩ của bản thân và diễn đạt sai khi vận dụng ngôn ngữ cơ thể. Nhiều phụ huynh và học sinh phản ánh với nhà trường và cô lập em, họ gắn em với biệt danh "đứa trẻ hư hỏng". Hành động của họ khiến Tấn Khuông trở nên tự ti và thất vọng, chị Lê chính là người mẹ, đồng thời trở thành người dạy kèm hướng dẫn con học, giao tiếp và bày tỏ suy nghĩ.
Ngoài việc học và trò chuyện với con, chị Lê khuyến khích và bồi dưỡng con ở nhiều lĩnh vực như cưỡi ngựa, học đàn, vẽ truyện tranh. Chị Lê cho biết: "Tôi phát hiện con có sở thích đọc sách và thường đặt những câu hỏi kì lạ. Tôi khuyến khích con đến thư viện mượn sách, trau dồi sở thích đọc sách và tự viết tác phẩm của chính mình".
Hiện nay, Tấn Khuông đã sáng tác 4 tác phẩm bao gồm truyện trinh thám, khoa học viễn tưởng, tham gia các cuộc thi sách tranh và đạt nhiều giải thưởng.
Nhìn về quá khứ, chị Lê cảm thán: "Con khiến tôi nhận ra nhiều bài học bổ ích trong cuộc sống. Chỉ cần kiên trì nhất định sẽ có hy vọng, con là nguồn động lực giúp tôi khắc phục khó khăn và dũng cảm đối mặt thử thách. Tôi cảm thấy may mắn vì đã luôn sát cánh bên con, mặc dù con là một đứa trẻ tự kỷ nhưng con có khả năng và tố chất bẩm sinh, điều này tùy thuộc ở tôi và những bậc cha mẹ biết cách khai phá tiềm năng của con".
Hiện nay, Tấn Khuông đang theo học tại một trường nội trú. Sau khi lên trung học, tính cách của em không còn kích động và trở nên ổn định. Em biết quan tâm và hiểu mọi người xung quanh, thành quả nuôi dạy con ngày hôm nay khiến chị Lê cảm thấy rất an lòng và mãn nguyện.