Thời tiết se lạnh, ngồi trong căn phòng ấm cúng thưởng thức hương vị ngọt từ xương, nồng từ sả và chua cay tròn vị trong nồi lẩu Thái thì còn gì bằng? Vậy bạn đã biết cách nấu lẩu Thái này chưa?
- Cuối tuần nấu ngay nồi lẩu cá khoai thơm ngon đặc biệt đãi cả nhà
- Làm lẩu bò nhúng chuẩn nhà hàng cho gia đình cùng thưởng thức
Lẩu Thái chua cay không còn xa lạ với ẩm thực Việt Nam, nhưng cách nấu lẩu Thái như thế nào cho tròn vị không phải ai cũng biết. Cùng bắt tay vào bếp với món lẩu Thái chua cay này nhé!
Chuẩn bị nguyên liệu nấu lẩu Thái chua cay
Để có được món lẩu ngon, bạn cần có đủ các nguyên liệu sau:
- Xương ống: 1kg.
- 5 nhánh sả.
- 1 củ hành tây.
- 5 quả cà chua.
- 2 quả chanh.
- Gia vị: Gia vị nấu lẩu Thái, nước mắm, nước tương, đường, dầu mè.
- Ớt, hạt mè rang, củ riềng, lá chanh.
- Bắp cải, cải thảo, nấm rơm, ngô ngọt, rau các loại.
- Đậu phụ.
- Thịt bò.
- Tôm, cá viên, ngao.
- Mì ăn liền hoặc bún, miến.
Lưu ý: Nguyên liệu các bạn điều chỉnh sao cho vừa với số người ăn.
Cách nấu lẩu Thái chua cay
Sơ chế nguyên liệu
- Rửa sạch cải thảo, cắt miếng dài khoảng 5cm.
- Ngô ngọt rửa sạch, cắt khúc dài khoảng 4cm.
- Rau cải các loại, nấm rơm rửa sạch, vớt ra rổ để ráo nước.
- Đậu phụ cắt thành từng miếng vừa ăn.
- Thịt bò thái mỏng xếp ra đĩa, trang trí thêm cho đẹp mắt.
- Tôm cắt bỏ phần đuôi và râu, sau đó rửa sạch xếp ra đĩa.
- Chanh vắt lấy nước cốt. Hành tây, ớt, sả, riềng rửa sạch cắt thành miếng nhỏ. Cà chua đem thái múi cau.
Làm nước lẩu Thái
Dẫu là món lẩu dễ nấu nhưng cách nêm nếm gia vị để có được nồi lẩu Thái chuẩn vị không hề đơn giản.
- Cho xương ống vào nồi cùng khoảng 3 lít nước, đun sôi lên trong vòng 1 tiếng. Trong quá trình đun, nước xương ống sủi bọt thì lấy thìa vớt bọt ra.
- Vớt xương ống ra, cho riềng, ớt, lá chanh, sả, hành tây, cà chua vào cùng.
- Cho 2 thìa cà phê gia vị lẩu Thái, 5 thìa nước mắm và 1 thìa nước cốt chanh, 1 thìa nước tương, dầu mè, đường vào nồi lẩu.
- Khi nồi lẩu sôi thêm lần nữa, vớt một ít cà chua ra ép nhuyễn rồi đổ lại vào nồi cho màu sắc bắt mắt hơn. Sau đó cho thêm nhiều ớt để tạo độ cay mà không cần đến mùi nồng của sa tế.
Thưởng thức lẩu Thái
Bắc ra bếp ăn lẩu, trang trí đẹp mắt. Khi nồi lẩu sôi, cần cho ngao vào đầu tiên để làm ngọt nước sau đó nhúng dần các nguyên liệu khác, đợi đến khi sôi rồi thưởng thức.
Một số lưu ý:
- Lẩu Thái có vị đặc trưng là chua và cay nên sẽ không thích hợp với những người đang bị bệnh dạ dày.
- Những người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp hay mỡ máu cao cũng không nên ăn.
Còn bây giờ, bạn chần chừ gì nữa mà chúng ta không bắt tay vào chuẩn bị ngay một nồi lẩu Thái thơm ngon tuyệt đỉnh cho gia đình mình phải không nào? Chúc các bạn thành công!