Những hiểu sai cơ bản trong quá trình ngâm đào của chị em khiến đào kém giòn đều được cô nàng Thùy Dung chỉ ra dưới đây.
- Cứ tiếp tục mắc sai lầm này khi sử dụng lò vi sóng đi, "tiền mất tật mang" là cái chắc chắn!
- Làm cánh gà om, thật sai lầm khi đổ coca vào trực tiếp, thêm 2 bước này đảm bảo ngon
Sự xuất hiện của các loại quả trong mùa hè như dâu tằm, mận, mơ, sấu, đào... khiến chị em nội trợ phát cuồng vì có thể biến chúng thành các loại nước giải khát thơm ngon, mát lạnh, hấp dẫn cho gia đình thưởng thức. Hiện tại, cách làm đào ngâm được nhiều người tìm hiểu nhất vì đang đào đang vào chính vụ. Ngâm đào không khó nhưng không phải ai cũng biết cách, nhất là trong quá trình ngâm, nhiều chị em còn hiểu sai về các bước khiến đào ngâm chưa được ngon giòn. Vì vậy mà mới đây, cô nàng Thùy Dung (26 tuổi, Hà Nội) đã chỉ ra những lỗi sai này cho chị em nội trợ.
Thùy Dung giới thiệu mình từng học chuyên hóa nên hiểu rất rõ các nguyên lý trong việc ngâm đào. Cô chia sẻ, khi ngâm đào, nhiều chị em nghĩ rằng việc ngâm nước đá hoặc cho đào vào ngăn đá để đào được giòn hơn nhưng điều này không đúng bản chất. Theo Thùy Dung, nếu đã thích đào giòn thì không nên đun lâu để rồi lại đem làm lạnh, việc này không giúp miếng đào giòn trở lại.
Cô nàng giải thích miếng đào ngâm được giòn là do đường đã rút bớt nước trong quả đào, đào mất nước chỉ còn lại phần thịt rắn thì sẽ giòn hơn.Chẳng hạn với mứt đào, khi nước trong quả đào rút hết thì nó sẽ trở nên dai và cứng. Như vậy bản chất của việc muốn đào ngâm được giòn chúng ta phải chọn quả đào tươi ngon, vừa chín tới, không quá chín sẽ bị nhũn.
Ngoài ra, cô khẳng định, sau khi luộc đào, cho đào vào nước đá hay cho vào ngăn đá/ngăn mát tủ lạnh để đào được giòn là sai. Bản thân cô đã kiểm chứng, sau khi chần sơ đào, không cho đào tiếp xúc bất kì nước đá hay tủ lạnh đào vẫn giòn tan.
Cô nói thêm, việc ngâm đào vào nước đá cũng làm cho đào bị nhiễm khuẩn trở lại nhưng việc lên màng khi ngâm đào nguyên nhân chính là do nước đường. Đường chính là chất bảo quản để đào được cách ly khỏi vi khuẩn nên đủ đường và bảo quản đào trong tủ lạnh thì vẫn sẽ không bị lên màng. Thùy Dung mách thêm, đào phải luôn được đè xuống dưới mực nước ngâm và nước ngâm đủ lượng đường thì đào sẽ sợ có màng.
Thùy Dung còn nhắc lại việc luộc đào như nhiều chị em vẫn làm là không cần thiết, hơn nữa nếu luộc lâu sẽ khiến đào bị chín quá, càng mất giòn. Do đó, cô hướng dẫn, chỉ cần chần sơ cho các miếng đào được sát khuẩn. Còn đào khi gặp đường sẽ rút bớt nước, săn lại và giòn.
Bên cạnh việc hiểu sai về cách làm cho đào giòn, Thùy Dung còn nhận thấy nhiều chị em hiểu sai khi cho rằng đào lòng vàng sẽ giòn hơn đào mỏ quạ (loại có lông tơ). Tuy nhiên, thực tế, nếu ngâm đào lòng vàng, màu sẽ đẹp và bắt mắt hơn chứ không quyết định độ giòn hơn đào lông.
Dưới đây là cách ngâm đào và pha trà đào của Thùy Dung, chị em có thể tham khảo:
Chuẩn bị:
- 2,4kg đào quả cho ra 2kg ruột đào sau khi tách hạt
- 1kg đường phèn
- 5 quả quất
- Muối ăn
- 1 lít nước
Cách làm:
- Đào tách đôi, tách 4 vừa ăn, thả ngay vào chậu nước muối loãng pha chút quất hoặc chanh tươi để miếng đào không bị thâm rồi gọt vỏ.
- Cho 300gr đường phèn cùng 100 ml nước trắng, khuấy nhẹ cho đường tan và nấu trên lửa, nấu cho đến khi đường chuyển màu cánh gián. Vắt thêm ít quất cho thơm.
- Đường sau khi thắng xong đổ vào 900ml nước trắng và 700g đường phèn còn lại, đun thật sôi thì thả đào vào. - Nấu đào cùng nước đường, nếu muốn ăn giòn thì chần sơ từ 1-2 phút, muốn ăn mềm hơn thì luộc khoảng 5-7 phút.
- Sau khoảng thời gian này, vớt đào ra một bát để riêng, nước đường để riêng cho nguội. Vì đào chỉ chần sơ nên rất giòn nên không phải cho vào ngăn đá.
- Chờ cho nước đường nguội hẳn thì cho nước đường vào đào vào hũ và ngâm.
Lưu ý, phải đè đào xuống mực nước ngâm, để đào không bị mốc. Để đào ngâm ở nhiệt độ phòng 1 ngày rồi cho ngăn mát bảo quản là ăn được luôn.