Khi vợ mang thai và nghén nặng, nhiều người chồng cũng có biểu hiện tương tự như ốm nghén. Triệu chứng này ở đàn ông được gọi là hội chứng chồng nghén thay vợ. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
- Vì sao bà bầu nên uống nước chanh trong thai kỳ?
- Những dấu hiệu mẹ ít sữa sau sinh, cần biết để duy trì nguồn thức ăn cho con
Hội chứng chồng ốm nghén thay vợ là gì?
Hội chứng chồng nghén thay vợ hay còn gọi là mang thai đồng cảm là khái niệm mô tả tình trạng mà trong đó những người đàn ông hoàn toàn khỏe mạnh nhưng khi vợ đang mang thai lại xuất hiện các triệu chứng liên quan đến thai kỳ, tương tự như ốm nghén ở phụ nữ.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc này tương đối phổ biến đối với cánh mày râu, tuy nhiên đây không phải là một triệu chứng tâm thần thực thể hay là một loại bệnh được công nhận.
Nguyên nhân của hội chứng này là gì?
Hiện nay vẫn chưa có lời giải thích nào thực sự rõ ràng cho hiện tượng này.
Một nghiên cứu gần nhất từ trường Đại học Memorial ở Canada, người chồng và người vợ sẽ có mức độ hormone prolactin và cortisol tương đối bằng nhau vào thời điểm trước khi em bé chào đời.
Những ông bố xuất hiện triệu chứng mang thai đồng cảm có nồng độ prolactin cao hơn và sự suy giảm testosterone cũng lớn hơn. Sự gia tăng nồng độ prolactin có lẽ đã làm gia tăng mối liên kết giữa 2 cá thể riêng biệt là 2 vợ chồng.
Do đó các nhà nghiên cứu cho rằng những thay đổi hormone này đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành hội chứng chồng nghén thay vợ.
Biểu hiện của mang thai đồng cảm
Lo lắng
Khi vợ mới mang thai, đàn ông dù cứng rắn nhất cũng phải mất ngủ, xuất hiện ợ nóng và mệt mỏi trong. Nguyên nhân có lẽ do đa số đàn ông đều có khả năng chia sẻ những khó khăn, nhọc nhằn cùng đối tác của mình.
Buồn nôn
Bị ốm nghén không phải là triệu chứng chỉ có ở các mẹ. Mặc dù triệu chứng kinh điển này là do lượng hormone tăng lên khi mang thai, đàn ông cũng có thể ốm nghén và phải chạy vào nhà vệ sinh để nôn.
Nếu ở các mẹ, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai là thủ phạm thì ở các bố là do những lo lắng cũng như thay đổi trong chế độ ăn uống.
Thay đổi tâm trạng
Do lượng hormone thay đổi nên khi mang thai, tâm trạng của các mẹ bầu cũng thay đổi nhanh như chong chóng. Tính khí của các mẹ có thể là vui buồn lẫn lộn, khi thì ưu tư lo lắng, lúc thì ngọt ngào, cáu kỉnh và các bố cũng có thể giống như vậy.
Thay đổi ham muốn tình dục
Khi mang thai, ham muốn của phụ nữ có thể cao hơn hoặc ở mức bình thường hoặc cả 2. Trong khi một số người lại có nhu cầu tăng cao, đặc biệt là từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6, số khác lại cảm thấy rất uể oải, khó chịu hoặc rất muốn được quan tâm, vỗ về.
Ở đàn ông thì lại rất khó đoán. Một số ông bố cảm thấy phấn khích trước sự thay đổi của vợ, số khác lại cảm thấy họ cần phải giữ gìn cho vợ và con mình. Cũng có người cảm thấy hào hứng khi có em bé, người lại thấy kiệt sức khi nghĩ đến chuyện ấy.
Thay đổi cân nặng
Cùng nhau ăn vặt có thể là một nguyên nhân. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính. Khả năng cao thủ phạm chính là cortisol, loại chất được tiết ra khi căng thẳng. Cortisol điều chỉnh lượng insulin và đường huyết nên cơ thể bạn có cảm giác đói. Cortisol cũng ảnh hưởng đến khẩu vị và làm tích mỡ ở vòng bụng.
Đau nhức toàn thân
Các ông chồng có thể bị đau răng, đau lưng, đau đầu, chuột rút ở chân, và đau ở nhiều bộ phận khác khi vợ mang bầu. Thậm chí là nhiều người còn cảm thấy đau nhức ở bộ phận giống như ở vợ mình. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể giải thích được hiện tượng này.
Lời khuyên cho các cặp vợ chồng khi gặp hội chứng này
Các chuyên gia tâm lý đều đồng ý rằng, các cặp vợ chồng nên trao đổi về tương lai của con thường xuyên, mục đích là làm giảm áp lực về vai trò làm bố, làm mẹ. Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến khích các ông chồng nên nhìn nhận vai trò và trách nhiệm của mình một cách tích cực hơn khi vợ mang thai.
Một phương thức điều trị hiệu quả đối với tình trạng chồng nghén thay vợ là làm cho người chồng cảm nhận được vai trò quan trọng của mình bằng cách tham gia các lớp học đặc biệt về nuôi dạy con hoặc hỗ trợ khi vợ sinh và sau sinh.
Đặc biệt hơn, việc dành thời gian để chuẩn bị cho quá trình sinh nở của vợ, chăm nom vợ bầu, cũng như tìm hiểu cách trở thành một ông bố tốt có thể giúp tránh đi phần nào cảm giác lo lắng sợ hãi khi hiện tượng chồng ốm nghén thay vợ diễn ra.