Thai chết lưu làm tăng nỗi lo cho sản phụ lẫn người thân bởi ý nghĩ đang mang một xác chết trong bụng. Tuy nhiên, thực tế nó không gây nguy hiểm đến tính mạng trừ khi xuất hiện các biến chứng.
- Sinh khó do kẹt vai - Tai biến sản khoa đáng sợ và bi thảm nhất
- Mẹ bầu phải nhớ những điều kiện sau để được hưởng chế độ thai sản mới áp dụng từ 1/7
Đôi điều về hiện tượng thai chết lưu
Thuật ngữ thai chết lưu (Stillbirth) là nói về thai chết và lưu trong bụng sau 20 tuần mang thai. Tỉ lệ mắc bệnh vào khoảng 1/160 ca, thường xảy ra trước khi bắt đầu vượt cạn. Cũng có trường hợp xảy ra trong lúc sinh đẻ. Việc xác định chính xác thời gian thai nhi tử vong là khó khăn bởi không có dấu hiệu đặc trưng, sản phụ thường có cảm giác thai không “máy”, thúc đẩy như mọi khi. Chu kỳ ngủ - thức, chuyển động của thai nhi bất thường nên người trong cuộc nghi ngờ. Tuy nhiên, để khẳng định chính xác hiện tượng thai chết lưu phải chờ đến khi đi khám và có kết luận của bác sĩ.
Thông thường, nếu thai chết ở độ tuổi thai càng cao thì thời gian lưu lại trong tử cung càng ngắn. Quá trình sảy thai hoặc đẻ của thai chết lưu cũng giống như các ca bình thường nhưng thời gian dọa sảy thai và chuyển dạ thường dài hơn và máu ra nhiều hơn. Điều nguy hiểm nhất đối với ca thai chết lưu là ối vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ, vì khi màng ối rách, vi khuẩn sẽ thâm nhập vào buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Chưa hết, khi thai chết, lưu lại quá lâu trong dạ con (3 - 4 tuần trở lên) có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu và gây băng huyết nặng ở sản phụ sau sảy thai hoặc đẻ.
Nguyên nhân và cách chẩn đoán
Dị tật bẩm sinh: khoảng 15 - 20% trẻ sơ sinh chết non là do có một hoặc nhiều dị tật bẩm sinh. Hội chứng Down là một ví dụ phổ biến gây biến chứng thai chết lưu.
Các vấn đề nhau thai: một trong những vấn đề về nhau thai thường gặp là nhau bong non, trong đó các lớp mặt nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh, gây chảy máu trầm trọng. Đây là một trong những sự cố đe dọa tính mạng thai nhi, gây tử vong do thiếu oxy. Nhóm người hút thuốc, người nghiện ma túy thường có nguy cơ thai chết lưu cao nhất.
Tăng trưởng thai nhi kém: thai nhi phát triển chậm, chiếm 40% nguy cơ thai chết lưu. Phụ nữ hút thuốc lá, mắc bệnh huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu .
Nhiễm trùng: nhiễm trùng ở các bà mẹ, ở thai nhi hoặc nhau thai chiếm 10 - 25% số ca thai chết lưu.
Các điều kiện sức khỏe mãn tính ở người mẹ: như mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tăng đông máu (thrombophilia), bệnh thận, cao huyết áp thai kỳ chiếm tỉ lệ 10% số ca thai chết lưu.
Sự cố dây rốn: những sự cố liên quan đến dây rốn gây cạn kiệt dưỡng khí cho thai nhi, chiếm 2 - 4% số ca thai chết lưu.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân phổ biến khác như trẻ mắc bệnh Rh (tán huyết ở trẻ sơ sinh ), thai bị ngạt. Tuổi mang thai cao (trên 35 tuổi), mẹ béo phì, đa thai (sinh đôi hoặc đa sinh), mẹ bị nhiễm độc thai nghén không được điều trị kịp thời, sản phụ bị nhiễm các bệnh do ký sinh trùng như sốt rét, nhiễm khuẩn (giang mai...), nhiễm virút (viêm gan, quai bị, cúm…) cũng làm tăng tỉ lệ thai chết lưu. Trong thực tế, khoảng 20 - 50% số ca thai chết lưu lại không tìm thấy nguyên nhân, mặc dù đã áp dụng các kỹ thuật thăm khám hiện đại.
Siêu âm (USG) hoặc kiểm tra siêu âm có thể giúp xác định thai chết lưu. Đôi khi siêu âm (USG) không phát hiện nhịp tim thai nhi. Vì vậy, nếu thấy cần phải xét nghiệm máu người mẹ để tìm ra nguyên nhân. Một khi đã phát hiện thấy thai chết lưu thì phải tính đến giải pháp cho thai ra. Một số trường hợp cần sinh ngay vì lý do y tế, nhưng cũng có trường hợp phải chờ cho đến khi bắt đầu chuyển dạ, thường xảy ra sau hai tuần thai chết. Trong quá trình chờ đợi, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. Nếu không tự sinh được có thể phát sinh cục máu đông, trong trường hợp này nên áp dụng thủ thuật thúc sinh bằng các loại thuốc. Hoóc-môn oxytocin thường được tiêm tĩnh mạch để kích thích co thắt tử cung. Nên tránh mổ lấy thai, trừ khi không sinh được bằng đường âm đạo hoặc nguy cơ đe dọa tính mạng sản phụ cao.
Sau khi thai nhi ra đời, nhau thai và dây rốn được loại bỏ và tiến hành kiểm tra cẩn thận để xác định nguyên nhân. Theo chuyên môn, nên khám nghiệm tử thi và phân tích nhiễm sắc thể. Các xét nghiệm này có thể cung cấp đầu mối quan trọng về nguyên nhân gây thai chết lưu, nó rất hữu ích trong trường hợp các cặp vợ chồng có kế hoạch sinh con tiếp.
Cách phòng tránh
Phải nói ngay rằng, nhờ tiến bộ y học, sự cố thai chết lưu đã giảm đáng kể từ thập niên 50 ở thế kỷ trước, nhất là công tác theo dõi và điều trị kịp thời các loại bệnh đi kèm như cao huyết áp và tiểu đường thai kỳ, duy trì lối sống, ăn uống khoa học và tích cực. Khi mang thai, người mẹ và em bé cần được theo dõi thường xuyên bằng các thủ tục y tế như siêu âm và kiểm tra phụ khoa khác. Nếu người mẹ cảm thấy thai nhi hoạt động kém hay ngưng, chảy máu âm đạo, thì nên đi tư vấn và khám bác sĩ ngay. Rất có thể là do nhau thai bong non, nếu mổ lấy thai kịp thời có thể cứu sống được em bé.
Bệnh Rh là một trong những nguyên nhân gây thai chết lưu rất tiềm ẩn, căn bệnh này có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêm sản phụ có Rh âm tính một mũi globulin miễn dịch ở tuần mang thai thứ 28 và nếu em bé có Rh dương tính, thì người mẹ được tiêm thêm một mũi globulin miễn dịch Rh sau khi sinh.
Phụ nữ có thai không nên áp dụng chế độ ăn uống tiết thực hoặc cố gắng ăn uống ép buộc để giảm cân, nhưng nên duy trì trọng lượng cơ thể ngưỡng tối ưu, hợp lý. Tránh xa thuốc lá, ma túy hoặc rượu để giảm thiểu biến chứng sản khoa cho chính bản thân. Đối với các cặp vợ chồng sau khi đã qua sự cố muốn sinh con tiếp thì nên tư vấn bác sĩ để có sức khỏe tốt trước khi thụ thai.