Không tiếc tiền đầu tư và cố gắng uống nhiều sắt để mong con khỏe, Hà My (Thái Bình) phải đến gặp bác sĩ khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường.
- Dấu hiệu nhận biết thai chết lưu
- 4 thói quen gây sảy thai: Mẹ bầu thương con cần phải tuyệt đối tránh xa
Mang thai lần đầu, Nguyễn Hà My (24 tuổi, ở Thái Bình) rất lo lắng. Cô lên mạng tìm hiểu nhiều thông tin và cho rằng việc bổ sung sắt rất quan trọng cho cả mẹ lẫn con. Do đó, ngay từ khi mới có thai, cô đã mua cùng lúc nhiều loại sắt về uống, kèm theo chế độ ăn gồm nhiều thực phẩm bổ sung sắt.
My không tiếc tiền đầu tư và cố gắng bổ sung sắt tới khi bị táo bón nặng kèm theo đau lưng, nôn ói, khó thở mới đi khám bác sĩ. Lúc này, bác sĩ kết luận My bị thừa sắt do tự ý bổ sung quá liều.
Bác sĩ Trần Vũ Quang, khoa Sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), cho biết trường hợp trên không phải là hiếm. Thậm chí, nhiều người mang thai lần 2, lần 3 vẫn gặp những sai lầm này trong việc bổ sung sắt, canxi, vitamin. Điều này xuất phát từ suy nghĩ phụ nữ chửa đẻ bao giờ cũng thiếu hụt sắt, canxi nên “phòng hơn chống”, uống vào chỉ có tốt chứ chẳng gây hại gì. Sai lầm đó không chỉ tồn tại ở những vùng nông thôn còn lạc hậu mà ngay ở các thành phố lớn, nhiều chị em có trình độ học vấn cao vẫn mắc phải.
Theo bác sĩ Vũ Quang, trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần 1000 mg sắt để làm tăng khối lượng máu mẹ, cung cấp máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh.
Sắt là nguồn nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, làm cho hồng cầu có màu đỏ, giúp vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể người mẹ và thai nhi. Sắt cũng là thành phần của hemoglobin, có trong các mô cơ, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của mô cơ, bằng cách kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Đặc biệt, đối với những người phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Bà mẹ mang thai bị thiếu máu nhẹ có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xạnh nhợt nhạt hoặc rụng tóc. Nặng hơn có thể bị ngất, sảy thai, đẻ non, nhiễm trùng hậu sản hoặc tai biến sản khoa nguy hiểm nhất là tử vong do băng huyết sau sinh.
“Sắt có vai trò rất quan trọng đối với thai phụ, nhưng các bà mẹ tuyệt đối không được sử dụng bừa bãi, lạm dụng. Bởi tác hại của việc thừa sắt cũng nguy hiểm không kém việc thiếu sắt”, bác sĩ Vũ Quang khuyến cáo.
Bà bầu bổ sung sắt quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ đái tháo đường. Bởi lượng sắt dư thừa ở tuyến tụy sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất insulin khiến tăng lượng đường trong máu, dẫn đến việc bà bầu gặp phải bệnh tiểu đường thai kỳ. Căn bệnh này khiến cho thai nhi khi sinh ra hay bị vàng da, hệ hô hấp khó hoàn thiện, chưa kể bà bầu có nguy cơ sinh non.
Bà bầu thừa sắt thường dẫn tới bệnh viêm khớp do chất này làm tổn thương các mô, phá hủy lớp bao phủ xương nên dẫn tới tình trạng đau lưng, nhức mỏi chân… trong thai kỳ.
Khi bổ sung quá liều lượng sắt cần thiết, bà bầu sẽ đối diện với nguy cơ bị ngộ độc với những triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, người xanh xao, tim đập nhanh bất thường, sốt…
Sai lầm này còn khiến cho thai nhi phát triển khó khăn do quá trình tạo máu bị cản trở vì lượng sắt tự do trong máu tăng. Trẻ sinh ra dễ bị nhẹ cân, sinh non, nặng nhất là gây tử vong cho cả mẹ và con.
“Nếu bổ sung sắt nếu quá nhiều, bà bầu dễ bị tiêu hóa, đầu tiên là táo bón, điều này không đơn giản là khó chịu sinh hoạt mà còn tăng nguy cơ dọa sảy, dọa đẻ non với các bà bầu mắc bệnh lý”, bác sĩ Vũ Quang khuyến cáo.
Chuyên gia này khuyến cáo các bà bầu nên bổ sung sắt hợp lý theo đơn kê của các bác sĩ chuyên khoa sản. Lượng khuyến cáo thích hợp chỉ khoảng 27-60 mg mỗi ngày.