Các chuyên gia của Khoa Y tế Cộng đồng Milman thuộc trường Đại học Columbia và Đại học Texas (Mỹ) đã chỉ ra rằng tình trạng thừa cân của mẹ ảnh hưởng đến sức khỏe của con sau này.
- Thường xuyên đi siêu âm thai nhưng lại không làm xét nghiệm đường huyết, sản phụ mất con ở tuần 34 thai kỳ
- Mẹ bầu Thái Bình mang thai 7 tháng đẹp xuất sắc, thần thái ngời ngời đập tan quan niệm cứ bầu bí là ngoại hình "tuột dốc"
Hiện nay, vẫn có rất nhiều người quan niệm rằng mang thai là phải ăn cho hai người, không những phải ăn đồ bổ béo mà còn phải ăn nhiều gấp đôi để mẹ khỏe con khỏe. Vì thế, không hiếm các trường hợp mẹ bầu tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai.
Theo các bác sĩ, việc tăng cân quá nhiều khi đang mang thai tiềm ẩn rất nhiều bệnh nguy hiểm như tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao, tiền sản giật. Không chỉ vậy, theo một nghiên cứu của một nhóm các chuyên gia của Khoa Y tế Cộng đồng Milman thuộc trường Đại học Columbia và Đại học Texas (Mỹ) đã chỉ ra rằng tình trạng thừa cân của mẹ còn ảnh hưởng đến sức khỏe của con sau này.
Mẹ tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng đến trí thông minh và kỹ năng vận động của con
Cụ thể, các khoa học đã nghiên cứu 368 bà mẹ và con của họ, từ khi bắt đầu mang thai cho đến khi những đứa trẻ lên 3 và 7 tuổi. Tất cả các đối tượng nghiên cứu đều cùng thuộc một tầng lớp xã hội, có mức sống và trình độ ngang nhau. Các nhà nghiên cứu sẽ quan sát chế độ dinh dưỡng của người mẹ trong khi mang thai, rồi họ tổ chức kiểm tra các kỹ năng vận động của trẻ khi được 3 tuổi. Bốn năm sau, các nhà nghiên cứu tiếp tục cho trẻ kiểm tra vận động 1 lần nữa.
Các kết quả cho thấy những đứa trẻ có mẹ béo phì trong thời kỳ mang thai có kỹ năng vận động chậm hơn so với bạn cùng lứa. Khi được kiểm tra lại lần nữa vào năm 7 tuổi, người ta còn phát hiện ra rằng con trai của những bà mẹ thừa cân có chỉ số thông minh (IQ) thấp hơn 5 điểm so với những đứa trẻ có mẹ có cân nặng bình thường.
Như vậy có thể kết luận rằng, khi bắt đầu mang thai, các mẹ bầu nên chú ý đến chế độ ăn uống nghỉ ngơi của mình sao cho hợp lý, đừng để bản thân tăng cân quá nhiều hoặc quá ít. Điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.
Vậy mức tăng cân chuẩn trong quá trình mang thai là bao nhiêu?
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, do tình trạng thai nghén, nhiều mẹ bầu ít tăng cân hoặc không tăng cân, nhưng nhìn chung vẫn tăng được khoảng đến 2 kg. Còn trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 thì các mẹ nên duy trì mức tăng 0,4kg/tuần đối với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai. Nếu mẹ nào có cân nặng thấp hơn chuẩn thì nên tăng 0,5kg/tuần, còn mẹ nào thừa cân thì nên hạn chế chỉ tăng 0,3kg/tuần.
Như vậy, mức tăng cân hợp lý cho thai phụ là:
- Khoảng 11,3 - 16 kg với thai phụ có cân nặng trung bình trước khi mang thai.
- Khoảng 12,7 - 18,3 kg với thai phụ nhẹ cân trước khi mang thai.
- Khoảng 7 - 11,3 kg với thai phụ thừa cân trước khi mang thai
- Khoảng 16 - 20,5 kg trong trường hợp thai phụ mang song thai.