Vào những ngày Tết, mẹ bầu ăn nhiều khiến cho cân nặng tăng lên nhanh chóng, gia tăng nguy bị đái tháo đường thai kỳ.
- Mẹ bầu uống nước ép trái cây hay ăn trực tiếp trái cây tốt hơn?
- Uống nước ngọt khi mang thai có hại không?
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh.
Biến chứng của tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm đối với cả mẹ và thai nhi. Nguyên nhân chính xác của tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được biết, nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng khi mang thai sự bài tiết các hormon liên quan đến thai như Lactogen, Estrogen, Progesteron, Prolactin do nhau thai tiết ra gây kháng insulin gây tăng đường máu. Nồng độ các hormone tăng dần theo trọng lượng thai dẫn đến tiểu đường thai kỳ.
Chia sẻ về chủ đề này, Ths.Bs. Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết, theo truyền thống của người Việt, thực phẩm trong các bữa ăn ngày Tết thường không cân đối, rất dễ khiến mọi người tăng cân và bị tiểu đường.
Mất kiểm soát chế độ ăn uống ngày Tết khiến mẹ bầu dễ tăng cân và bị tiểu đường (Ảnh minh họa)
“Ngày Tết thường có bánh chưng, xôi, thịt mỡ; nhiều món ăn rán, xào, nấu; cùng các đồ ngọt như mứt, bánh, kẹo,… Đây đều là những món ăn không thực sự tốt về mặt dinh dưỡng, đặc biệt với những người có nguy cơ bị tiểu đường.
Mẹ bầu lại là đối tượng rất dễ bị tiểu đường, bởi trong quá trình mang thai làm cho hoocmon tuyến tụy (insulin) nhậy cảm hơn và hoạt động ngày càng kém khi tuổi thai càng tăng. Đây là lý do vì sao tuổi thai càng lớn thì nguy cơ tiểu đường của người mẹ càng tăng lên”, Ths.Bs. Phan Chí Thành chia sẻ.
Hiện nay, tỷ lệ người phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ rơi vào khoảng 30 - 40%, con số này đã tăng lên rất nhiều so với trước kia. Với quan niệm mang thai là phải được bồi bổ khiến nhiều phụ nữ mang thai ăn rất nhiều, đặc biệt là vào những ngày Tết khiến cho cân nặng gia tăng nhanh chóng, sau Tết đi xét nghiệm mới tá hỏa phát hiện mình bị tiểu đường.
Cũng theo vị chuyên gia, cần phân biệt rõ mẹ bị tiểu đường trước đó rồi sau mới mang thai và bà mẹ bị tiểu đường trong quá trình mang thai hay tiểu đường thai kỳ. Nếu mẹ bầu bị tiểu đường từ trước hoặc trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh.
Còn bị tiểu đường thai kỳ thường xảy ra từ giữa quý 2 - cuối quý 3 và cuối thai kỳ, mẹ bầu có hiện tượng tặng tiết insulin, rối lọan dung nạp đường, đường máu tăng cao làm thai to và dư ối, trong khi hệ thống hô hấp và tuần hoàn của thai nhi lại kém phát triển, nên sau sinh thai nhi hay bị suy hô hấp và tụt đường máu.
Khoảng 30 - 40% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ (Ảnh minh họa)
“Khi thai tăng trưởng quá mức là hậu quả của quá trình tăng vận chuyển glucose từ mẹ vào bé. Lượng glucose này đã kích thích tụy của thai nhi bài tiết insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng của thai nhi, kích thích thai phát triển.
Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh, vấn đề này chiếm tỷ lệ khoảng 15-25% ở trẻ cơ sinh của các thai kỳ có đái tháo đường. Nguyên nhân thường do gan thai nhi đáp ứng kém với glucagon, gây giảm tân tạo glucose từ gan”, Ths.Bs. Phan Chí Thành phân tích.
Ths.Bs. Phan Chí Thành cũng cho biết, thai nhi sẽ dễ bị hội chứng nguy kịch hô hấp, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm tỷ lệ 30% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có đái tháo đường. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 10% nhờ có các phương tiện đánh giá độ trưởng thành của phổi thai nhi.
Ngoài ra, thai phụ bị chứng tiểu đường thai kỳ thì trẻ sinh ra dễ bị vàng da, gia tăng tần suất trẻ béo phì. Khi lớn, trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn tâm thần - vận động.
Trẻ sinh ra từ các bà mẹ đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần những người bình thường.