Phụ nữ mang thai cực nhạy cảm, chính vì thế sự vô tâm trong giao tiếp có thể khiến bà mẹ tương lai buồn phiền, cáu kỉnh nhiều hơn.
- Tại sao phụ nữ cho con bú nên tránh ăn cam quýt, anh đào, mận?
- Mách mẹ cách trị đau đầu khi mang thai an toàn, cực dễ lại hiệu quả
Mang thai là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng, chính vì vậy mà trong suốt thời kỳ thai nghén, phụ nữ thường rất hay khó chịu, nóng giận, cáu gắt một cách thường xuyên hơn. Thay đổi tâm trạng khi bắt đầu mang thai do căng thẳng, mệt mỏi hay thay đổi hormone là điều rất bình thường. Theo một cuộc điều tra, có khoảng 14 đến 23% các bà mẹ khi mang thai đối mặt với khủng hoảng cực độ.
Chình vì những lí do này mà các bà mẹ tương lai càng phải lưu ý để kiểm soát và giữ tâm trạng thoải mái, đảm bảo sức khỏe tinh thần ổn định cho cả mẹ và thai nhi. Sau đây là 11 điều mà phần lớn các mẹ bầu cực ghét khi nghe tới hoặc nhắc tới, bất cứ ai trong chúng ta cũng nên suy xét kĩ trước khi trò chuyện với phụ nữ có thai, nhất là trong dịp năm mới để tránh "dông" cả năm.
1. Tất cả các thể loại "Cấm..."
Những cụm từ như cấm ăn, cấm uống, cấm làm... đều là những điều mà mẹ bầu nào cũng không mấy vui vẻ khi nghe tới. Đơn giản là bởi vì bản thân người mẹ biết rõ hơn ai hết những điều tốt nhất và nên tránh để giữ một thai kì an toàn và khỏe mạnh. Các chuyên gia, bác sĩ cũng sẽ là người thông báo cho mẹ bầu biết nên và không nên ăn gì, làm gì. Vì vậy, nếu bạn không phải bác sĩ chuyên khoa thì đừng đưa ra những lời cấm đoán vô căn cứ nhé.
2. Nhắc nhở không nên lo lắng
Phụ nữ mang thai luôn thường trực tâm trạng lo lắng cho đứa con tương lai liệu bé khỏe mạnh và chào đời an toàn hay không. Bên cạnh đó, người mẹ cũng đang trải qua sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Chính vì vậy, nếu bạn muốn làm cho mẹ bầu thoải mái hơn thì tốt nhất là chỉ cần tránh nói những lời nhắc nhở như vậy bởi họ chỉ có thể làm ngược lại mà thôi.
3. "Có thai chứ có phải bị ốm đâu"
Đây lại là một câu nói ngớ ngẩn nhất trong dịp đầu năm. Vậy xin hỏi là tại sao người phụ nữ lại được "chẩn đoán" là có thai? Có con là một niềm vui và ao ước của nhiều người, nhưng người phụ nữ cũng phải đánh đổi không ít sức khỏe và cả việc ngoại hình biến dạng để đón con yêu chào đời khỏe mạnh.
4. Những câu hỏi bất lịch sự về sức khỏe sinh sản
Không phải ai cũng sẵn sàng thảo luận, trò chuyện công khai về sức khỏe sinh sản của mình với người khác, ví dụ như khả năng đậu thai, phương pháp thụ tinh... Vì vậy những câu hỏi bất lịch sự liên quan tới chủ đề này sẽ chỉ khiến mẹ bầu thêm căng thẳng và cáu kỉnh hơn mà thôi.
5. "Bụng to vậy!"
Thông thường, sau khi mọi người nói điều này, họ sẽ cố chạm vào bụng của mẹ bầu. Nhưng nếu bạn không phải là người thân của mẹ và em bé tương lai, xin đừng làm điều này. Phụ nữ có bản năng làm mẹ và họ không muốn người lạ chạm vào đứa con còn chưa chào đời của họ. Bản thân người mẹ cũng tự biết kích thước bụng của mình, và không cần ai khác phải nhắc lại điều này thêm.
6. Sự so sánh khập khiễng
Rất nhiều chị em phụ nữ tâm sự rằng họ cảm thấy bối rối và càng lo lắng khi những người xung quanh liên tục so sánh việc mang thai. Những câu nói như: "Lúc tôi có thai, bụng tôi không chảy xệ như vậy; Khi mang thai, tôi không làm như vậy…" tạo cảm giác bất an cho người mẹ, bởi suy nghĩ việc mang thai của mình là bất thường, em bé không được ổn cho lắm. Và kể cả khi bác sĩ khẳng định không vấn đề gì thì cũng tạo tâm lý lo sợ, vốn không tốt cho mẹ và bé.
7. Cho quần áo trẻ con
Chúng ta cần hết sức thận trọng khi muốn cho đồ hoặc giúp đỡ người khác. Thông thường những người mới làm mẹ lần đầu sẽ muốn được tự tay mua cho con những món đồ, những bộ quần áo mới và phù hợp với truyền thống gia đình. Vậy nên có người sẽ cho rằng bạn chỉ đang muốn tống khứ những món quần áo cũ lâu ngày cho khỏi chật nhà mà thôi.
8. Đoán giới tính của bé
Nhiều người có thói quen nhìn bụng để đoán giới tính thai nhi vì họ cho rằng họ có kinh nghiệm và con mắt tinh tường. Nếu vậy thì người mẹ đâu cần đi khám thai, đâu cần bác sĩ tư vấn. Hầu hết người mẹ khi mang thai đều đã biết giới tính của con, và thật nực cười khi ai đó cứ cố tình phán đoán, và lại còn đoán sai.
9. Câu hỏi về tên của bé
Hỏi tên bé chỉ nên là chủ đề của những người bạn thân thiết và họ hàng gần gũi trong gia đình. Đây cũng là vấn đề cá nhân cho nên nếu bạn không phải là người thân của mẹ và bé, đừng đặt câu hỏi về vấn đề này. Đôi khi người mẹ cũng không muốn chia sẻ vì lí do tín ngưỡng. Chúng ta cần tôn trọng và tránh gây phiền toái.
10. "Chắc muốn nghỉ sinh lắm rồi phải không?"
Câu hỏi này đồng nghĩa với việc bạn đang đánh giá thấp năng lực người mẹ chỉ vì lí do mang thai. Nếu công việc vẫn ổn thì đây là câu hỏi ngớ ngẩn và gây ác cảm hơn là chia sẻ đấy.
11. "Chắc là thèm ăn mặn lắm!"
Câu nói tưởng cảm thông này lại vô tình khiến mẹ bầu ái ngại và bối rối vì khẩu vị khi mang thai thay đổi hơn so với trước kia. Hơn nữa, mẹ bầu cũng cần hạn chế ăn mặn để bảo vệ sức khỏe trong thai kì.
Và ngay cả sau khi sinh, người mẹ cũng vô cùng kị với những câu nói vô duyên như: "Bao giờ thì đẻ tiếp?; Ăn ít thế thì lấy đâu ra sữa?…". Chúng ta, những con người thời văn minh, hiện đại, hãy tạo cho mình văn hóa giao tiếp thông minh và khéo léo hơn nhất là trong dịp đầu năm mới này. Người phụ nữ vốn đã và đang gánh vác thiên chức cao cả là sinh ra thế hệ tiếp sau khỏe mạnh.