Phụ nữ mang bầu ai cũng muốn ăn thật nhiều để em bé có đủ dưỡng chất, bụ bẫm, khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu tăng cân quá nhiều trong những tháng cuối thai kỳ lại là dấu hiệu bệnh lý mà bà bầu nào cũng cần phải biết.
- Vỡ thai ngoài tử cung nhưng lại tưởng bị... viêm dạ dày
- Dị tật thai nhi do mẹ thường ăn những thực phẩm này trong giai đoạn đầu của thai kỳ, mẹ nắm để tránh
Lấy nhau được gần 10 năm, chị Hương (Ba Đình-Hà Nội) mới mang thai. Vì hiếm muộn nên gia đình nhà chồng chị Hương cưng con dâu hết mực. Hễ chị Hương thèm ăn uống gì là chồng chị đáp ứng ngay tức khắc.
Chỉ trong 6 tháng đầu, chị Hương tăng 9kg, tháng thứ 7 đi khám thai, chị Hương đã tăng đến 16kg. Trái với thái độ phấn khởi của vợ chồng chị Hương, sự tăng cân quá nhiều trong những tháng cuối thai kỳ cộng với biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu và phù chân của chị Hương đã khiến các bác sỹ nghi ngờ đến khả năng nhiễm độc thai nghén. Sau khi làm xét nghiệm thử nước tiểu, chị Hương nhận được kết luận là tiểu đường thai nghén.
Theo BS Thu Thủy, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nếu 3 tháng cuối thai kỳ có dấu hiệu tăng cân bất thường, nhức đầu, phù chân thì sản phụ cần phải đến ngay các cơ sở y tế khám vì đây là những dấu hiệu bất thường.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tăng cân quá nhanh trong 3 tháng cuối thai kỳ, cụ thể là quá 2kg mỗi tháng hoặc trên 1kg mỗi tuần là dấu hiệu đáng báo động vì đó là dấu hiệu bệnh lý như phù hoặc cao huyết áp.
Các dạng phù bà bầu hay mắc phải trong trường hợp này là phù trắng, phù mềm, phù từ chân đến mắt hoặc phù tăng vào buổi sáng hay chỉ đơn giản là phù chân do bị chèn ép ở tháng cuối sẽ được bác sỹ kết luận sau khi thử nước tiểu. Nếu trong 3 tháng cuối có những biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, phù chân cần phải nghĩ ngay đến khả năng nhiễm độc thai nghén.
Vậy tăng cân ở bà bầu như thế nào là chuẩn? Thông thường ở các nước Châu âu thường khuyến cáo bà mẹ nên đạt từ 11-16kg. Nhưng ở Việt Nam, khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng mức tăng cân của bà mẹ mang thai trong thời gian 9 tháng lý tưởng nhất là từ 10-12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng từ 4-5kg và 3 tháng cuối tăng từ 5-6kg. Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4kg thì người mẹ có nguy cơ đẻ bị đẻ non hoặc suy dinh dưỡng bào thai, đứa trẻ thường chỉ đạt cân nặng dưới 2.5kg. Nếu bà mẹ tăng quá nhiều lại sinh ra những đứa trẻ thừa cân và có nguy cơ phải mổ đẻ.
Phụ nữ mang thai tăng từ 15kg trở lên dễ sinh con thừa cân (trên 3,8kg nếu trẻ sơ sinh chào đời đủ tháng). Hầu hết trẻ sơ sinh vượt ngưỡng cân nặng này đều phải được chăm sóc theo dõi chặt chẽ trong những ngày đầu. Trẻ sơ sinh càng to thì khả năng phải mổ đẻ của người mẹ càng cao, kéo theo việc mẹ chậm có sữa nuôi con, phải dùng sữa ngoài khiến sức đề kháng của trẻ yếu. Vi vậy, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo bà mẹ tăng từ 10 -12 kg là lý tưởng nhất, vì ở độ cân nặng này sẽ đảm bảo đứa trẻ sinh ra đạt cân nặng ở mức độ 3kg. Điều này có lợi ở chỗ giúp bà mẹ có đủ lượng mỡ dự trữ góp phần tạo sữa cho con bú.