Gặp họa vì không kiêng cữ sau sinh

Mẹ bầu 26/07/2019 13:00

Theo các chuyên gia, phụ nữ sau khi sinh, đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ, nếu không được nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể một cách tốt nhất thì rất dễ bị suy nhược cơ thể, thiếu máu và gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe về sau.

Gặp họa vì không kiêng cữ sau sinh - Ảnh 1

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ sau sinh cần được nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể để tránh gặp các bệnh sau sinh. Ảnh minh họa

Sức khỏe giảm sút do không kiêng cữ sau sinh

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa cấp cứu cho một bệnh nhân nữ (45 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị sa toàn bộ âm đạo, trực tràng. Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ hai vào năm 2001, vì nhà neo người nên khi từ bệnh viện về nhà, người này đã phải tự nấu ăn, giặt quần áo và làm các việc nhà. Thời gian sau, bệnh nhân bắt đầu thấy “nặng nề” ở vùng âm đạo và hậu môn nhưng không đi khám vì thấy ít ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tuy nhiên, gần đây, khối sa ngày càng lớn, gây khó khăn trong việc đi đại tiện, đôi khi đại tiện không tự chủ kèm dấu hiệu đau nhiều vùng âm đạo. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình lại tầng sinh môn cho bệnh nhân, đồng thời khuyến cáo các sản phụ không nên làm việc nặng quá sớm sau khi sinh con để tránh gặp tình trạng tương tự.

Thực tế, trường hợp sản phụ bị sa tử cung hay sa âm đạo sau sinh không phải là hiếm. Có nhiều phụ nữ cũng đã từng là “nạn nhân” của căn bệnh này. Chị Vũ Thị Thanh (quê Bắc Ninh) là một ví dụ. Theo lời kể của chị Thanh, lần sinh bé đầu cách đây 8 năm, chị kiêng cữ rất cẩn thận nên sức khỏe hồi phục nhanh. Thế nhưng, đến bé thứ hai, chị Thanh hầu như không còn “khái niệm” kiêng cữ sau sinh. Theo lời chị Thanh, chính bởi sự “xuề xòa” sau sinh nên chị đã và đang phải “gánh” hậu quả. Chị thường xuyên bị đái rắt, lại có cảm giác tức ở vùng kín, khi đi vệ sinh rất bất tiện. Không những thế, khi thấy vùng kín bắt đầu xuất hiện một cục thịt to sa xuống, chị Thanh thấy rất xấu hổ mỗi khi gần gũi với chồng. Điều này cũng khiến quan hệ giữa hai vợ chồng ngày càng xa cách. Cách đây 2 tháng, do không thể kéo dài tình trạng trên, chị Thanh đã quyết định đến bệnh viện khám và được biết, chị bị sa dạ con ở mức độ 2, cần sự can thiệp của các bác sĩ để xử lý khối sa.

Còn trường hợp của chị Thu Trang (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) vừa khổ sở vì bị sa dạ con vừa phải chịu đựng những cơn “rét run” giữa mùa hè. Theo chị Trang, chị sinh bé đầu lòng vào thời điểm đợt rét kỷ lục đầu năm nay. Do chủ quan không giữ ấm cơ thể sau sinh nên hiện tại, chị cảm thấy sức khỏe giảm sút một cách trầm trọng, lúc nào cũng thấy mệt mỏi. Dù hiện tại mùa hè nhiệt độ khá cao nhưng nhiều lúc chị vẫn cảm thấy “nổi da gà” và đặc biệt rất… sợ ngồi trong phòng điều hòa. Đi khám Đông y, chị được biết, mình bị nhiễm lạnh sâu, đã “ngấm” vào trong cơ thể, khó có thể trị khỏi hoàn toàn.

Cần nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể sau sinh

Theo các chuyên gia, phụ nữ sau khi sinh, đang trong giai đoạn nuôi con nhỏ, nếu không được nghỉ ngơi, bồi bổ cơ thể một cách tốt nhất thì rất dễ bị suy nhược cơ thể, thiếu máu và gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe về sau. Trong đó, sa tử cung (sa dạ con) là bệnh dễ gặp ở những phụ nữ phải lao động nặng nhọc, mang vác nặng quá sớm sau sinh.

BS Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng khoa Đẻ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, sa dạ con là bệnh thường gặp ở phụ nữ lứa tuổi 40 trở lên, nhưng cũng có thể gặp ở những người trẻ. Nguyên nhân là do đẻ nhiều lần, đẻ mau, khi đẻ không được đỡ an toàn, đúng kỹ thuật. Những người hay lao động nặng, hoặc làm việc nặng quá sớm sau sinh càng có nguy cơ gặp căn bệnh này.

Theo BS Nguyễn Văn Hà, sa dạ con khiến chị em rất khó chịu, cảm thấy nặng ở phần bụng dưới, đi tiểu khó, tiểu rắt, tiểu không tự chủ. Những biểu hiện này tùy vào tình trạng sa của từng người. Sa dạ con không nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, lao động hàng ngày. Bệnh lại thuộc diện “khó nói” nên nhiều chị em xấu hổ, ngại đi khám. Khi bệnh nặng, chị em mới đến bác sĩ khiến việc điều trị lâu, phải dùng nhiều biện pháp can thiệp mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ sau sinh trong thời gian cho con bú cần tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng. Hai thành phần chính cần lưu ý là protein và canxi. Nhu cầu protein mỗi ngày là 80 - 100g và cân đối protein có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng và sữa) lẫn nguồn gốc thực vật (đậu hũ, các loại đậu và ngũ cốc). Lượng canxi cần thiết mỗi ngày là 1.000mg, gấp đôi nhu cầu thông thường.

Việc ngủ đủ giấc cho bà mẹ sau sinh cũng là điều hết sức quan trọng. Ngoài việc cho con bú ngày và đêm, khoảng cách giữa các lần cho con bú, các bà mẹ nên ngủ. Sự cần thiết ở người thân trong gia đình cần hỗ trợ về mặt chăm sóc bé để cho mẹ ngủ là rất quan trọng. Trung bình mỗi ngày thời gian ngủ 8 - 9 tiếng. Trong thời gian ngủ ở các bà mẹ, cơ thể lấy lại sức khỏe, năng lượng và sự tiết sữa của tuyến vú. Đồng thời tránh được trầm cảm của bà mẹ sau sinh, cũng như tránh được sự ít sữa ở các bà mẹ. Hơn nữa, trong sinh hoạt hàng ngày, nên tránh nắng nóng hoặc gió lạnh. Phòng ngủ nên thoáng mát, dễ chịu, không bị ảnh hưởng của khói bụi, mùi hôi, tiếng ồn. Thường xuyên xoa ấm vùng bụng quanh rốn, đồng thời xoa bóp tay, chân, với liều lượng thích hợp, vừa phải để giúp khí huyết lưu thông, giúp ăn ngủ tốt hơn, phòng tránh nhiều bệnh tật.

BS Nguyễn Văn Hà tư vấn, để tránh mắc các bệnh sau sinh, chị em phải lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ, lao động nhẹ nhàng, tránh mang vác vật nặng trong thời gian ở cữ. Bên cạnh đó, cho con bú thường xuyên để giúp tử cung co bóp tống sản dịch ra ngoài và giúp tử cung co nhỏ lại, hạn chế tình trạng bị sa dạ con.

4 thói quen khi mang thai giúp bé sinh ra khỏe mạnh thông minh như thiên tài, mẹ bầu nào cũng nên biết

Những thói quen dưới đây khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu tăng cường giao lưu tâm tư tình cảm với em bé của mình, khiến bé sinh ra thông minh hơn.

TIN MỚI NHẤT