Đau bụng khi mang thai không phải hiện tượng hiếm nhưng trong nhiều trường hợp, đau bụng có thể là dấu hiệu cảnh báo thai kỳ đang gặp vấn đề.
- Chỉ bằng một củ gừng, bà bầu có thể chữa dứt điểm cơn cảm cúm
- Phụ nữ sau sinh nên ăn rau gì để sữa về ào ạt, giàu dinh dưỡng?
Một số triệu chứng đau bụng khi mang thai được coi như điều bình thường, bởi chúng là dấu hiệu cho những thay đổi bên trong cơ thể của mẹ, như phần tử cung được mở rộng ra hay các dây chằng được dãn nở thêm. Thậm chí một số trường hợp còn là dấu hiệu của chứng ốm nghén. Tuy nhiên, đôi khi đau bụng trong thai kỳ cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Dưới đây là một số chỉ dẫn mà các mẹ có thể tham khảo để giải mã những cơn đau bụng, xác định thời điểm cần gặp bác sĩ, và khiến những triệu chứng nhẹ hơn được trôi qua suôn sẻ.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÔ HẠI GÂY ĐAU BỤNG KHI MANG THAI
Từ táo bón đến đau vùng dây chằng vòng phần tử cung, chúng đều là những nguyên nhân gây đau bụng khi mang thai mà các mẹ không đáng phải lo, trừ khi chúng gây các triệu chứng như xuất huyết hay chuột rút mạnh đến mức cần sự can thiệp của bác sĩ.
Tử cung giãn nở
Tử cung khi giãn nở sẽ đè lên phần ruột, có thể dẫn đến các triệu chứng mà theo giáo sư sản phụ khoa Pattrick Duff của trường Đại học Florida là “gây buồn nôn, cảm giác đầy hoặc chướng bụng”. Giải pháp đẩy lùi cơn đau bụng này là ăn uống khoa học, chia làm nhiều bữa nhỏ, vận động và nghỉ ngơi điều độ và đặc biệt không được nhịn tiểu.
Đau vùng dây chằng
“Đôi khi nếu tử cung được mở rộng, nó sẽ đồng thời làm giãn nở các dây chằng vòng, 2 dây chằng lớn kéo dài từ tử cung đến phần háng”, giáo sư Duff cho biết. Các mẹ có thể cảm thấy điều này bằng những cơn đau âm ỉ từ vùng bụng dưới đến phần háng. Cơn đau thường sẽ trở nên dữ dội nếu mẹ chuyển tư thế nằm. Nó thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 2 và sau đó tự khỏi. Nhưng trong trường hợp cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm, các mẹ hãy nhờ bác sĩ điều trị bằng acetaminophen.
Táo bón và đầy hơi
Táo bón và đầy hơi cũng chỉ là những triệu chứng thông thường trong thai kỳ và chúng sẽ khiến mẹ cảm thấy đau tức bụng. Progesterone, một loại hormone thường được sản sinh nhiều khi mang thai, sẽ làm ứ trệ đường tiêu hóa, khiến thức ăn di chuyển qua đấy chậm hơn. Để tránh bị táo bón, các mẹ hãy uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ. Nếu những cách trên vẫn không hiệu quả, các mẹ hãy nhờ bác sĩ sản phụ khoa cho uống các loại thuốc làm mềm chất thải hoặc thực phẩm bổ sung chất xơ.
Cơn gò Braxton-Hicks
“Cơn gò Braxton Hicks thường không liên quan gì đến sự giãn nở vùng cổ tử cung. Chúng có thể hơi khó chịu, nhưng hoàn toàn vô hại”, giáo sư Duff cho biết. Điều quan trọng ở đây là cần phân biệt các cơn gò giả này với cơn gò thật báo hiệu sắp sinh. Những cơn co thắt thật sự thường theo chu kỳ và ngày càng nhanh cũng như mạnh hơn. Uống nhiều nước có thể làm giảm cơn gò giả, vì thế các mẹ hãy đảm bảo uống nhiều nước mỗi ngày. Nếu vẫn tiếp tục bị co thắt, hoặc các mẹ không chắc chắn mình đang chuyển dạ hay chỉ là cơn gò giả thì hãy gọi cho bác sĩ sản khoa.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN NGUY HIỂM GÂY ĐAU BỤNG KHI MANG THAI
Bên cạnh những cơn đau bụng vì nguyên nhân vô hại, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một số nguy cơ nguy hiểm sau đây.
Có thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng thụ tinh làm tổ ở bộ phận ngoài tử cung, hầu hết là ở ống dẫn trứng, và thường xảy ra ở 1 trên 50 mẹ bầu. Trường hợp mẹ bầu không may bị thai ngoài tử cung thường thấy cơn đau bụng dai dẳng từ giữa tuần mang thai thứ 6 và thứ 10, do ống dẫn chứng bị rối loạn.
Những mẹ có nguy cơ cao mắc thai ngoài tử cung thường là những mẹ có tiền sử thai ngoài tử cung hoặc từng phải phẫu thuật phần xương chậu, bụng hay ống dẫn trứng, từng bị mắc chứng nội mạc tử cung, từng phải thắt ống dẫn trứng hay mắc các bệnh truyền nhiễm vùng xương chậu. Tử cung có hình dáng không bình thường hay việc sử dụng các kỹ thuật sinh đẻ nhân tạo cũng có thể tăng nguy cơ bị thai ngoài tử cung.Những mẹ bầu bị thai ngoài tử cung cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức.
Sảy thai
Khi bị đau bụng ngay từ tuần thứ nhất, các mẹ hãy luôn luôn cảnh giác với nguy cơ bị sảy thai, bởi có một thực tế không mấy dễ chịu rằng có đến 15 đến 20% mẹ bầu trong trường hợp này bị sảy thai. Các dấu hiệu sảy thai bao gồm xuất huyết hoặc những co thắt bụng tương tự như khi đau bụng kinh.
Sinh non
Nếu mẹ đang phải trải qua những cơn co thắt thường xuyên trước thời điểm tuần mang thai thứ 37, và liên tục bị đau lưng, rất có thể mẹ có nguy cơ bị sinh non. Đừng chần chừ, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức. Chứng co thắt thường đi kèm hoặc không đi kèm với trào dịch vùng kín, xuất huyết hoặc làm giảm cử động của bé.
Vì thế, bác sĩ Linda Chambliss, trưởng khoa sản tại Bệnh viện và Trung tâm y tế St.Joseph tại Phoenix khuyến cáo các mẹ tốt nhất hãy gọi cho bác sĩ bất cứ khi nào có cơn cơn co thắt. Cho dù có là dấu hiệu đúng hay sai, phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh.
Bong nhau thai
Nhau thai chính là nguồn cung cấp oxy và dinh dưỡng cho bé. Nó thường được dính liền với thành tử cung và không thể bị tách rời cho đến khi bé được đẻ ra. Ở một số trường hợp hiếm gặp (thường chiếm tỉ lệ 1 trên 200 ca sinh đẻ), nhau thai có thể tự tách khỏi thành tử cung. Đây là một biến chứng nguy hiểm thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ 3. Bác sĩ Duff mô tả những cơn đau từ chứng bong nhau thai là rất “nghiêm trọng, dai dẳng, ngày càng chuyển biến xấu đi”.
Tử cung của mẹ sẽ bị cứng lại (nếu mẹ ấn vào bụng thì nó sẽ không thụt xuống). Máu của mẹ sẽ đậm lại và khó đông. Ở một số trường hợp, một số mẹ bị đứt nhau thai ngay khi vào phòng sinh, trường hợp này khiến các bác sĩ sản phụ khoa thường phải tiến hành đẻ mổ khẩn cấp. Nếu nhau thai chỉ bị đứt nhẹ, bác sĩ có thể cho phép mẹ tiếp tục mang thai hoặc đẻ thường. Các mẹ có nguy cơ cao mắc triệu chứng này thường có tiền sử bị bong nhau thai, hoặc từng bị huyết áp cao, tiền sản giật hoặc chấn thương phần bụng.
Tiền sản giật
Theo nghiên cứu của Quỹ phòng chống tiền sản giật Hoa Kỳ, tiền sản giật hoặc các chứng rối loạn huyết áp khác có thể bột phát vào bất cứ lúc nào kể từ tuần mang thai thứ 20. Đó là lý do vì sao các bác sĩ thường kiểm tra huyết áp của các mẹ trong mỗi buổi khám. Chúng thường được biểu hiện bởi lượng huyết áp và đạm tăng cao trong nước tiểu.
Huyết áp cao sẽ làm các mạch máu trong tử cung, vốn cung cấp oxy và dinh dưỡng cho bé, bị co lại, làm quá trình phát triển của bé chậm lại. Tiền sản giật cũng có thể làm tăng nguy cơ bong nhau thai, triệu chứng mà nhau thai bị đứt khỏi màng tử cung trước thời điểm sinh đẻ. Khi chứng tiền sản giật trở nên nghiêm trọng, nó có thể kéo theo những cơn đau ở vùng bụng trên cũng như các chứng buồn nôn, đau đầu, sưng tấy và rối loạn thị lực.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Có đến 10% số mẹ bầu bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở một số thời điểm khi mang thai. Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn tiểu đột ngột, tiểu buốt, tiểu rát, hoặc tiểu ra máu. Đôi khi một số bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu còn đồng thời bị bong nhau thai. Bác sĩ Chambliss cho biết: "Điều đáng lo về chứng nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai là nó có thể biến chứng thành nhiễm trùng thận, làm tăng nguy cơ sinh non.”
Đó là lý do vì sao các bác sĩ thường xét nghiệm nước tiểu của mẹ trong mỗi lần khám, nhằm mục đích kiểm tra có dấu hiệu vi khuẩn nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Điều may mắn là nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn có khả năng được điều trị bằng thuốc kháng sinh nếu được phát hiện kịp thời.
Viêm ruột thừa
Theo bác sĩ Duff, viêm ruột thường rất khó được xét nghiệm khi mang thai, vì “khi tử cung được giãn nở, phần ruột thừa thường được kéo lên tận vùng rốn hoặc lá gan. Sự bố trí bất thường này thường khiến chúng tôi lúng túng”.
Và vì việc xét nghiệm thường bị trì hoãn, đây là một trong những lý do vì sao các mẹ bầu thường có nguy cơ tử vong vì viêm ruột thừa cao hơn. Mặc dù dấu hiệu thường thấy của chứng viêm ruột thừa là đau phần bụng bên phải, các mẹ bầu sẽ cảm thấy đau ở phần cao hơn một chút. Các triệu chứng khác bao gồm chán ăn, buồn nôn, và nôn mửa.
Sỏi mật
Sỏi trong túi mật thường xảy ra phổ biến hơn với phụ nữ, đặc biệt với những ai bị thừa cân, ngoài 35 tuổi, hoặc có tiền sử mắc các bệnh về sỏi. Theo bác sĩ Chambliss, các cơn đau do sỏi mật thường rất đau đớn ở phần bụng phía trên bên phải. Trong một vài trường hợp, cơn đau có thể lan đến quanh vùng lưng hoặc dưới phần xương bả vai bên phải.
Khi nào mẹ nên gọi bác sĩ?
Mẹ bầu cần gọi bác sĩ khi thấy một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng có hoặc không xuất huyết trước tuần mang thai thứ 12.
- Xuất huyết hoặc bị chuột rút nhẹ.
- Bị co thắt suốt 2 tiếng, cứ mỗi tiếng lại có 2 cơn co thắt.
- Đau bụng dữ dội.
- Rối loạn thị lực.
- Đau đầu dữ dội.
- Sưng tấy phần tay, chân, hoặc mặt.
- Tiểu buốt, khó tiểu, hoặc tiểu ra máu.
Mẹ nên làm gì để giảm các cơn đau bụng khi mang thai?
- Ăn ít, chia làm nhiều bữa nhỏ.
- Tập thể dục thường xuyên, với cường độ vừa phải.
- Ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm các loại rau, quả, hoặc cám.
- Uống nhiều nước.
- Thường xuyên đi tiểu.
- Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều nhất có thể.