Các chuyên gia khuyến cáo, để giúp người phụ nữ tránh mắc các chứng trầm cảm trước và sau sinh, việc quan trọng nhất là giúp họ đảm bảo sức khỏe và luôn ổn định về mặt tâm lý. Tức là, tránh căng thẳng, stress hoặc bị rối loạn cảm xúc một cách tiêu cực dẫn đến việc không kiểm soát được hành vi, gây ra những hậu quả khó lường.
- Sau sinh con thứ 5, bà mẹ bỗng hóa điên tự tay đào mộ cho mình, không ăn, không ngủ
- Mẹ sinh mổ phải lưu ý 4 điều này để cơ thể nhanh chóng phục hồi sau sinh
Nhiều câu chuyện đau lòng
Gần đây, câu chuyện một cô giáo trẻ tại Hải Dương đang mang bầu đứa con đầu lòng ở tháng thứ 7 bỗng nhảy cầu tự tử đã khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo đó, nhiều nguồn tin cho rằng, có thể vì quá áp lực trong cuộc sống cộng với việc đang mang bầu nên nạn nhân bị trầm cảm, sinh ra nghĩ quẩn.
Hay mới đây nhất, vụ người phụ nữ sống tại khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) dùng dây lưng siết cổ con trai 8 tuổi và cháu gái 6 tuổi đến tử vong tại nhà riêng rồi tử tự nhưng không thành đã gây hoang mang trong dư luận. Điều đáng nói, người phụ nữ này đã từng có tiền sử mắc chứng trầm cảm, vừa được điều trị trở về cách đó không lâu.
Bên cạnh đó, dư luận cũng chưa quên vụ bà mẹ trẻ đã sát hại đứa con 33 ngày tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) một năm về trước. Vì bị trầm cảm sau sinh, người phụ nữ ấy đã sát hại con rồi dựng lên một màn kịch nhằm che giấu tội ác của mình.
Thực tế, đây chỉ là một vài vụ việc xảy ra trong số rất nhiều trường hợp mắc chứng trầm cảm. Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta khoảng 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, bệnh nhân trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, tập trung nhiều ở lứa tuổi thanh niên (16 - 27 tuổi) và người cao tuổi (60 - 65 tuổi). Trong đó, thường gặp ở những người ly thân, sau ly hôn, thất nghiệp, về hưu… Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm gấp 2 lần nam giới. Đáng chú ý, đa số bệnh nhân trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính, hay tái diễn.
Là người từng phải điều trị tâm lý vì bị trầm cảm ở mức nhẹ, chị N.T.T (32 tuổi, quê ở Hưng Yên) vẫn không thể quên được quãng thời gian sống trong khủng hoảng của mình. Chị T cho biết, khi ấy, chị đang mang bầu đứa con đầu lòng ở tháng thứ 4, cơ thể hay bị mệt mỏi, thường cáu gắt với những người xung quanh, nhất là đối với chồng chị.
Theo lời chị T từ khi có bầu, chị hay lo lắng một cách thái quá và luôn nhìn mọi việc theo hướng tiêu cực. Dù thời điểm đó còn cách khá xa ngày dự kiến sinh nhưng chị luôn nghĩ đến trường hợp xấu nhất có thể xảy ra đối với hai mẹ con chị. Chị tích cực đi khám nhiều đến mức không cần thiết. Chỉ cần có dấu hiệu mệt mỏi, chị lại cấp tốc tới bệnh viện để khám ngay. Rồi chị T lo đến chuyện chăm con sau này, làm cách nào để em bé được khỏe mạnh, không bị ốm đau, bệnh tật gì cả… Tất cả những vấn đề trên lúc nào cũng luẩn quẩn trong đầu chị khiến chị nơm nớp lo sợ đến mất ngủ.
Không những thế, từ khi có bầu, chị T cũng trở nên đa nghi hơn. Bất cứ khi nào chồng chị đi làm về muộn, chị T đều nghi ngờ chồng tranh thủ lăng nhăng bên ngoài. Dù chồng đã giải thích đó chỉ là phát sinh công việc ngoài giờ nhưng chị nhất quyết không tin. Chị tra khảo, chất vấn đủ kiểu, thậm chí xung đột với chồng cũng chỉ vì không giải tỏa được những bực bội, khó chịu trong lòng. Điều đó khiến chồng chị cũng cảm thấy ngột ngạt, cuộc sống hôn nhân gặp nhiều bế tắc. Cuối cùng, gia đình quyết định đưa chị T đến gặp bác sĩ tâm lý. Qua bài trắc nghiệm đánh giá, chị T được xác định mắc trầm cảm thể nhẹ. Rất may, chị được điều trị kịp thời và ổn định tâm lý trước khi sinh con. Hiện sức khỏe của chị T và con trai đầu lòng đều khỏe mạnh bình thường.
Chủ động phòng ngừa trầm cảm trước và sau sinh
Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), trầm cảm có thể gặp ở phụ nữ trước và sau khi sinh, trong đó, trầm cảm trước sinh ít gặp hơn trầm cảm sau sinh. Trầm cảm trước sinh diễn ra khi người phụ nữ đang mang thai phải chịu nhiều áp lực hoặc có nhiều lo lắng cho đứa trẻ trong bụng. Nếu sau khi sinh người phụ nữ phải kiêng khem quá mức, cách biệt với thế giới xung quanh, không nhận được sự chia sẻ, động viên từ người thân, họ sẽ phát sinh nhiều ý nghĩ tiêu cực, khả năng mắc trầm cảm sau sinh rất cao. Khi bị trầm cảm, người phụ nữ thường có các biểu hiện như: Buồn chán, mệt mỏi, hay suy nghĩ tiêu cực, mất ngủ. Với phụ nữ sau sinh, có thể không muốn chăm sóc con cái, thậm chí ghét nhìn thấy con hoặc có thể bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi nào đó.
TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress (Viện Sức khoẻ tâm thần) cho biết, trầm cảm trước sinh hay sau sinh, nếu được phát hiện sớm khi các triệu chứng còn nhẹ, người bệnh chỉ cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý như nhận thức hành vi, liệu pháp tâm lý gia đình mà không cần dùng thuốc. Nếu ở mức độ trầm cảm nặng thì phải dùng nhiều phương pháp như vừa dùng thuốc vừa dùng các phương pháp tâm lý và một số biện pháp hỗ trợ khác để điều trị. Trầm cảm hoàn toàn có thể chữa được giúp bệnh nhân tái hòa nhập với xã hội, cộng đồng.
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, để giúp phát hiện sớm trầm cảm, hiện nay, các nhà khoa học đã thiết kế các bộ công cụ, trắc nghiệm để người bệnh tự đánh giá xem mình có bị trầm cảm hay không. Hiện tại, có nhiều thang tự đánh giá như thang sàng lọc của PHQ9, thang HAM-D, thang đánh giá của Beck... Người bệnh có thể tự tìm trên Internet và làm đánh giá. Đây là những bộ trắc nghiệm tương đối tin cậy. Ngoài ra, với những phụ nữ đang mang thai, mỗi khi đi khám thai nên chia sẻ với bác sĩ sản khoa về tình trạng sức khỏe cũng như tâm lý của mình trong thai kỳ để được các bác sĩ đánh giá, tư vấn kịp thời nếu có dấu hiệu bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, để giúp người phụ nữ tránh mắc các chứng trầm cảm trước và sau sinh, việc quan trọng nhất là giúp họ luôn ổn định về mặt tâm lý. Tức là, tránh căng thẳng, stress hoặc bị rối loạn cảm xúc một cách tiêu cực. Do vậy, trong quá trình mang thai và sau khi “vượt cạn”, những người thân trong gia đình, nhất là người chồng cần động viên, quan tâm và san sẻ việc chăm sóc con cái đối với vợ. Riêng đối với bản thân, người phụ nữ phải luôn suy nghĩ lạc quan, ăn uống điều độ và giữ gìn sức khỏe thật tốt để tránh mệt mỏi, căng thẳng. Trong trường hợp thấy bản thân có những dấu hiệu lạ, thay đổi cảm xúc đột ngột hoặc tính khí thất thường, hay phiền não, khó chịu về những thứ xung quanh, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị sớm nếu có dấu hiệu bệnh. Trầm cảm nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được.
Theo các bác sĩ, đối với chị em, tập Yoga có thể là một trong những phương pháp giúp hạn chế chứng trầm cảm trước và sau sinh. Khi tập Yoga, cơ thể chị em vừa được tập luyện, hoạt động mềm dẻo vừa có sự trao đổi giữa giáo viên và học viên về chăm con ra sao, chuẩn bị để con chào đời như thế nào. Đây là cơ hội để chia sẻ, giảm stress cho thai phụ. Bên cạnh đó, với phụ nữ sau sinh, tập Yoga đều đặn có thể giúp chị em nhanh chóng lấy lại vóc dáng thon gọn, giảm tù túng sau sinh nở. Tuy nhiên, BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress (Viện Sức khoẻ tâm thần) lưu ý, phụ nữ nên chọn những bài tập Yoga dạng hoạt hóa, như vậy mới có tác dụng phòng ngừa trầm cảm. Tránh chọn các bài Yoga tĩnh, sẽ có nguy cơ làm gia tăng tình trạng trầm cảm sau sinh.